Điện Biên Phủ trên không

Nhìn lại quá khứ để thấu hiểu hơn giá trị của hòa bình

(VOV) -Chiến tranh giờ đã đi vào quá khứ. Mất mát, đau thương đã nhường chỗ cho niềm tự hào về một Hà Nội hiện đại, phát triển

Ký ức 12 ngày đêm

Trong ký ức những nhân chứng sống của chiến thắng năm xưa, cuộc chiến ngày ấy là một chuỗi những kỷ niệm. Với mỗi người - chiến sỹ, cán bộ, bác sỹ, y tá, dân công, phóng viên, văn công... - mỗi câu chuyện được kể lại như một mảnh ghép giúp chúng ta hình dung được những ngày tháng bi hùng của dân tộc.

Từng bám trụ ngay giữa lòng Hà Nội trong 12 ngày đêm B52 Mỹ rải bom ở Thủ đô, bác Nguyễn Xuân Át – cựu phóng viên ảnh báo Phòng không- Không quân chia sẻ: "Nhà tôi ở ngay phố Khâm Thiên, đêm 26/12, tôi có mặt ở nhà. Lúc bom rải qua, tôi nhanh chóng leo ra khỏi hầm trú ẩn cầm sẵn máy ảnh trên tay sẵn sàng tác nghiệp. Tình cờ tôi nhìn thấy chiếc máy bay B52 bị quân ta bắn rơi và nhanh chóng ghi lại được khoảnh khắc đấy. Đến bây giờ, 1 trong 2 bức ảnh chụp chiếc máy bay ấy vẫn được dùng làm tư liệu lịch sử về chiến dịch lịch sử này".

Bác Nguyễn Xuân Át chia sẻ kỷ niệm khi chụp bức ảnh máy bay B52 bị bắn rơi

Không giấu nổi niềm tự hào trong mắt, bác nhiệt tình kể về những ngày tháng tác nghiệp giữa bom đạn. Bác chia sẻ, để có được những tư liệu lịch sử đến tận ngày hôm nay, bác cũng như hàng trăm phóng viên, nhiếp ảnh đã ngày đêm tác nghiệp tại chiến trường ác liệt, trong đó nhiều người đã hy sinh. Dù không trực tiếp cầm súng nhưng bác ý thức rõ sứ mệnh cao cả của mình là cố gắng ghi lại lịch sử một cách chân thực, sống động nhất.

Nhà báo, đại tá Nguyễn Xuân Mai, nguyên Tổng biên tập Báo Cựu chiến binh Việt Nam, từng là chiến sĩ liên lạc của Đại đoàn 316 trong chiến dịch Điện Biên Phủ chia sẻ: "Thời kỳ ấy có nhiều kỷ niệm đến nỗi không biết nói thế nào, kể làm sao cho hết". Chuyện đã trôi qua cách đây hơn 40 năm mà khi kể về nó, bác vẫn không giấu nổi xúc động. Bác kể: "Nghe thông báo, chúng tôi vội vã xuống hầm, kịp nghe thấy tiếng nổ ở ngay trên đầu, ù hết hai tai. Phải 15 phút sau, khi đã yên ắng rồi, chúng tôi vẫn không nói được câu nào, cảm giác sợ hãi vẫn còn, chỉ đưa tay chạm vào những người xung quanh xem có ai bị làm sao không. Ra khỏi hầm, thấy chỗ chúng tôi vừa ngồi họp cách đây ít phút đã bị bom đánh nát bét. Cảm thấy mình thoát chết trong gang tấc".

Kể về ký ức về những ngày đêm bi tráng đó, bác Nguyễn Thúy Nga (Đống Đa-Hà Nội) chia sẻ: "Đến giờ, ấn tượng lớn nhất với tôi là tiếng loa phát thanh trong suốt những ngày diễn ra chiến dịch: "Đồng bào chú ý. Đồng bào chú ý. Máy bay địch cách Hà Nội 100km…, 70km…, 50km…, 20km…". Khi nghe lời cảnh báo ấy vội vàng tất cả chúng tôi chạy ùa vào hầm trú ẩn. Nó tạo thành một phản xạ. Chỉ vừa ít phút trước mọi sinh hoạt đang diễn ra bình thường nhưng khi nghe âm thanh quen thuộc cất lên, tất cả mọi người nhanh chóng chui vào hầm trú ẩn gần nhất. Cũng nhờ âm thanh này mà có lẽ thủ đô Hà Nội đã hạn chế được rất nhiều thương vong. Rồi khi máy bay địch đi xa, tiếng loa lại vang lên "Đồng bào chú ý. Máy bay địch đã bay xa". Mọi sinh  hoạt của thủ đô trở lại bình thường, người nào việc nấy".

Bác Nguyễn Thúy Nga rưng rưng xúc động khi chia sẻ ký ức, cảm nhận của mình

Ông Phùng Tửu Bôi (cán bộ Viện điều tra quy hoạch rừng) thì nói nhiều về chiếc xe đạp của mình: “Nó gắn với cuộc sống của tôi. Gia đình tôi có rất nhiều người nhưng chỉ có tôi ở lại Hà Nội, còn mọi người đều đi sơ tán. Chiếc xe đạp khi ấy là phương tiện để tôi đi công tác, đi chở đồ tiếp tế gia đình trong những ngày đi sơ tán lên Phúc Thọ. Thậm chí khi có người bị thương, hai chiếc xe đạp nối nhau lại có thể chở được 1 người bị thương… Dân ta đoàn kết lắm. Mọi người lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau, làm những việc không phải chỉ riêng mình, ai cũng có thể xông vào để cứu người này, giúp người khác”.

Có lẽ, vì không trực tiếp tham gia trận chiến nên ký ức của bác Tích (Cát Linh - Hà Nội) thì rất yên bình. Bác kể: Khi có lệnh sơ tán, tôi cùng nhiều người thân dù rất muốn ở lại nhưng vẫn phải đi. Dù vậy tình cảm chúng tôi vẫn dành cho Hà Nội. Nhiều người đêm đi sơ tán, ngày lại trở về Hà Nội tiếp tục công việc của mình, hay có khi về Hà Nội chỉ để ngồi nói chuyện, uống cốc nước. Tôi nhớ nhất là đêm 24/12, tôi cùng rất nhiều thanh niên Hà Nội vẫn trở về xung quanh nhà thờ lớn để dự lễ Noel. Khi ấy, cảm giác bom đạn không hề làm chúng tôi sợ hãi.

Và cuộc sống vẫn tiếp diễn

Bốn mươi năm đã đi qua, Hà Nội giờ không còn tiếng bom đạn, tiếng máy bay, tiếng chị phát thanh viên với lời báo động máy bay địch ngày nào. Hà Nội giờ bình yên với những âm thanh quen thuộc: tiếng còi xe, tiếng rao tào phớ, tiếng rao bánh khúc nóng, tiếng leng keng đổ rác… Những âm thanh đó cho thấy một Hà Nội vẫn đang trở mình phát triển.

Đại tá Nguyễn Xuân Mai chia sẻ những cảm nhận của mình: "Dù vẫn còn những điều chưa hài lòng, song mỗi chúng ta đều có thể cảm nhận Thủ đô đang “thay da đổi thịt” từng ngày, vóc dáng của Thủ đô đang lớn lên, đang đẹp hơn. Chúng ta sẵn sàng sánh vai với các cường quốc trên thế giới".

Từ một thành phố nhiều khó khăn trong bom đạn, ngày nay, Hà Nội đã trở thành một đô thị lớn và ngày càng khang trang, hiện đại. Những nơi hoang tàn đổ nát dưới bom đạn giờ đã mọc lên những tòa cao ốc. Khu phố Khâm Thiên giờ sầm uất bậc nhất Hà thành. Bệnh viện Bạch Mai được xây dựng lại và trở thành một trong những nơi chữa bệnh hiện đại nhất Việt Nam… Điều đó khẳng định sức sống mãnh liệt của một dân tộc.

Bác Thúy Nga thì vẫn rưng rưng xúc động: "Chiến tranh giờ đã đi vào quá khứ. Mất mát, đau thương đã nhường chỗ cho niềm tự hào về một Hà Nội hiện đại, phát triển". Bác cũng chia sẻ, đến giờ đi qua tượng đài Khâm Thiên, hay bất cứ tượng đài liệt sĩ nào, bác vẫn cúi đầu biết ơn những người đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của dân tộc, cúi đầu vì những mất mát mà dân tộc đã phải trải qua. Bác cảm thấy mình may mắn khi còn sống được đến ngày hôm nay, con cháu mình may mắn khi được sống trong thời bình: “Chúng ta ngày hôm nay phải nhìn về quá khứ, nhắc về quá khứ để thấu hiểu hơn giá trị của hòa bình, để trân trọng hiện tại hơn”./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên