Nhớ về bác sỹ Trần Duy Hưng

Mọi người biết tới ông không chỉ là một người đảm nhận cương vị Chủ tịch UBND thành phố lâu nhất trong lịch sử, mà còn bởi tài năng và đức độ của một người lãnh đạo gần dân, yêu dân.

Trong lịch sử Hà Nội, có một sự trùng hợp thú vị: Vị Thị trưởng (Đốc lý) người Việt đầu tiên của Hà Nội, và vị Chủ tịch Ủy ban Hành chính đầu tiên của Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cả hai đều là bác sĩ, đều mang họ Trần: Thị trưởng Trần Văn Lai và Chủ tịch Ủy ban Hành chính Trần Duy Hưng.

Một tấm lòng đức độ

Bác sĩ Trần Duy Hưng sinh năm 1912 (mất năm 1988) trong một gia đình trung lưu tại thôn Hòe Thị, xã Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội. Vốn thông minh lại cần cù học tập, năm 30 tuổi, ông đã là một bác sỹ nổi tiếng, cùng em gái mở một bệnh viện tư tại phố Bông Nhuộm để chữa bệnh, cứu người. Nổi tiếng về chuyên môn nhưng điều ông được đồng nghiệp và người dân Hà Nội thời đó yêu quý nhiều hơn là ở tấm lòng đức độ của một người thầy thuốc sẵn sàng cưu mang và cứu giúp dân nghèo. Cũng chính tại cơ sở chữa bệnh này, bác sĩ Trần Duy Hưng đã cứu giúp và chở che những cán bộ Việt Minh giữa vòng vây bố ráp của kẻ địch.

Trong lần về quê ông ở thôn Hòe Thị, Hà Nội để tìm tư liệu viết bài, chúng tôi đã chứng kiến sự đổi thay rất nhiều của vùng quê nơi đây. Khi tiếp xúc với người thân của ông, điều không may cho chúng tôi là những người cùng thế hệ với ông nay không còn. Tuy nhiên, khi nhắc tới ông, trong gương mặt của họ vẫn toát lên niềm tự hào. Họ coi ông là một tấm gương mẫu mực trong dòng họ để anh em, con cháu noi theo.

Tìm về nơi mà ông đã từng sinh sống, chúng tôi được biết nơi này hiện cháu gọi ông bằng cậu đang ở. Ngôi nhà xưa vì quá mục nát nay đã không còn. Chút kỷ niệm còn lại nơi bác sĩ Trần Duy Hưng đã sinh sống từ thời trai trẻ là chiếc cổng nhà còn khá nguyên vẹn, ghi rõ năm 1933.

“Vừa rồi thành phố có cấp cho gia đình bác tôi một mảnh đất để xây nhà lưu niệm” - ông Trần Duy Thắng, cháu họ bác sĩ Trần Duy Hưng cho biết.

Một tấm lòng son sắt vì nước, vì dân

Nói về bác sỹ Trần Duy Hưng, GS.TS Đinh Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nhận xét: trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, bằng sự sáng suốt của mình, Bác Hồ thấy ở bác sĩ Trần Duy Hưng một nhân cách, một tấm lòng son sắt vì nước, vì dân. Bác Hồ đã chọn đúng người đảm nhận trọng trách đứng đầu Thủ đô, gánh vác những công việc của cách mạng.

Sử liệu cho biết, sau Lễ Quốc khánh 2/9/1945 ít ngày, Bác Hồ tìm đến tư gia của bác sĩ Trần Duy Hưng và đề nghị ông làm Thị trưởng TP. Hà Nội. Vì quá bất ngờ trước vinh dự và trọng trách lớn lao đó, bác sĩ Trần Duy Hưng đã xúc động đáp lại rằng: “Thưa Cụ, chức Chủ tịch xin Cụ chọn người khác xứng đáng hơn, tôi không quen làm...”. Nghe vậy, Bác Hồ đã động viên: “Tôi có quen việc làm Chủ tịch nước đâu, chúng ta cứ làm rồi sẽ quen...”. 

Một trong những “bài học” đầu tiên, làm công bộc của dân chính là việc ông cùng với Bác Hồ viếng thăm xóm thợ nghèo vào đêm giao thừa Bính Tuất (1946). Trong cái rét như cắt da của đêm mùa đông năm ấy, khi mở cửa nhà mình, người phụ nữ của xóm thợ nghèo nàn đã bật khóc nức nở khi được Bác Hồ đến thăm và chúc Tết. “Bác không đến thăm những người như cô chú thì đến thăm ai”, đáp lại sự xúc động của gia đình người thợ nghèo, Bác Hồ đã ân cần nói như vậy. Nghĩa cử cảm động của vị Chủ tịch nước giữa đêm giao thừa Bính Tuất (năm 1946) đã làm ấm lòng người thợ nghèo và để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng vị lãnh đạo thành phố mới ngoài 30 tuổi.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, bác sĩ Trần Duy Hưng được giao trọng trách Thứ trưởng Bộ Nội vụ trong suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến và đến năm 1954 là Thứ trưởng Bộ Y tế. Tháng 10/1954, ông được cử giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội cùng đại quân tiếp quản Thủ đô và ngay sau đó được bầu lại chức Chủ tịch Ủy ban Hành chính Thủ đô và sau đó là UBND TP cho đến năm 1977.

Thành công lớn nhất của bác sỹ Trần Duy Hưng khi làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội (1945-1946) là tập hợp được các tầng lớp nhân dân Hà Nội dưới ngọn cờ của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Việc đầu tiên mà chính quyền Hà Nội làm được lúc đó là cứu đói, thứ hai là những chương trình củng cố chính quyền và một trong những chương trình quan trọng trong đó là bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Qua những cuộc tiếp xúc với hàng ngàn cử tri, nhờ trả lời tốt tất cả các câu hỏi của từng người dân, bác sỹ Trần Duy Hưng đã giúp liên danh của Chính phủ tại Thủ đô giành được 6 ghế ở Quốc hội khóa I, trong cuộc đọ sức với 180 ứng cử viên của các tổ chức khác.

Trong giai đoạn Hà Nội cùng miền Bắc khôi phục sản xuất và thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, người dân Thủ đô nhiều lần bắt gặp bác sĩ Trần Duy Hưng xông xáo vào những nơi bùn lầy nước đọng, cùng người dân Thủ đô xây dựng một Hà Nội mới xanh, sạch, đẹp.

Những ngày Hà Nội cùng cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, trên cương vị Chủ tịch UBND thành phố, bác sĩ Trần Duy Hưng đã đến những nơi có nhà đổ, người chết, cùng băng bó cho những người bị thương. Ông tự tay nhặt từng miếng thịt của các nạn nhân… Tâm sự với con mình, ông bảo, nhiều người khác có thể làm điều đó nhưng nhìn cha làm, người dân sẽ bớt bị hoảng loạn vì ông Chủ tịch thành phố đang ở đây, cùng chúng ta. Vào lúc, cùng cực nhất, người dân cần nhìn thấy người lãnh đạo ở bên cạnh mình.

Từ năm 1945 - 1977, bác sĩ Trần Duy Hưng được nhắc đến với tác phong rất giản dị, gần gũi với người dân, lắng nghe và giải quyết kịp thời bất cứ phản ánh, nguyện vọng nào của nhân dân. Ông tự soạn thảo các công văn, diễn văn, thư từ, điện tín. Ông thường xuyên tiếp dân ngay trong nhà mình bất kể lúc nào, nghe cụ thể từng vụ việc và sau đó giải quyết luôn cho dân. Trong ký ức những chiến sĩ công an, tự vệ Hà Nội những ngày đánh trả cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B.52 của Mỹ, hình ảnh vị Chủ tịch thành phố thường xuyên xông vào khói bom để cùng tham gia cứu hộ, dập lửa đã trở thành hình ảnh thân quen. Và có lẽ chính sự mẫu mực đó của những người lãnh đạo như bác sĩ Trần Duy Hưng, đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để người dân Thủ đô làm nên những kỳ tích của một “Điện Biên Phủ trên không” đi vào lịch sử.

Người khởi xướng những chính sách mạnh mẽ

Dưới thời ông làm Chủ tịch, Hà Nội từng có nhiều chính sách khá mạnh mẽ. Ông là người đi đầu trong mọi phong trào, dẫn dắt nông nghiệp thành phố đạt năng suất lúa cao nhất miền Bắc. Mọi hoạt động công - thương nghiệp, chăn nuôi và ngay cả rau xanh luôn đi đầu cả nước. Hà Nội cũng là nơi đầu tiên có mô hình nhà lắp ghép rồi từ đó nhân rộng ra cả nước. Ngay từ những năm 1960, Nhà nước có chính sách phân phối nhà cho công chức, được sự nhất trí cao của Thành ủy, Hà Nội đã triển khai bán căn hộ theo cách trả dần để thành phố có thêm ngân sách, còn các gia đình cũng có điều kiện để sửa sang cho nhà cửa đẹp hơn. Cũng vào cuối những năm 1960, chính bác sĩ Trần Duy Hưng đã từng gợi mở ý tưởng biến Hà Nội thành một thành phố “soi bóng sông Hồng”, biến con sông thành một tài nguyên cảnh quan, du lịch vô giá, chấm dứt cảnh nhà cửa nhất loạt “ngoảnh lưng ra sông”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi nhận xét về bác sĩ Trần Duy Hưng đã viết: “Một con người của nhân dân, vì nhân dân; là một trí thức để lại tấm gương sáng cho các thế hệ trí thức cả hôm nay và mai sau học tập, noi theo”.

Hôm nay, đi trên một trong những con đường đẹp nhất của Thủ đô mang tên Trần Duy Hưng, chúng tôi mường tượng ra một ngôi nhà tưởng niệm vị Chủ tịch đầu tiên của thành phố Hà Nội. Nơi đây, sẽ lưu giữ nhiều thông tin về cuộc đời, sự nghiệp của ông. Và, chắc chắn có ý nghĩa góp phần giáo dục, không những cho con cháu trong dòng họ Trần mà cả thế trẻ Hà Nội hôm nay và mai sau./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên