Nhớ về chiến thắng Xuân Mậu Thân 1968

Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã đi vào lịch sử chiến tranh cách mạng dân tộc, góp phần cùng cả nước chiến thắng đế quốc Mỹ, tiến tới ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước

Những ngày Tết Nguyên đán cách đây 42 năm, cùng với tiếng súng tấn công địch trên toàn miền Nam, quân và dân Huế đã đồng loạt tiến công, nổi dậy, làm chủ thành phố Huế suốt 26 ngày đêm, cùng với cả nước lập nên chiến công vang dội của cuộc tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Ngày cận Tết, người Huế tất bật sửa sang, dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa đón năm mới. Nhà nhà chuẩn bị bánh mứt, gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, gói bánh chưng dâng lên ông bà tổ tiên. Trong không khí ngày xuân, ông Phan Nam (82 tuổi), nguyên Bí thư Quận uỷ quận Nhì, thành phố Huế trầm ngâm bên chén trà đặc sánh, bồi hồi nhớ lại những ngày tháng chiến đấu gian khổ và hào hùng của quân và dân Huế trong chiến dịch xuân Mậu Thân 1968.

Ông Phan Nam nhớ lại: Năm 1966, Bộ Chính trị quyết định thành lập Khu uỷ và Quân khu Trị Thiên - Huế trực thuộc Trung ương và Bộ Quốc phòng. Từ một khu đệm không đánh lớn, giờ đây Trị Thiên - Huế trở thành mặt trận tấn công địch, cùng với mặt trận Đường 9, Bắc Quảng Trị hợp thành một chiến trường quan trọng, tiêu diệt sinh lực địch, phối hợp tác chiến với các chiến trường khác để đưa cuộc chiến tranh cách mạng lên một bước mới.

Sau khi thành lập, thực hiện chủ trương của Khu uỷ và Quân khu, từ giữa năm 1966 đến 1967, ông Phan Nam cùng lãnh đạo Thành uỷ Huế bí mật chuẩn bị mọi mặt cho Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Thời gian này, ông Phan Nam, lúc thì xuất hiện như một thầy giáo, rồi người đi buôn, lúc lại vào vai ông xe thồ, len lỏi từ nội thành đến vùng ven đô, đồng bằng, miền núi tỉnh Thừa Thiên tham gia xây dựng cơ sở, lực lượng tự vệ, giao liên.

Ông Phan Nam cho biết: “Theo chủ trương của trung ương, của Khu uỷ và Quân khu, Thành uỷ quán triệt nhiệm vụ, với mục tiêu đánh thẳng vào Huế, đầu não của Mỹ - Nguỵ, đập nát sự thống trị, chỉ huy đầu não của Vùng 1 chiến thuật. Vì yêu cầu lớn như vậy nên Thành uỷ đã ráo riết chuẩn bị, tăng cường các lực lượng vũ trang chính quy, các binh chủng đặc biệt, các lực lượng biệt động, địa bàn, rồi các tụ điểm tập hợp quần chúng ở các quận, phường, đường phố”.

Đối với Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Nguyễn Đình Bảy, tên thường gọi là Bảy Khiêm, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Bình Trị Thiên, cuộc Tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 như một dấu ấn không phai mờ. Ông Bảy Khiêm nhớ lại: “Trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân, tôi là chỉ huy trưởng hướng tấn công vào khu vực nam sông Hương, nơi có các vị trí trọng yếu như cơ quan CIA, Toà đại diện Chính phủ Bắc Trung, Toà Tỉnh trưởng, cơ quan Bình Định nông thôn, Chi Sắc tộc và lao Thừa Phủ - Huế. 6 giờ 30 phút ngày mồng 1/2/1968, đơn vị của tôi đã có mặt tại thành phố Huế, nhanh chóng vận động đồng bào tố cáo bọn tay sai, ác ôn, cắm cờ giải phóng lên nóc  Toà tỉnh trưởng và chiếm giữ các mục tiêu quan trọng”.

Cùng với việc giải phóng lao Thừa Phủ, trải qua 26 ngày đêm chiếm lĩnh Huế, mũi tiến quân do ông chỉ huy đã góp phần tiêu diệt nhiều sinh lực địch, bắt sống nhiều tên đầu sỏ trong bộ máy nguỵ quyền, CIA, cảnh sát nguỵ, một số tên cầm đầu đảng phái phản động. Ông Nguyễn Đình Bảy cho biết: “Mũi phía Nam do ông chỉ huy là mũi trọng điểm, xuất quân sôi nổi lắm, nhưng vẫn phải giữ bí mật. Mỗi cánh quân có 2, 3 đường đi, có liên lạc. Cánh của tôi đi về đóng ở Điền Môn, đến 6 giờ sáng ra toà tỉnh trưởng, hạ cờ ba que của địch xuống, cắm cờ đỏ sao vàng, cờ giải phóng lên”.

10 giờ sáng ngày mồng 2 Tết Mậu Thân, cờ giải phóng tung bay trên đỉnh Kỳ Đài trước Đại nội Huế trong sự vui mừng phấn khởi của quân và dân Trị Thiên Huế. Chính quyền cách mạng ra đời, tiếp đó là các hội, đoàn thể chính trị. Ông Nguyễn Bê, nguyên Chủ tịch UBND cách mạng khu phố 4, quận Nhì lúc đó, nay tuy tuổi cao, sức yếu nhưng nhớ về những năm tháng hào hùng ấy, ánh mắt ông vẫn lấp lánh niềm tự hào.

Ông Nguyễn Bê kể: “Lễ ra mắt chính quyền cách mạng diễn ra tại trường Trung học Gia Hội, bà con hò reo mừng thành phố giải phóng, mừng chính quyền của nhân dân. Cảm động nhất là hình ảnh các ông, các mẹ ôm chặt bộ đội, cán bộ cách mạng, nước mắt rung rưng, nghẹn ngào. Sự kiện mà cả cuộc đời tôi thấy vinh dự và tự hào nhất là cuộc họp đầu tiên ra mắt chính quyền cách mạng. Tại cuộc họp này, đồng chí Phan Nam đã về dự và quyết định cử tôi làm Chủ tịch Uỷ ban khu phố 4. Khi ra mắt chính quyền cách mạng, có người ôm tôi khóc, mừng mà khóc. Tôi nhớ mãi lời của đồng chí Phan Nam: dân mà thiếu đói thì đồng chí phải chịu trách nhiệm với Đảng”.

Những ngày Tết Mậu Thân lịch sử, bộ đội cùng ăn Tết với người dân Huế. Bánh chưng, bánh tét các o, các mệ mang đến với tình cảm thân thương của những người mẹ, người chị đối với những người em, người con vừa xa quê trở về. Thật vui và cảm động.

Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 chiếm giữ thành phố Huế suốt 26 ngày đêm đã đi vào lịch sử chiến tranh cách mạng dân tộc với niềm tự hào của quân và dân Huế, góp phần cùng cả nước chiến thắng đế quốc Mỹ, tiến tới ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên