Nhọc nhằn nghề lao công bệnh viện

VOV.VN - Để mưu sinh, những người lao công tại các bệnh viện vẫn đang hàng ngày làm công việc cực nhọc, rủi ro với đồng lương ít ỏi.

Nhọc nhằn và nhiều rủi ro

Một ngày làm việc của những nhân viên vệ sinh bệnh viện thường bắt đầu từ rất sớm. Bà Hà (51 tuổi, trú tại Ngọc Hồi, Hoàng Mai, Hà Nội), hiện đang làm nhân viên vệ sinh tại Bệnh viện Việt Nam Cuba. Vì nhà xa, hàng ngày, cứ tờ mờ sáng là bà đi xe máy từ nhà ở Ngọc Hồi đến viện để kịp 6 giờ điểm danh, thay đồng phục và bắt đầu công việc. 

Những lao công bệnh viện như bà Hà lúc nào cũng trong trạng thái “luôn tay luôn chân”, từ sáng đến chiều lau chùi, dọn dẹp để duy trì môi trường sạch sẽ và an toàn cho bệnh viện. Bên cạnh đó, vì phải làm việc cường độ cao dưới thời tiết nắng nóng oi bức, nên những lao công bệnh viện luôn trong trạng thái mệt mỏi và mất nước, sau mỗi ca làm là mọi người lại tranh thủ thời gian nghỉ để uống nước lấy lại sức. 

Nhân viên vệ sinh bệnh viện thu gom rác về kho dưới nắng nóng.

Chị Nguyễn Thị Hướng (39 tuổi, quê ở Thường Tín, Hà Nội), làm công nhân vệ sinh ở khoa Nội nhi tại Bệnh viện Tim Hà Nội được hơn 4 năm. Để có thêm thu nhập, chị Hướng nhận làm tăng ca đến 10 giờ đêm. Chị cho biết: “Hiện nay số nhân viên làm ca tối tại Bệnh viện Tim như tôi đang thiếu nên mỗi người phải phụ trách nhiều khoa một lúc, mỗi tối lại chật vật chạy hết khoa này đến khoa kia để dọn dẹp, những ngày nào có nhiều ca mổ thì sẽ mệt hơn”.

Khoa chị Hướng phụ trách vệ sinh là khoa Nội nhi nên công việc cũng vất vả và áp lực hơn các khoa khác bởi bệnh nhân là các em nhỏ thường xuyên quấy khóc, nôn trớ. Những thời điểm khoa bị quá tải, có khi lên đến 50 bé gây nhiều khó khăn trong việc dọn dẹp. Dù đã cố gắng làm việc hết công suất nhưng vẫn không xuể, rác thải chất thành đống khiến không ít lần chị Hướng bị người nhà bệnh nhân hiểu nhầm và có những hành động, lời lẽ không hay với chị. 

Những người lao công phải bắc thanh để lau chùi cả những vật ở trên cao.

Ngoài ra, công việc của những người dọn vệ sinh tại bệnh viện thường xuyên phải tiếp xúc với rác thải y tế và nguy cơ lây nhiễm. Chị Hướng chia sẻ, hồi mới đi làm chưa quen việc, xử lý rác phải đối mặt với bông băng dính máu, ống tiêm sắc nhọn, hay những túi dịch bốc mùi khiến chị luôn thấy sợ và lúng túng vì rủi ro lây các bệnh truyền nhiễm là rất cao. Theo chị Hướng chia sẻ, hầu như ai làm công việc này lâu năm cũng có ít nhất một lần gặp tai nạn, bản thân chị cũng đã hai lần bị kim đâm do không bọc kỹ. Lần khác thì khi tiếp xúc với hóa chất tẩy rửa, không may bị bắn vào mắt và bỏng khiến cho thị lực của chị không còn tốt như trước. 

Chấp nhận mức lương ít ỏi

Mong muốn phụ giúp chồng con trang trải cuộc sống, nên dù tuổi đã cao bà Hà vẫn lựa chọn nghề này để kiếm thêm thu nhập. Nhưng vì sức khỏe không cho phép, chỉ có thể làm việc vào giờ hành chính nên mức lương một tháng của bà là rất ít ỏi, chủ yếu trông chờ vào tiền thưởng thêm. “Tiền thưởng phụ thuộc vào bản nhận xét hàng ngày của các khoa mà công nhân đó phụ trách. Nếu được đánh giá tốt, thưởng nhiều thì thu nhập khá hơn một chút, không có thưởng thì lương chính không đủ để trang trải. Nên dù mệt đến mấy cũng phải cố gắng làm cho tốt.”, bà Hà chia sẻ.

Với những người làm tăng ca như chị Hướng, lịch làm chính là từ 6 giờ sáng đến 4 giờ chiều, mỗi tiếng được 20.000 đồng, tăng ca thì làm đến 10 giờ đêm là nhưng cũng chỉ được trả thêm 100.000 đồng mỗi ngày. Công việc nặng nhọc, áp lực với mức lương thấp, nhưng chị Hướng lại không có nhiều sự lựa chọn bởi hoàn cảnh của chị còn nhiều khó khăn. 

“Chồng tôi nghiện rượu, tiền nuôi các con do một mình tôi đi làm gánh vác. Hồi đầu mới đi làm, không có điều kiện để thuê trọ hay đi lại vì lương thấp quá nên đã nhiều lần nghĩ đến bỏ việc. May sao tâm sự với điều dưỡng, các bạn ấy thương nên tạo điều kiện cho tôi ở lại trong khoa sinh hoạt và làm việc. Đêm đến thì chọn một chỗ trống trong hành lang ở khoa rồi trải chăn chiếu ra ngủ. Ăn tiêu dè xẻn, hàng tháng cũng để ra được một khoản tiền gửi về quê cho hai con ăn học”, chị Hướng trải lòng. 

Chị Hướng mệt mỏi sau khi kết thúc ca làm lúc 10 giờ đêm.

Không bằng cấp, gia cảnh khó khăn đã khiến những người phụ nữ như bà Hà, chị Hướng và nhiều người khác lựa chọn công việc lao công bệnh viện đầy nhọc nhằn, vất vả để mưu sinh. Dù vậy, những nhân viên vệ sinh bệnh viện vẫn luôn làm việc tận tâm, hết mình và đặc biệt tự hào về công việc của mình. “Nhiều lúc chúng tôi cũng nhận được những lời động viên, cảm ơn từ bệnh nhân và người nhà, những lúc đấy tôi rất vui vì biết rằng sự có mặt của mình đang góp phần giúp các bệnh nhân an tâm điều trị và hồi phục”, chị Hướng chia sẻ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên