Nhóm khách quậy tung ở sân bay: Nên kiên nhẫn, chia sẻ với Tổ quốc!
VOV.VN -Mỗi chúng ta nếu biết tự kiềm chế, kiên nhẫn chờ đợi, tự giác trong phòng chống dịch cũng chính là đang đóng góp cùng quê hương đẩy lùi dịch bệnh.
Tôi có nhiều bạn bè là Kiều bào ở các nước trên thế giới. Trong số họ cũng có người về Việt Nam tránh dịch và đa phần ở lại tránh dịch tại chỗ. Dù nhiều người đang sống ở những vùng được gọi là "tâm dịch" như Hàn Quốc, Trung Quốc, Italy… nhưng ngày nào cũng theo dõi tình hình dịch bệnh ở quê nhà. Họ vui mừng mỗi khi trong nước có thông tin tốt về kiểm soát dịch bệnh và lo lắng khi gần đây ở Việt Nam dịch Covid-19 có chiều hướng tăng nhanh.
Mặc dù đang sống ở những nơi có dịch lây lan với tốc độ chóng mặt, nhưng nhiều bà con vẫn không quên việc hỗ trợ trong nước bằng nhiều hành động thiết thực. Mới đây, các doanh nhân Việt Nam tại Hàn Quốc đã đóng góp hỗ trợ nhiều vật dụng cần thiết về trong nước…
Nhiều bà con Kiều bào chia sẻ với trong nước bằng cách tránh dịch tại chỗ vì theo họ, đó cũng là đóng góp nho nhỏ với đất nước, nhằm giảm tải gánh nặng về chỗ ở và chi phí cách ly. Những người về trong nước tránh dịch thì đều tự giác khai báo hành trình di chuyển, tự nguyện cách ly, chấp hành quy định về phòng chống dịch.
Người phụ nữ làm ầm ĩ ở sân bay Nội Bài, đòi đi cách lý sớm hoặc về nhà tự cách ly, chê bánh mì được phát không nuốt nổi. (Ảnh cắt clip). |
Thậm chí, có những lao động ở nước ngoài, khi về nước thấy cơ thể có dấu hiệu về sức khỏe, đã chủ động liên hệ nhiều đầu mối ở trong nước, tự nguyện đến địa điểm cách ly để không làm khó cơ quan chức năng trong kiểm soát dịch bệnh.
Và những hành động, chiêm nghiệm thực tế của những người ở nước ngoài về nước cách ly hay chữa bệnh Covid-19 là phản ánh rõ nét nhất về tình hình phòng, chống dịch ở trong nước. Đó là lời tâm sự từ đáy lòng của bạn Phạm Thị Hảo, 19 tuổi, quê Tuyên Quang, du học sinh tại Seoul, Hàn Quốc sau 14 ngày cách ly. “Đối với tớ, 14 ngày được sống với cái nắng gắt gỏng ở Đà Nẵng là 14 ngày yên bình nhất từ trước đến giờ. 5h sáng mỗi ngày lại nghe thấy tiếng kẻng báo thức, tiếng radio vang khắp khu cách ly. Là mỗi sáng xịt khử trùng mà như chạy giặc, cùng nhau đoán xem bữa sáng, trưa tối có gì. Là Đà Nẵng đã luyện một đứa sợ ăn cá như tớ được ăn đầy đủ cá ngày 2 bữa sáng tối không trừ một bữa nào…. Là khi bên ngoài kia với biết bao nhiêu công việc khác nhau, nhưng điều những người ở đây chọn là bảo vệ công dân, bảo vệ Tổ quốc. Tớ sẽ chẳng quên được đâu, Đà Nẵng trong tim tớ. Đẹp nhẹ nhàng mà chân thành biết bao”.
Rồi những lá thư cảm ơn với tình cảm chân thành tự đáy lòng của cả những người nước ngoài sau khi cách ly, như vợ chồng du khách người Anh là một ví dụ: "Trang thiết bị của bệnh viện ở đây rất khác với ở Anh, tuy nhiên chúng tôi đã có tất cả những gì chúng tôi cần…. Chúng tôi rất hiểu thực tế này, đây là điều cần làm trong hoàn cảnh hiện nay và chúng tôi rất biết ơn bệnh viện cũng như tất cả cán bộ ở đây đã chăm sóc chúng tôi rất tốt”.
Hay là lá thư cảm ơn đầy tình cảm chân thành của bố con người Trung Quốc gửi các bác sỹ Việt Nam sau khi được chữa khỏi bệnh Covid-19. “Chúng tôi là hai cha con bệnh nhân nhiễm virus corona tới từ Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc. Chúng tôi đã rời bệnh viện được ba ngày rồi nhưng tâm trí dường như vẫn còn ở lại bệnh viện, nơi cha con tôi không thể quên được những ấn tượng tươi đẹp và sâu sắc mà Chợ Rẫy đã để lại.
Cha tôi đặc biệt đã giao cho tôi trọng trách rằng: Hãy cảm ơn Việt Nam, Chính phủ Việt Nam và Bộ Y tế Việt Nam, những người đã dang tay giúp đỡ khi chúng ta gặp nạn. Các bác sĩ và y tá đã chữa trị cho chúng ta bằng tất cả sức mạnh và sau cùng đã giúp chúng ta khỏi bệnh”.
Một phụ nữ đăng status chê đồ ăn miễn phí nhân viên sân bay mang tới. |
Bấy nhiêu cũng đủ nói lên bức tranh thực tế về phòng chống dịch cũng như việc chữa trị cho người người nhiễm Covid-19 ở Việt Nam. Mà ở đó, dù trang thiết bị không được hiện đại, đầy đủ bằng các nước có điều kiện tốt hơn, nhưng trên tất cả là sự nỗ lực, cố gắng hết sức của Chính phủ, là sự tận tâm của đội ngũ y bác sỹ, là sự chia ngọt sẻ bùi của tất cả người dân trong nước để những người cách ly đều được chăm sóc chu đáo và miễn phí; người nào mắc Covid-19 thì được chữa trị kịp thời.
Và cảm nhận của nhiều người sau khi đã trải nghiệm từ việc cách ly đến chữa trị Covid-19 đã nói lên tất cả. Nhiều bà con người Việt ở nước ngoài đã không cầm lòng khi thấy hình ảnh những chiến sỹ, người làm nhiệm vụ sau một ngày lao động cật lực, họ phải rải áo mưa xuống đất để ngủ ở ngoài trời giá lạnh, còn dành chỗ cho người Việt ở nước ngoài về cách ly ngày càng đông.
Vậy mà, ở đâu đó vẫn còn những hành động thiếu thiện chí, điển hình là nhóm người từ châu Âu về quậy tung sân bay khi phải chờ đợi. Họ đòi được đưa cách ly sớm hoặc về nhà tự cách ly. Kể cả khi lực lượng làm nhiệm vụ giải thích, việc chờ đợi trong thời điểm hiện nay là không thể tránh khỏi vì lượng khách từ châu Âu, khu vực ASEAN về nước rất đông.
Trong khi dịch diễn biến phức tạp như hiện nay, không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước, việc kiểm soát chặt chẽ để tránh dịch lây lan là vô cùng cần thiết. Thậm chí, nhiều nước đã đóng cửa biên giới để tránh dịch lây lan. Còn ở Việt Nam, người đứng đầu Chính phủ đã khẳng định, đất nước không bỏ rơi một ai trong cuộc chiến chống dịch. Thủ tướng còn nhấn mạnh, Chính phủ sẵn sàng tiếp tục hy sinh những quyền lợi về kinh tế để ngăn chặn Covid-19.
Đó cũng chính là lời khẳng định, mọi công dân Việt Nam ở trong hay ngoài nước đều được chăm sóc, được hỗ trợ tốt nhất trong điều kiện cho phép của đất nước.
Vì thế, nếu mỗi chúng ta biết tự kiềm chế, kiên nhẫn chờ đợi, tự giác trong việc phòng chống dịch kể cả ở trong hay ngoài nước, cũng chính là đang đóng góp cùng với Tổ quốc ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh./.