Nhức nhối nạn tín dụng “đen” ở Tiền Giang
VOV.VN - Lợi dụng nhu cầu cần vốn của người dân trên địa bàn Tiền Giang, nhiều tổ chức cá nhân đã tổ chức cho vay lãi suất cao hay còn gọi là tín dụng “đen”
Người vay tiền lãi suất cao khi sử dụng nguồn vốn không đúng mục đích, làm ăn kém hiệu quả không hoàn trả lãi, vốn đúng hạn, thì chủ nợ có hành vi côn đồ, đập phá tài sản, gây thương tích, làm mất an ninh trật tự tại địa phương.
Lực lượng công an triệt phá nhóm cho vay nặng lãi tại Thị xã Gò Công.
Thống kê của Công an tỉnh Tiền Giang cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 8 công ty với 31 đối tượng chuyên hoạt động tín dụng đen với doanh nghĩa là công ty Tư vấn tài chính; có gần 200 đối tượng có biểu hiện cho vay nặng lãi. Năm ngoái, cơ quan công an đã xử lý hình sự 2 đối tượng cầm đầu, lập hồ sơ quản lý gần 90 đối tượng và buộc 134 đối tượng cam kết không hoạt động tín dụng đen. Ngoài ra các ngành chức năng trong tỉnh còn kiểm tra 5 nhóm với gần 30 đối tượng có biểu hiện cho vay nặng lãi với lãi suất từ 20-30%; khởi tố hình sự 2 vụ gây thương tích có liên quan đến việc vay nặng lãi không hoàn trả lãi và vốn cho chủ nợ.
Qua tố giác của quần chúng nhân dân, ngày 22/5/2018, Phòng cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Tiền Giang và công an huyện Chợ Gạo tiến hành kiểm tra căn nhà của bà Trần Thi Kim Hà, tại xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo đã phát hiện 06 đối tượng đang thuê căn nhà này ở để cho vay với lãi suất từ 30-40%/ tháng.
Hay ngày 13/7/ 2018, công an Thị xã Gò Công tiến hành khám xét 2 căn nhà cho thuê nghi vấn có dấu hiệu cho vay nặng lãi tại phường 2 và phường 5. Tại đây, cơ quan công an phát hiện quả tang 7 đối tượng từ các nơi khác đến hoạt động cho vay nặng lãi. Vào ngày 23/10/ 2018, công an TP.Mỹ Tho bất ngờ kiểm tra hành chính một căn nhà ở ấp 3, xã Trung An cũng phát hiện 04 đối tượng ngụ Thành phố Hải Phòng đang ở để thực hiện việc cho vay trả góp không cần thế chấp tài sản với lãi suất cao. Còn rất nhiều vụ “tín dụng đen” khác, mà người dân không tố giác, sẵn sàng ngậm đắng, nuốt cay để trả nợ.
Hoạt động của các đối tượng này với hình thức: rải, dán tờ rơi cho vay khắp nơi công cộng, các vùng nông thôn. Người dân muốn vay tiền chỉ cần nộp có giấy CMND hay bằng lái xe, sổ hộ khẩu mà không cần thế chấp tài sản. Do cần vốn để làm ăn hay tiêu xài, đã có nhiều người dân phải vay “nóng” số tiền này. Nếu người vay không có khả năng trả lãi và vốn thì các đối tượng này "ra tay" hành hung, đánh đập, gây thương tích…
Từng chứng kiến nhiều gia đình “tan nhà nát cửa" vì vay nặng lãi, ông Phạm Văn Hà, người dân ấp Tây, xã Nhị Bình, huyện Châu Thành chia sẻ: “Trên địa bàn ấp Tây thì nói chung cho vay nặng lãi người dân rất bức xúc. Kinh tế khó khăn, người dân đia vay nhưng mà không hiểu, chỉ biết có tiền thôi không nghĩ đến lãi suất là bao nhiêu phần trăm.
Các đối tượng cho vay nặng lãi dán tờ rơi khắp nơi ( Ảnh: NT) |
Tín dụng đen khỏi có thời gian chờ đợi, chỉ có ký vô hợp đồng vay là rồi. Ngăn chặn cái này là phải có sự nhận thức rõ ràng của bà con; phải có đoàn thể đi tuyên truyền vận động cho bà con nắm bắt, cái nào có lợi, có hại cho gia đình mình”.
Qua tìm hiểu của PV Đài TNVN, đa số người chấp nhận vay “tín dụng đen” là do túng quẫn không còn vay mượn được từ ngân hàng hay người thân. Một số thanh niên nghiện cờ bạc, các chất ma túy… cũng chấp nhận vay lãi suất cao mà chưa biết nguồn nào để trả. Tại xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo đã có nhóm đối tượng đến thuê nhà dân ở sau đó cho vay nặng lãi bị công an triệt phá.
Ông Huỳnh Văn Sang, Chủ tịch UBND xã Long Bình Điền nói: “Theo tôi vấn đề "tín dụng đen" hiện nay trở thành phổ biến trên địa bàn huyện, xã. Có nhiều trường hợp vay đã “tan nhà nát cửa”. Do vậy, giải pháp là các đoàn thể phải tăng cường công tác tuyên truyền vậ động người dân cũng như đoàn viên, hội viên của mình vay thì đi đến các ngân hàng chính thống của Nhà nước vay về sản xuất. Chứ vay tín dụng đen lãi suất quá cao không có khả năng hoàn vốn, trả lại cho người cho vay gây tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã bị xáo trộn.
Tại tỉnh Tiền Giang đã từng xảy ra một số vụ “ thanh trừng nhau” giữa chủ nợ và người vay khi xảy ra mâu thuẫn về tiền vay. Nhiều gia đình rơi vào cảnh nợ nần, phải bán “chạy” hết tài sản để trả tiền cho chủ nợ.
Theo cơ quan công an, công tác điều tra, xử lý các băng nhóm cho vay nặng lãi rất khó khăn. Nhiều người vay tín dụng đen sợ trả thù nên không trình bào với cơ quan chức năng đến khi xảy ra xô xát, gây thương tích, mới khai báo; việc chứng minh hành vi cho vay nặng lãi cũng không đơn giản; một số đối tượng khi cơ quan công an phát hiện cho vay nặng lãi đã bỏ trốn đi nơi khác nên khó xử lý... Do đó, để ngăn chặn tình trạng “ tín dụng đen” thì công tác tuyên truyền, giáo dục làm nâng cao ý thức, nhận thức trong cộng đồng là hết sức cần thiết; trong đó, chính quyền các ngành, đoàn thể tại địa phương giữ vai trò rất quan trọng trong việc trợ vốn vay từ ngân hàng, các nguồn quỹ giúp nhau, dạy nghề, tạo công ăn việc làm cho thanh niên…Các cơ quan pháp luật cần tăng cường công tác điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân chuyên cho vay nặng lãi.
Đại tá Nguyễn Hữu Trí, Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang cho biết thêm: “Về giải pháp trong thời gian tới, là tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về vay và cho vay, tác hại của tín dụng đen. Tuyên truyền, nâng cao cảnh giác của người dân trước thủ đoạn lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, cho vay lãi nặng của các đối tượng. UBND các cấp tập trung nắm tình hình cho vay quản lý chặt dịch vụ cầm đồ ở địa phương, tại cơ sở, kịp thời ngăn chặn ngay, xử lý nghiêm từ khi mới phát sinh. Lực lượng công an tiếp tục thực hiện đấu tranh chuyên đề này, đẩy mạnh, vận động nhân dân tích cực tham gia tố giác các loại tín dụng đen, các hiện tượng huy động vốn với số lượng lớn.
“Tín dụng đen” là hoạt động vi phạm pháp luật, kém nhân văn, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn đẩy người vay vào cảnh khốn cùng, là mầm móng dẫn đến tội phạm, làm băng hoại đạo đức của con người. Việc nhiều tổ chức, cá nhân cho vay nặng lãi đang hoạt động ở tỉnh Tiền Giang phải được ngăn chặn và bài trừ triệt để, nhằm đảm bảo cuộc sống yên bình, hạnh phúc trong nhân dân./.