Nhức nhối nợ đọng bảo hiểm xã hội ở các tỉnh miền Trung
VOV.VN -Tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội ở các tỉnh miền Trung đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động.
Tình trạng doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp đã và đang xảy ra phổ biển ở hầu khắp các tỉnh, thành miền Trung. Điều này gây khó khăn không chỉ đối với cơ quan chức năng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động.
Ông Lê Anh Nhân, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội thành phố Đà Nẵng cho biết, tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp xảy ra khá phổ biến ở thành phố này. Đến hết tháng 6 năm nay, thành phố vẫn còn gần 6000 đơn vị nợ bảo hiểm với tổng số nợ trên 367 tỷ đồng, trong đó hơn 400 đơn vị nợ kéo dài trên 12 tháng với tổng số nợ 123 tỷ đồng của gần 2000 lao động.
Tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội ở các tỉnh miền Trung đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của người lao động (ảnh minh họa/báo Dân sinh) |
Ngoài ra, hơn 1.200 đơn vị nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ 3 đến dưới 12 tháng. Đáng chú ý, trong số hơn 367 tỷ đồng nợ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp có gần 65 tỷ đồng là nợ khó thu. Đây là số nợ của gần 900 đơn vị đã hoặc đang phá sản, giải thể, chủ doanh nghiệp bỏ đi, mất tích…
Ông Lê Anh Nhân cho biết thêm, Bảo hiểm xã hội thành phố Đà Nẵng vừa hoàn tất hồ sơ chuyển cơ quan Công an đề nghị xem xét, điều tra xử lý hình sự đối với 5 đơn vị vi phạm pháp luật về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp gồm: Công ty TNHH B.Z.A; Công ty trang trí nội thất và quảng cáo Sài Gòn DAD; Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Vina Waco, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và Thương mại 592 và Công ty Cổ phần Ecico.
“Số nợ mà những đơn vị vừa rồi chúng tôi chuyển qua cơ quan Công an cao thì cũng 3 tỷ đồng, thấp thì cũng 400 đến 500 triệu đồng. Tuy nhiên, thời gian kéo dài đến 2 tới 3 năm. Từ Thanh tra Bảo hiểm xã hội đến Thanh tra liên ngành đều không xử lý được, buộc cơ quan Bảo hiểm xã hội phải chuyển các đơn vị này qua cơ quan công an xử lý theo bộ luật hình sự”, ông Lê Anh Nhân nói.
Tình trạng doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp không chỉ ảnh hưởng đến tổng thu Quỹ bảo hiểm xã hội mà còn tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Đơn cử như hơn 470 lao động của Công ty TNHH MTV TBO ViNa 100% vốn Hàn Quốc đóng tại Khu Công nghiệp Hòa Khánh 2 tháng nay không được trả lương do chủ doanh nghiệp và Giám đốc điều hành đã “cao chạy xa bay”.
Không có việc làm, người lao động cũng không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp cùng các chế độ khác. Hay như trường hợp của bà Trương Thị Hồng cùng hơn 100 công nhân lao động của Công ty CP Tổng hợp Việt Phú ở tỉnh Quảng Ngãi từ tháng 11/2013 đến nay, chưa được giải quyết các chế độ ốm đau, thai sản, lương hưu, tiền giải quyết chế độ 1 lần…
Theo một số công nhân ở Công ty này, từ năm 2013 đến nay, hằng tháng Công ty Cổ phần tổng hợp Việt Phú vẫn trừ tiền Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp trong lương của người lao động. Thế nhưng, Công ty lại không nộp tiền cho Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Ngãi mà chiếm dụng trái phép hơn 9 tỷ đồng. Vì thế, mọi chế độ của người lao động đều không được giải quyết, đẩy nhiều gia đình vào cảnh khó khăn.
Bà Trương Thị Hồng bức xúc vì bà đã nghỉ hưu nhưng đến nay vẫn chưa được nhận sổ hưu, mặc dù mọi khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệm hàng tháng bà đều nộp đủ.
“Không chốt được sổ do công ty đóng bảo hiểm đến tháng 11/2013 thôi. Hiện tại, tôi nghỉ nhưng không thể chốt sổ bảo hiểm được”, bà Hồng nói.
Ngoài Công ty Việt Phú, hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có nhiều doanh nghiệp đang nợ bảo hiểm xã hội tỉnh số tiền khá lớn. Nổi cộm như Công ty CP Phát triển cơ sở hạ tầng nợ 6,3 tỷ đồng; Công ty CP LICOGI nợ 5,5 tỷ; Công ty CP xây dựng 25 nợ 1,6 tỷ; Công ty CP Bê tông ly tâm Dung Quất nợ 8,3 tỷ đồng.
Ông Tiêu Sinh, Phó Giám đốc phụ trách Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, việc giải quyết nợ BHXH, bảo vệ quyền lợi của người lao động không phải của riêng cơ quan nào.
“Có rất nhiều ý do để các đơn vị nợ, trong đó có lý do là họ cố tình chây ì, làm ăn được nhưng chiếm dụng tiền của người lao động, cũng có một số doanh nghiệp làm ăn khó khăn… thì điều đó ảnh hưởng đến quyền lợi cho người lao động”, ông Tiêu Sinh nói./.
Giải pháp nào huy động dân tham gia bảo hiểm xã hội?
Thưởng sáng kiến, thưởng Tết có phải đóng bảo hiểm xã hội không?
Gian lận Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm tự nguyện có thể ngồi tù