Những cách cứu trẻ đuối nước tưởng đúng nhưng đều sai
VOV.VN - Chuyên gia: "Người ta có động tác bế em bé bị đuối nước lên chạy lòng vòng, hay cho vào lu để rơm dạ lăn đi lăn lại…. Những động tác đó đều là sai".
Liên tiếp các vụ đuối nước xảy ra trong những ngày qua, mà nạn nhân là trẻ em khiến chúng ta không khỏi đau xót. Ngày 3/4, tại Bà Rịa - Vũng Tàu xảy ra vụ đuối nước thương tâm tại khu vực hồ Suối Các, làm 4 nữ sinh tử vong. Ngay ngày hôm sau (4/4), năm học sinh ở tỉnh Thanh Hoá rủ nhau ra sông Mộc Khê, huyện Thiệu Hóa để tắm và bị đuối nước tử vong. Đến chiều 10/4, trên địa bàn huyện Krông Năng, tỉnh Ðắk Lắk xảy ra vụ đuối nước tại ao gia đình ở buôn Ea Lê xã DliêYa, khiến 3 học sinh tử vong. Còn tại tỉnh Bình Định, chiều 11/4, nhóm 4 học sinh đến tắm biển tại bãi Bàng, 2 học sinh trong nhóm bị sóng cuốn ra xa, một em được đội cứu hộ tìm thấy tuy nhiên nạn nhân đã tử vong, em còn lại hiện vẫn đang mất tích. Như vậy, chỉ trong những ngày đầu tháng 4 đã xảy ra hàng loạt các vụ đuối nước thương tâm khiến nhiều học sinh thiệt mạng, gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng đuối nước đầu hè năm nay.
Theo thống kê, trẻ em tử vong trong mùa bão ít hơn rất nhiều so với trẻ bị đuối nước trong mùa hè - quãng thời gian các con được nghỉ học và tự chơi. Theo bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ LĐTB&XH), nguyên nhân tử vong chủ yếu do xảy ra tai nạn khi chơi hoặc tắm sông, hồ, ao gần nhà mà không có sự quản lý của người lớn và thường xảy ra đối với trẻ em ở các vùng nông thôn.
"Nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là các bậc làm cha, làm mẹ về các nguy cơ gây đuối nước ở trẻ em vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, trẻ em Việt Nam vẫn thiếu các kỹ năng an toàn rất ít trẻ biết bơi, tỷ lệ biết bơi khoảng hơn 30%. Đó là vấn đề có thể dẫn đến tử vong, đuối nước", bà Vũ Thị Kim Hoa cho hay.
Mỗi năm, cả nước có khoảng 2.000 trẻ em đuối nước tử vong. Tỷ lệ tử vong vì tai nạn đuối nước ở Việt Nam cao gấp 10 lần so với những quốc gia khác. Trong đó, phần lớn là trẻ em dưới 15 tuổi. Trước thực trạng này, các phương tiện truyền thông liên tục đưa ra cảnh báo. Nhiều địa phương tổ chức các lễ phát động phòng chống đuối nước vào đầu hè. Đặc biệt, nhiều nhà trường đã tổ chức dạy bơi cho trẻ để nâng cao kỹ năng ứng phó, xử lý khi ở dưới nước. Nhiều địa phương cũng phối hợp với các tổ chức triển khai chương trình dậy bơi cho trẻ em, nâng cao nhận thức cho phụ huynh và giáo viên bậc mầm non.
Bà Đoàn Thu Huyền, Giám đốc Quốc gia của Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu (Hoa Kỳ) cho biết: "1 năm qua, chúng tôi đã triển khai nâng cao nhận thức cho hơn 5.000 phụ huynh có con dưới 5 tuổi, giáo viên tại các trường mầm non về phòng chống đuối nước. Đào tạo hơn 9.000 trẻ em được học bơi, hơn 17.000 học sinh học kỹ năng an toàn trong môi trường nước ở những địa bàn triển khai can thiệp, tỷ lệ các con biết bơi cao hơn nhiều. Sau 1 năm, từ 14% lên 24%. Ngoài ra, tỷ lệ trẻ đuối nước ở những địa bàn can thiệp của chương trình giảm đi nhiều, đặc biệt là trong những tháng cao điểm từ tháng 5 đến tháng 9".
Với việc triển khai đồng loạt nhiều chương trình phòng, chống đuối nước trẻ em thời gian qua, số trẻ em bị tử vong do đuối nước giảm trung bình 100 trẻ mỗi năm; 90% trẻ được mặc áo phao khi tham gia giao thông đường thủy; trên 50% trẻ em tiểu học và THCS biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, Bộ này đã ký kết với 9 bộ, ngành để triển khai chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ em.
"Chúng tôi tổ chức những chiến dịch truyền thông lớn để cung cấp kiến thức, trang bị kỹ năng cho các bậc phụ huynh, thầy cô giáo, mọi người dân và cho chính trẻ em. Triển khai chương trình tin nhắn cảnh báo cho các phụ huynh hàng ngày về tai nạn thương tích. Bộ cũng đã triển khai trên mạng xã hội, xây dựng các sản phẩm truyền thông về đuối nước. Đặc biệt, chúng tôi cũng xây dựng các môi trường sống trong gia đình cộng đồng, trường học đó là cắm biển cảnh báo khu vực sâu, nơi có ao hồ…", bà Nguyễn Thị Hà cho biết thêm.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, không thể chỉ coi việc cho trẻ đi học bơi là có thể giải quyết mọi vấn đề liên quan đến đuối nước ở trẻ. Bác sỹ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục bảo vệ trẻ em (Bộ LĐTB&XH) cho rằng, nỗ lực dạy nhiều trẻ biết bơi thôi là chưa đủ.
"Hiện, chúng ta dậy chưa đúng cách, có nhiều trung tâm dạy bơi nhưng theo kiểu lấy thành tích. Bơi là phải bơi có kỹ năng tự cứu và những kỹ năng sinh tồn khi em bé bị ngã xuống nước thì em bé có thể sống sót được. Đây mới là cần thiết phải dạy cho trẻ. Khi bạn bè chẳng may bị rơi xuống nước là các em nhảy ào xuống cứu và thường chết cả chùm. Nên chúng ta phải dậy cho các em bé kỹ năng nếu thấy bạn bị đuối nước thì phải hô hoán, để mọi người xung quanh chạy đến cứu, phải quăng dây có gậy có sào đưa xuống chứ không phải nhảy ào xuống cứu bạn", bác sỹ Nguyễn Trọng An chia sẻ.
Đề cập tới đa số các vụ đuối nước ở trẻ nhỏ xảy ra ngay trong khuôn viên ao hồ, thậm chí là chum vại nước của gia đình, các chuyên gia nhấn mạnh, từng gia đình cần tăng cường giám sát và quản lý con em mình tránh khỏi tai nạn đuối nước, nhắc nhở để trẻ in sâu trong đầu về nguy cơ có thể chết đuối, bởi trẻ nhỏ thường ham chơi và có thể quên ngay lời nhắc. Ngoài ra, cần chỉ dẫn vui chơi ở đâu, chơi như thế nào để đảm bảo an toàn… Bên cạnh đó, cần trang bị cho mọi người kỹ năng sơ cứu đúng cách đối với người bị đuối nước.
Bác sỹ Nguyễn Trọng An cho rằng: "Đối với trẻ bất tỉnh không còn tim, mạch nữa mà không có kỹ năng cấp cứu, sơ cứu đúng cách thì có thể không cứu được em bé, hoặc gây tổn thương đến não. Nguyên tắc là ngay lập tức tại chỗ phải làm thông thoáng đường thở. Đặt em bé nằm trên một mặt phẳng, kê gối cao trên vai cho đầu dốc thấp hơn, nghiêng về một phía, tiến hành hồi sức tim phổi, mà trước đây ta hay gọi là hà hơi thổi ngạt, hay ép tim lồng ngực. cũng cần theo nguyên tắc ấn vào giữa xương ức 1/3 dưới. Một số địa phương người ta có động tác dốc nước là bế em bé lên chạy lòng vòng, hay cho vào lu để rơm dạ lăn đi lăn lại…. những động tác đó đều là sai".
Trong phòng, chống đuối nước ở trẻ em, không chỉ gia đình hay riêng một ngành nào có thể triển khai tất cả các hoạt động. Để giảm thiểu tử vong do đuối nước ở trẻ em đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, đoàn thể, sự vào cuộc của cộng đồng và toàn xã hội. Song, vai trò trách nhiệm của gia đình và người chăm sóc trẻ phải được đạt lên hàng đầu. Có như vậy, những nỗi đau mang tên đuối nước trẻ em trong mùa hè mới có thể giảm./.