Những "cánh sóng” thầm lặng tại Liên hoan Phát thanh
Với những cán bộ kỹ thuật, họ là những người đến sớm nhất để triển khai thiết bị, và chỉ trở về khi buổi thi đã kết thúc.
Tại Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ X – 2012 đang diễn ra tại Hà Nội, bên cạnh sự sôi động của các hội đồng thi; niềm hân hoan, háo hức của các phóng viên, biên tập viên có tác phẩm tham gia dự thi… thì tại phòng thi phát thanh trực tiếp có sự đóng góp thầm lặng nhưng mang yếu tố “thành bại” của một chương trình phát thanh – đó là những kỹ sư, kỹ thuật viên của Trung tâm Âm thanh, Đài TNVN.
Những kỹ thuật viên luôn đứng sau thành công của các chương trình phát thanh |
Liên hoan diễn ra tại Cung Hữu nghị Hà Nội, địa điểm tuy gần trụ sở Đài TNVN, nhưng làm sao để có phong thu “chuẩn Đài” phục vụ những chương trình phát thanh trực tiếp tại Liên hoan là vô cùng quan trọng.
Anh Lê Đức Thọ, Trưởng phòng Kỹ thuật Tin học – Trung tâm Âm thanh cho biết, trước khi diễn ra buổi chấm thi đầu tiên 2 ngày, toàn bộ gần 20 người của Phòng đã được huy động làm việc từ sáng sớm đến chiều tối, trong điều kiện những ngày nắng nóng của Hà Nội, để vận chuyển, lắp đặt thiết bị.
Anh Lê Đức Thọ (ngoài cùng bên trái) cùng kíp trực tại Liên hoan Phát thanh toàn quốc |
Tuy tham gia nhiều Liên hoan Phát thanh, cũng như nhiều chương trình phát thanh trực tiếp lưu động, song mỗi lần nhận nhiệm, các kỹ sư, kỹ thuật viên vẫn không khỏi hồi hộp, căng thẳng và động viên nhau làm sao bảo đảm điều kiện trang thiết bị tốt nhất, để cánh sóng phát thanh đến với bạn nghe đài được “trong” nhất, “chuẩn” nhất…
“Việc đầu tiên là chúng tôi phải khảo sát địa hình, mặt bằng để lắp đặt trang âm, kỹ thuật, kết nối thiết bị với nhau an toàn và bảo đảm chất lượng nhất, sẵn sàng cho việc phát sóng trực tiếp các chương trình. Đối với việc lắp đặt thiết bị, khi ra ngoài bao giờ cũng khó khăn gấp nhiều lần so với tại đơn vị vì điều kiện trang âm bao giờ cũng phải theo đúng chuẩn mực; trong khi điều kiện trang âm phòng thu của một số đài địa phương còn hạn chế, do đó chúng tôi phải vận dụng kỹ thuật, điều chỉnh cho âm thanh hay hơn”, anh Thọ nói.
Hỗ trợ kỹ thuật cho việc chấm thi tại Liên hoan |
Theo các kỹ sư của Trung tâm Âm thanh, khó khăn nhất là phòng phát thanh trực tiếp “dã chiến” như thế này không đảm bảo về phòng ốc nên dễ bị tiếng động ngoài chi phối, cũng như dễ gặp sự cố “treo máy”. Tuy nhiên, các kỹ thuật viên đã lường trước được và đã có khâu chuẩn bị kỹ lưỡng.
“Với 6 kỹ thuật viên “túc trực” thường xuyên trong mỗi chương trình dự thi phát thanh trực tiếp cho nên chúng tôi đảm bảo kỹ thuật sẽ được thông suốt, đem lại sự phấn khởi cho các biên tập viên và chất lượng âm thanh tốt nhất cho các chương trình” – anh Thọ khẳng định./.