Những câu chuyện về “Tôi và đất nước”

VOV.VN - Mỗi người trẻ Việt Nam đã bao giờ tự hỏi: “Đất nước là gì?”, “Tôi là ai trong cụm từ “đất nước” đó?”

Hơn 500 sinh viên đã được lắng nghe những câu chuyện đầy ý nghĩa, thú vị về đất nước của nhà sử học Dương Trung Quốc; nhà giáo nhân dân, TS. Nguyễn Lân Dũng; PGS.TS Đào Duy Quát; nhà văn Trang Hạ, được đề cập trong Hội thảo Ichallenge 2014 với chủ đề “Tôi và đất nước” do tổ chức Tầm nhìn, Tiếng nói và Triển vọng giới trẻ trong xã hội (YVS) tổ chức tại Hà Nội hôm 10/8 vừa qua.


Buổi tọa đàm giữa các vị khách mời
Hội thảo đã mang đến một thông điệp đầy ý nghĩa: Mỗi người trẻ hãy sống sao cho xứng đáng với vai trò là chủ nhân tương lai của đất nước.

Câu chuyện về “Tuổi 20”

Nhà sử học Dương Trung Quốc nhớ lại tuổi 20 của mình: “Năm 1964, 1965 là thời điểm khởi đầu cho cuộc kháng chiến chống Mỹ trên miền Bắc nước ta. Ngày ấy, chúng tôi đang học tại Trường ĐH Tổng hợp. Chiến tranh thì không có gì thơ mộng. Được sống đã là sự may mắn. Thời điểm đó, chúng tôi không có nhiều thời gian để học tập, thiếu thốn cơ sở vật chất phục vụ việc học, nhưng chính chiến tranh đã hun đúc tinh thần cho thế hệ chúng tôi, trong đó có niềm tự hào đất nước”.

Với GS.TS, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, 18 tuổi ông đã tốt nghiệp đại học và tuổi 20, ông đã trở thành giảng viên của trường đại học. Có lẽ ông sẽ chẳng thể nào quên những khó khăn, gian khổ trong những ngày đi học, nhưng niềm tự hào trong ông lớn hơn nhiều những khó khăn ấy. Ông tự hào bởi thế hệ ông là lớp người chăm chỉ và học không chỉ cho riêng mình mà còn bởi muốn được đóng góp một phần cho đất nước khi hòa bình lập lại. Ông tự hào bởi tấm gương những người thầy của thế hệ ông.

“Ngày đó, mới giải phóng, không có sách hay tài liệu để dạy, các thầy đã tự học tiếng Nga qua tiếng Pháp, và các thầy dùng sách giáo khoa của Nga viện trợ cho Việt Nam để dạy cho sinh viên. Một thời gian khổ nhưng trong suy nghĩ của tôi, đó là thời kỳ rất đẹp và oanh liệt”, GS. Lân Dũng nhớ lại.

Với PGS.TS Đào Duy Quát, tuổi trẻ của ông trải qua những năm tháng chiến đấu chống Mỹ cứu nước. Bởi vậy, chặng đường học của ông vừa là những tháng ngày học ở trường, vừa là học trong cuộc chiến đấu, trong cuộc đời. Và cho đến giờ, ông vẫn quan niệm: Học là phải cầu thị và là sự nghiệp của cả cuộc đời.

Còn câu chuyện của nhà văn Trang Hạ về tuổi 20 của mình khiến giới trẻ hiện nay thấy mình ở đâu đó trong câu chuyện ấy. Trang Hạ sinh năm 1975, khi đất nước hoàn toàn giải phóng và thống nhất. Chị chia sẻ: “Tuổi 20, tôi chỉ quan tâm là mình có thể đi gặp gỡ, có thể trải nghiệm ở rất nhiều môi trường khác nhau chứ trong hành trình ấy không hề nghĩ đến Tổ quốc hay lòng yêu nước. Cho đến thời điểm cách đây 10 năm, khi được tham gia tổ chức các tuần lễ văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, thì đấy là lần đầu tiên tôi nghĩ đến hình dáng, tầm vóc của Việt Nam cũng như hình ảnh của Việt Nam trong con mắt người nước ngoài”.

Cùng với nhiều sự việc xảy ra với đất nước, nhà văn Trang Hạ phát hiện rằng, chúng ta nghĩ nhiều về đất nước khi đất nước gặp khó khăn và đứng trước một thách thức lớn.

Chị bày tỏ suy nghĩ: Nếu chúng ta vượt qua những cái vụn vặt trong cuộc sống hằng ngày và đối diện với những vấn đề lớn, lúc đó, chúng ta sẽ nhìn thấy chính mình ở vị trí công dân và trách nhiệm của một người công dân với xã hội”.

Bảo tàng

Qua câu chuyện về tuổi 20 của các vị khách mời, các bạn trẻ cảm nhận được nhiều điều về đất nước một thời chiến tranh, gian khổ nhưng hào hùng, oanh liệt. Những tư liệu và tinh hoa lịch sử ấy của dân tộc hiện giờ vẫn đang được nhắc đến với cụm từ “bảo tàng”.

Nước ta hiện có gần 150 bảo tàng, tuy nhiên, một thực tế khó chối bỏ là giới trẻ đang thờ ơ với chính bảo tàng của đất nước mình. Sự thờ ơ ấy khiến ta không thể chạnh lòng rằng: Liệu lịch sử đất nước có bị lãng quên bởi chính giới trẻ ngày nay?

Chia sẻ về câu chuyện này, nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh: Ai cũng biết lịch sử rất có giá trị và tiềm năng lịch sử nước ta rất phong phú. Nhưng nếu làm mất đi tính chân thực của lịch sử sẽ làm mất đi giá trị, tính hấp dẫn, tính thuyết phục của nó. Nếu chúng ta khách quan nhìn nhận, lịch sử sẽ là bài học thiết thực cho sự phát triển của tương lai.

GS. Nguyễn Lân Dũng chia sẻ: Tôi từng đi thăm rất nhiều bảo tàng trên thế giới. Càng thấy các bảo tàng đó hay bao nhiêu, tôi càng thấy buồn bấy nhiêu vì sự vắng vẻ của bảo tàng nước mình. Bảo tàng phải làm thế nào để có sự hấp dẫn, kéo mọi người đến để mỗi người dân nói chung và giới trẻ nói riêng hiểu được lịch sử của cha ông, thêm tự hào, thêm quyết tâm giữ gìn, bảo vệ di sản đó, bảo vệ đất nước này.

GS. Nguyễn Lân Dũng cũng cho rằng: Lịch sử có bị rơi vào lãng quên hay không, thì điều quan trọng là việc dạy lịch sử trong nhà trường phải hay, đừng bắt học sinh nhớ những tiểu tiết. Và cũng cần dành cho môn lịch sử lượng thời gian cần thiết.

Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Đào Duy Quát trăn trở: Hiện nay, lớp trẻ hầu hết đều không thích học sử, điều đó kéo theo hệ lụy là họ cũng không muốn đến bảo tàng. Nếu môn Sử được dạy tốt thì lịch sử rất hấp dẫn. Khi đó, giới trẻ sẽ đến bảo tàng để có thể nhận được một hành trang tiến tới tương lai rất quý giá.

Với cách nhìn của một người viết văn, nhà văn Trang Hạ cho rằng: Chúng ta là người trẻ, thế hệ mới, chúng ta có quyền giải nghĩa lịch sử theo cái cách mà chúng ta cảm nhận. Và người trẻ chỉ nên đến bảo tàng khi đã có kiến thức tối thiểu, hoặc đã biết và đi xác tín lại những kiến thức mà mình đã có chứ không phải như một người “mù dở” về kiến thức và đến bảo tàng để được “mở mắt” ra.

Chốt lại câu chuyện về vấn đề học sử và bảo tàng, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: Học sinh không thích sử, đó là lỗi tại người lớn. Một trong những giá trị của lịch sử là ngụ ngôn, là bài học nhưng chúng ta lại biến lịch sử thành khổ sai của trí nhớ. Vì vậy, chúng ta phải có sự tác động để thay đổi nhận thức của việc dạy sử trong nhà trường cho các thế hệ trẻ của đất nước bởi với tiềm năng và sự sáng tạo, họ thực sự là tương lai của đất nước./.

ICHALLENGED 2014 có chủ đề “Tôi và đất nước” quy tụ các bạn trẻ Việt Nam trong và ngoài nước từ 16 - 22 tuổi có kiến thức hoặc niềm đam mê về các kỹ năng tranh luận, hùng biện; không phân biệt dân tộc, tôn giáo và giới tính, thể hiện quan điểm của mình về các vấn đề liên quan trực tiếp đến thế hệ trẻ nói chung và thế hệ trẻ với đất nước nói riêng, nhằm hướng tới những cách giải quyết vấn đề hiệu quả. Qua chương trình IChallenged 2014, YVS Việt Nam mong muốn mỗi người trẻ hãy sống sao cho xứng với tuổi trẻ và với vai trò những chủ nhân tương lai của đất nước. 
Chương trình IChallenged 2014, thuộc dự án “Phát triển kỹ năng tư duy, tranh luận và hùng biện trong giới trẻ Việt Nam”, là chương trình thường niên của Tổ chức Tầm nhìn, Tiếng nói và Triển vọng của thế hệ trẻ (YVS) Việt Nam nhằm nâng cao các kỹ năng tư duy, tranh luận, hùng biện cho giới trẻ.
Chương trình IChallenged đã được tổ chức 2 lần trước đó vào năm 2012, 2013 với sự góp mặt của những giáo sư, cố vấn, chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực phát triển con người.

YVS được thành lập năm 2012, mỗi năm, chương trình thu hút hơn 500 bạn trẻ cả nước quan tâm đăng ký tham dự.
Sau hơn 1 tháng tuyển lựa, IChallenge 2014 đã chọn được 19 thí sinh xuất sắc nhất và chia làm 4 đội thi. Mỗi đội đã lần lượt trình bày nghiên cứu của đội mình theo đúng chủ đề và yêu cầu nhận được từ ban tổ chức chương trình.
Kết quả:
Đội Khai Minh giành được giải Nhất với chủ đề về “Tư duy phản biện”. Từ hiện tượng “anh hùng bàn phím”, “ném đá giấu tay” trên các mạng xã hội, đội Khai Minh đã phân tích và chỉ ra rằng, tư duy phản biện trong giới trẻ hiện nay còn thấp, một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ thiếu kỹ năng tranh luận, đồng thời đề xuất kế hoạch biến tư duy phản biện thành môn học trong nhà trường từ bậc THCS.


Phần tranh luận giữa hai đội Khai Minh và 4Man

Đội Khai Minh đang trả lời phản biện trực tiếp từ Ban Giám khảo. Nguyễn Thị Lan Anh (người cầm micro) giành giải Thí sinh xuất sắc nhất IChallenged 2014
Đội Hải Đăng giành giải Nhì với chủ đề rất thời sự về tình hình Biển Đông. Các hoạt động truyền thông về chủ quyền biển đảo cần được làm thú vị, sinh động hơn, phù hợp với nhu cầu tiếp nhận của giới trẻ hiện nay.
Hai đội: 4Man và Xôi ngũ sắc cùng giành giải Ba.
Đội 4Man với chủ đề về thực trạng giới trẻ thờ ơ với các bảo tàng đã chỉ ra rằng, khoảng cách thế hệ quá lớn là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng trên. 4Man cũng xây dựng một mô hình bảo tàng mới gần gũi hơn không chỉ với giới trẻ mà với mọi tầng lớp nhân dân.
Đội Xôi ngũ sắc trình bày về hình ảnh người Việt Nam trong mắt bạn bè thế giới trong thời kỳ “thế giới ảo” đã phác thảo kế hoạch cho dự án “Humans of Vietnam” – một website tiếng Anh nhằm quảng bá hình ảnh của Việt Nam ra thế giới, một kênh trao đổi về Việt Nam giữa các bạn trẻ Việt Nam và những người nước ngoài.
Bạn Nguyễn Thị Lan Anh, sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, thành viên của đội Khai Minh, đã vinh dự nhận giải Thí sinh Xuất sắc nhất IChallenged 2014./.



Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên