Những chia sẻ đầu tiên của 12 công nhân trở về từ cõi chết
Đến 18 giờ 40’, các nạn nhân được phục vụ bữa ăn tối tử tế đầu tiên sau những ngày bị mắc kẹt trong hầm.
Người đầu tiên được đưa đến bệnh viện: 17 giờ 45’, xe cứu thương của Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng đưa nạn nhân đầu tiên từ công trình thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo vào phòng hồi sức. Nhiều thân nhân của những người bị nạn đứng trước tiền sảnh bệnh viện nhào tới thăm hỏi, động viên.
Đó là anh Hoàng Văn Sơn (24 tuổi, trú tại Vạn Đoàn, Yên Chính, Ý Yên, Nam Định). Anh trông khá tỉnh táo. “Nhiều chuyện nguy hiểm lắm, chị không tưởng tượng nổi đâu! Chúng tôi vẫn nghĩ sớm nhất phải đến ngày mai mới được cứu, do đó khi nghe nói thông hầm rồi, ai nấy đều bất ngờ, chẳng dám tin đó là sự thực” - anh Sơn nói.
Khi xảy ra sạt lở mọi người chạy vào phía trong của đường hầm. Quần áo ướt hết, hầm tối đen như mực. Lạnh và sợ lắm. Nước lênh láng nhưng may mắn có chiếc máy xúc bị kẹt trong hầm nên mọi người leo lên đó trú tạm. Chỗ đó cách miệng ống thông khí (dùng để thổi oxy, sữa, nước cháo) tới 70m nên mỗi khi muốn nhận thức ăn và nói chuyện với người ở bên ngoài qua ống thông khí, chúng tôi phải lội, phải bơi trong làn nước lạnh buốt.
“Cuối cùng thì toàn bộ anh em đã được cứu sống. Đây là niềm vui lớn nhất rồi. Vui nhưng nhiều người không cầm được nước mắt. Cũng nhờ lực lượng cứu hộ nhiệt tình, nỗ lực suốt ngày đêm vì mạng sống của anh em công nhân” - Em họ của Sơn là anh Nguyễn Tuấn Linh tiếp lời. Sau khi đặt máy sưởi ấm, thăm khám, đo huyết áp, xét nghiệm máu, X quang tim phổi cho anh, một số nữ y tá và điều dưỡng nán lại hỏi chuyện và bắt tay chúc mừng anh tai qua nạn khỏi.
Bữa ăn tử tế đầu tiên
Đến 18 giờ 40’, các nạn nhân được phục vụ bữa ăn tối tử tế đầu tiên sau những ngày bị mắc kẹt trong hầm. Hầu hết mọi yêu cầu của các anh em đều được đáp ứng. Đến lượt mình gọi món, anh Nguyễn Tiến Đoàn (25 tuổi, quê Ý Yên, Nam Định) khiến mọi người cười nắc nẻ khi kiên quyết đòi ăn mì gói. “Đây là món thường trực của cánh công nhân bọn mình. Suýt tí nữa là mình chẳng bao giờ được gặp lại nó” - anh vui vẻ nói.
Ban đầu Nguyễn Văn Quang (20 tuổi, trú tại Can Lộc, Hà Tĩnh) xin cốc sữa nhưng ngay sau đó lại đề nghị cho ăn cơm. “Em mệt quá, tính uống sữa cho lại sức nhưng nhớ lại chuyện đã uống sữa và cháo suốt mấy ngày qua nên không uống nổi nữa”. Khi được đề nghị kể lại chuyện trong hầm tối, Quang nói: Kíp của chúng em có 15 công nhân, 12 người đi trước, 3 người đi sau. Khi vào sâu trong hầm khoảng 500m thì xảy ra sạt lở. 3 người phía sau kịp chạy ngược trở ra, còn chúng em chạy sâu vào bên trong nên mắc kẹt lại.
Khi hầm bị sập, em bị té dúi dụi đâm đầu xuống nước nhưng không bị thương. Thế nhưng ngày hôm sau khi đi lấy thức ăn lại bị đá rơi trúng thái dương bên phải, chảy máu nhiều lắm. Mấy anh em xúm vô lấy thuốc lá cầm máu và khẩu trang bịt vết thương. Trần hầm có một số chỗ tiếp tục lở, đá thỉnh thoảng lại rơi xuống mà hầm thì tối thui làm sao tránh được? 10 trong số 12 người có điện thoại di động. Mọi người bảo nhau cùng tắt nguồn, lúc nào có việc mới khởi động máy để lấy sáng. Nhờ có điện thoại mà anh em mới băng bó vết thương tử tế cho em được.
Chúng em hỏi bao giờ ra được, người ta nói ngày mai. Hôm sau hỏi người ta lại nói như thế, đến lần thứ 3 vẫn nhận được câu trả lời y như vậy nên mọi người thất vọng lắm. Một số người nói rằng thà chết ngay đi chứ ngồi chờ chết thế này thì kinh khủng quá. Tuy nhiên những người khác động viên hãy bình tĩnh chờ xem thế nào đã. Sau đó, bố của Phạm Viết Lành (18 tuổi, người nhỏ tuổi nhất trong nhóm) từ ngoài quê vào, anh của em (Nguyễn Văn Quân - PV) cũng vô đường hầm nói chuyện với em. Lành khóc vì quá xúc động nhưng sau đó bình tĩnh hơn.
Người đầu tiên phát hiện hầm đã được thông là anh Phạm Viết Nam (41 tuổi, quê Nghệ An). Anh kể, nghe tín hiệu tiếp tế thức ăn từ ống thông khí, tôi và Tuấn lội nước đến lấy cháo. Đột nhiên nghe có tiếng động và thấy lộ ra một lỗ thông hầm vừa một người chui. Tôi gào lên “Thông hầm rồi anh em ơi” rồi bảo Lành dìu Ngọc đến bên miệng lỗ để cùng anh em chui ra. Khi ở trong hầm, tôi là người thường xuyên liên lạc với bên ngoài nhất và biết rằng hàng trăm người đang nỗ lực cứu chúng tôi, do đó cũng hy vọng sẽ được cứu. Thế nhưng không ngờ được giải thoát nhanh và đột ngột như thế.
Bác sĩ Nguyễn Bá Hy - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng (người trực tiếp ra hiện trường điều phối hoạt động sơ cấp cứu và chăm sóc nạn nhân) cho biết chị Ngọc là người yếu nhất với dấu hiệu suy kiệt như choáng váng, huyết áp giảm… tuy nhiên sau khi được sơ cấp cứu, tình hình sức khỏe đã tạm ổn, được đưa vào phòng hồi sức. Các nạn nhân khác sức khỏe tương đối tốt, đa số đều tự ăn uống được, chỉ một số người phải truyền thêm đường và muối.
Cũng theo bác sĩ Hy, bên cạnh liệu pháp y tế, bệnh viện sẽ áp dụng các liệu pháp tâm lý để ổn định sức khỏe, tinh thần của các công nhân này. Việc điều trị hoàn toàn miễn phí./.