Những đổi thay trên xứ Trầm Hương

VOV.VN -40 năm qua, từ một thị xã nhỏ ven biển, giờ đây thành phố Nha Trang đã có nhiều đổi thay, kinh tế tăng hơn 20 lần, đóng góp ngân sách 15.000 tỷ/năm.

Ngày 2/4/1975, trong khí thế tiến công của cả Chiến trường miền Nam và sự nổi dậy của lực lượng tại chỗ, thị xã Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa được giải phóng. Hơn 40 năm xây dựng và phát triển, khát vọng xây dựng thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa trở thành đô thị “văn minh - thân thiện”, là điểm đến của bè bạn quốc tế đã và đang trở thành hiện thực. Trước năm 1975, tỉnh Khánh Hòa là nơi tập trung các căn cứ, trung tâm chỉ huy của chính quyền Sài Gòn.

Từ nửa cuối tháng 3/1975, tình hình diễn biến rất nhanh chóng, bộ đội chủ lực liên tiếp giành thắng lợi tại Tây Nguyên; đặc biệt là chiến thắng của Sư đoàn 10 tại đèo Phượng Hoàng, giáp ranh giữa tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk, khiến lực lượng quân địch tại thị xã Nha Trang rệu rã và hoảng sợ phải bỏ chạy.

Lực lượng của ta ở nội thành Nha Trang thành lập các tổ tự vệ vũ trang đã nổi dậy để chốt giữ các công sở, bến cảng, sân bay, bảo vệ trật tự trong khi chờ quân giải phóng vào tiếp quản thị xã.

Ông Bùi Hồng Thái, Nguyên Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa, cho biết, sau khi giải phóng, thị xã Nha Trang gần như giữ được nguyên vẹn, không bị tàn phá nhờ xây dựng được lực lượng trong dân.

Ông Bùi Hồng Thái nói: “Các lực lượng chủ lực đánh thẳng xuống Ninh Hòa, lúc bấy giờ dùng binh vận, tàn quân hù nhau, gây hoang mang cho lực lượng lượng tại chỗ. Lực lượng của ta tại chỗ đứng dậy, cướp chính quyền, chiếm những công sở quan trọng, không cho phá...”.

Trong khi đó, sau khi diễn ra những trận đánh lớn tại đèo Phượng Hòa, từ ngày 1/4, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 theo Quốc lộ 21 từ núi rừng Tây Nguyên nhanh chóng hướng về biển, giải phóng huyện Ninh Hòa, theo Quốc lộ 1A tiến về thị xã Nha Trang.

Đến chiều 2/4, Đoàn quân giải phóng tiến vào Trung tâm thị xã Nha Trang. Nhà nhà đều đã treo cờ giải phóng, hân hoan chào đón bộ đội. Đại tá Nguyễn Quang Lâm, Nguyên Phó Chính ủy Trung đoàn 24, Sư đoàn 10, đơn vị đầu tiên về giải phóng Nha Trang, nhớ lại: “Hồi đó, hai bên không xảy ra đánh nhau, không tàn phá. Bây giờ nhìn lại thấy thật may mắn cho cả hai bên. Họ về với gia đình, lo cuộc sống cho bản thân và xây dựng đất nước”.

Ngày 3/4, căn cứ Cam Ranh được giải phóng. Ngay sau đó, nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã đóng góp sức người, sức của phục vụ Chiến dịch Hồ Chí Minh, thống nhất đất nước. Trên 4.000 tấn xăng, 1.000 tấn dầu, cùng 2.000 tấn gạo và trên 1.000 xe ô tô đã được huy động sẵn sàng đưa bộ đội vào Nam tiếp tục chiến đấu.

40 năm đã trôi qua, từ một thị xã nhỏ ven biển, người dân chủ yếu làm nghề biển ven bờ và các dịch vụ cho các căn cứ quân sự, đến nay, thành phố Nha Trang đã có nhiều đổi thay, quy mô dân số tăng gấp 3 lần, quy mô kinh tế đã tăng hơn 20 lần. Thành phố Nha Trang đang đóng góp đến 75% trong tổng thu ngân sách hơn 15.000 tỷ đồng mỗi năm của tỉnh Khánh Hòa.

Những làng chài nghèo ven biển đã nhường chỗ cho các khu tái định cư khang trang. Ngư dân trước đây đi biển về trong ngày bằng thuyền buồm nay đã có đội tàu đánh bắt xa bờ hàng trăm chiếc, vươn ra tận vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Ngư dân Mai Thành Phúc, ở khu tái định cư Hòn Rớ, xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang bộc bạch: “Trước kia, khoảng 100 hải lý là chúng tôi không biết đường về. Hoàng Sa, Trường Sa bây giờ có nhiều tàu lớn từ 2 đến 3 tầng. Ngày xưa tàu lụp xụp mái tôn”.

Ông Lê Thanh Quang, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho biết, địa phương đang đầu tư xây dựng nhiều công trình hạ tầng, giao thông quan trọng tại thành phố Nha Trang như: Trung tâm Thương mại - Dịch vụ tại sân bay Nha Trang, Khu Đô thị - Hành chính mới của tỉnh Khánh Hòa, đường trục Bắc - Nam, đường Nha Trang - Đà Lạt, kè sông Cái, kè và thoát lũ sông Tắc - sông Quán Trường.

Ông Lê Thanh Quang khẳng định, Nha Trang - Khánh Hòa đang khẳng định vị thế đô thị lớn ở khu vực duyên hải Nam Trung bộ: “Cơ sở hạ tầng tốt, tạo nền tảng để doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư. Hiện nay, Nha Trang đã là đô thị loại 1 thuộc tỉnh lớn nhất của cả nước và đang từng bước trở thành đô thị trung tâm nhất về dịch vụ, thương mại, khoa học kỹ thuật của Nam Trung bộ. Với thiên nhiên ưu đãi, khí hậu tuyệt vời nữa thì trong tương lai không xa trở thành một đô thị trực thuộc Trung ương”.

Thành phố Nha Trang - tỉnh Khánh Hòa đang từng bước khẳng định vị thế giàu mạnh. Người dân xứ Trầm Hương tiếp tục tô thắm những câu chuyện về một thành phố không chỉ năng động, sáng tạo mà còn văn minh, thân thiện, là điểm đến của bè bạn trong và ngoài nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nha Trang quyến rũ mùa "cây bàng lá đỏ"
Nha Trang quyến rũ mùa "cây bàng lá đỏ"

Không ấn tượng như “cây cơm nguội vàng” Hà Nội, phố biển Nha Trang mùa này chỉ có cây bàng lá đỏ khoe sắc, nhưng cũng đủ để tạo nên sự thanh bình, quyến rũ.

Nha Trang quyến rũ mùa "cây bàng lá đỏ"

Nha Trang quyến rũ mùa "cây bàng lá đỏ"

Không ấn tượng như “cây cơm nguội vàng” Hà Nội, phố biển Nha Trang mùa này chỉ có cây bàng lá đỏ khoe sắc, nhưng cũng đủ để tạo nên sự thanh bình, quyến rũ.

Chuyển giao cảng Nha Trang về tỉnh Khánh Hòa
Chuyển giao cảng Nha Trang về tỉnh Khánh Hòa

Dự kiến, năm 2015 cảng Nha Trang sẽ đón 150.000 du khách quốc tế và 1 triệu du khách nội địa tham quan bằng đường biển

Chuyển giao cảng Nha Trang về tỉnh Khánh Hòa

Chuyển giao cảng Nha Trang về tỉnh Khánh Hòa

Dự kiến, năm 2015 cảng Nha Trang sẽ đón 150.000 du khách quốc tế và 1 triệu du khách nội địa tham quan bằng đường biển