Những mảnh ghép xuân Mậu Tuất

VOV.VN -Cảm nhận một số mảnh ghép làm nên bức tranh xuân Mậu Tuất nối tâm linh nhiều thế hệ người đồng bằng

Mùa xuân phương Nam khởi động khi những cơn gió chướng hây hẩy thổi lộng về từ phía biển. Đây đó chỉ còn vài cơn mưa cuối mùa thỉnh thoảng ào qua bất chợt. Đó là thời điểm mọi ngành, mọi nghề, mọi miền quê đều náo nức vào mùa tết. Ruộng vườn, xóm ấp khi ấy đều khoác lên mình tấm áo mới, xanh non, mỡ màng, rực rỡ sắc hoa - trái, tôm - cá xuất xưởng… Tất cả bắt đầu tỏa đi khắp nơi phục vụ nhu cầu ăn tết, ngắm tết, chơi tết, cúng tết, lễ hội tết và thỏa niềm mong đợi tết của người dân.

Làng hoa hối hả đưa hàng ra chợ tết.

Tết cổ truyền đã ăn vào tâm thức mọi thế hệ người dân phương Nam để mỗi dịp xuân về, dù ai đi đâu, ở đâu cũng nôn nao nhớ tết. Họ nhớ từng góc sân, gốc cây, bến nước, vàm sông, mảnh ruộng, nhớ nao người bước chân mẹ, tiếng nói cha hối hả trang trí nhà cửa, chất nồi bánh tét, tất bật soạn mâm cơm cúng rước ông bà. Khi ấy, nhìn vào đâu cũng thấy nhớ tết. Đường hoa, làng hoa, chợ hoa, lễ hội xuân khắp các tỉnh, thành trở thành điểm đến quen thuộc của mọi tầng lớp nhân dân.

Ở các làng hoa đồng bằng như làng hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, làng mai Phước Định tỉnh Vĩnh Long, làng hoa Phó Thọ, thành phố Cần Thơ…. việc sản xuất hoa tất bật quanh năm nhưng mùa tết là náo nhiệt nhất. Người lao động ở đây làm không bao giờ hết việc, tết đến họ làm cả ban đêm.

Thành phố hoa Sa Đéc trở thành thành phố du lịch có tần suất đón khách du xuân tăng nhanh hàng năm.

Người trồng hoa Sa Đéc cho biết: làng hoa phát triển, nhiều hộ làm hơn, áp dụng tiến bộ khoa học đưa máy móc vào phục vụ nên hoa cũng đẹp hơn, ít rủi ro do thời tiết bất thường hơn, thu nhập trên đơn vị diện tích trong vụ không cao và dễ dàng như trước đây nhưng vòng quay nhanh hơn và đều đặn hơn do thị trường được mở rộng hơn, giá trị tăng thêm từ dịch vụ cũng ổn định hơn. Vì thế những người gắn bó với nghề với quê sống được và tự hào hơn rất nhiều.

Khách du lịch lưu giữ sắc hoa tết đồng bằng.

Một chủ vườn trồng hoa ở Sa Đéc cho biết: “Bông năm nay trồng vầy là đạt rồi đó, o bế bụi bông như vậy là đem ra rực rỡ lắm. Trồng vất vả thiệt nhưng o cho đẹp tết người ta đem về trưng đẹp nhà đẹp cửa người ta, mình có lợi nhuận nhưng cũng có niềm vui. Tết thì tất bật, lo cho người ta xong rồi mới lo tới mình, chiều 30 mới chuẩn bị tết trong nhà. Có cái là mọi người vui là mình vui hơn rồi”.

Chị Nguyễn Huỳnh Kim Chi quê ở Đồng Tháp, sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh, nhưng năm nào chị cũng cùng gia đình về đón tết với ông bà ngoại hoặc đến các địa phương miền Tây du xuân. Với chị và các con, thì tết được về quê là niềm hạnh phúc lớn nhất trong năm: “Cháu thích bơi lội, tắm sông, mình muốn nó trở về tuổi thơ.

Ở Sài Gòn không có bắt cá, tắm sông hoặc đồng ruộng, thậm chí con trâu còn không nhìn ra, học chỉ trên hình ảnh. Tết thôi là tất cả đều phải tụ tập vè để viếng ông bà, làm tuổi ông bà.

Ông bà ngoại bắt đầu làm bánh canh, bánh canh vịt nhưng xắt bằng bột nhe, rồi đổ bánh xèo đãi tất cả món quê. Rất là vui, cứ nói là đãi cho Út Chi ăn chứ thật ra là gia đình muốn họp lại như thế và nấu những món xưa thôi chứ không có món hiện đại bây giờ”. 

Quyết bánh phồng ngày tết.

Nhiều năm nay, thành phố Cần Thơ đều đặn tổ chức lễ hội “Sắc xuân miệt vườn” tại Bảo tàng tái dựng khung cảnh tết xưa với phố ông Đồ, khu ẩm thực món ăn dân tộc, giới thiệu nghề truyền thống và phong tục đón tết của cộng đồng các dân tộc khu vực ĐBSCL.

Lễ hội năm nào cũng thu hút rất đông khách thăm. Người ta không chỉ thích thú xin trải nghiệm và thưởng thức các loại bánh nổi tiếng quen thuộc như bánh tét, bánh xèo, bánh hỏi.. mà rất nhiều người cứ xuýt xoa nhớ tết khi nghe tiếng quyết bánh phồng.

Giới trẻ ngày nay gần như không còn được sống trong không gian của những đêm quyết bánh phồng tết. Cả làng, cả ấp khi ấy thức từ 2, 3 giờ sáng để quết bánh phồng, phơi bánh. Bánh phồng chỉ còn được làm ở một số rất ít làng nghề đồng bằng và xuất hiện trong lễ hội. Nhưng tiếng chày giã chát bụp, chát bụp luôn ám ảnh những người phương Nam.

Chị Ngô Thị Mỹ quê ở xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ kể rằng: “Bánh phồng là náh cổ truyền, ngày xưa ông bà mình miền tết là quyết bánh phồng, có bánh để bữa 23 cúng đưa ông Táo.

Thấy ba mẹ ngày xưa quết bánh phồng là 1, 2 giờ khuya thức dậy làm bánh, nghe tiếng quyết bánh thình thịch..thình thịch..tiếng cán bánh lốp cốp lốp cốp…nhà nào cũng có hết. Bây giờ thì hạn chế rồi, con chị nó không biết làm”.

Tết đồng bằng mỗi ngày thêm nhiều đổi mới từ cảnh, từ người, từ tiềm năng kinh tế du lịch đang mời gọi và níu chân du khách về thăm.

Người phương xa đến đồng bằng thích nắng, gió của vùng sông nước và nhịp sống tấp nập trên các khu chợ nổi miền Tây. Họ lưu lại nhiều hình ảnh thanh bình của những làng nghề ven biển, những vườn mai nở rực, những con đường quê bê tông thẳng tắp và những ngôi nhà thân thiện, mến khách, đầy ắp tiếng cười ngày tết./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Chợ hoa Tết tại TPHCM có nhiều đào, quất miền Bắc
Chợ hoa Tết tại TPHCM có nhiều đào, quất miền Bắc

VOV.VN - Tại các chợ hoa tết của TPHCM năm nay có nhiều đào thế, quất cảnh được chở từ miền Bắc vào.

Chợ hoa Tết tại TPHCM có nhiều đào, quất miền Bắc

Chợ hoa Tết tại TPHCM có nhiều đào, quất miền Bắc

VOV.VN - Tại các chợ hoa tết của TPHCM năm nay có nhiều đào thế, quất cảnh được chở từ miền Bắc vào.

TP HCM cấm nhiều tuyến đường phục vụ bắn pháo hoa Tết
TP HCM cấm nhiều tuyến đường phục vụ bắn pháo hoa Tết

Sở GTVT TP HCM vừa thông báo cấm một số tuyến đường nhằm phục vụ chương trình bắn pháo hoa chào mừng Tết nguyên đán đường hầm sông Sài Gòn.

TP HCM cấm nhiều tuyến đường phục vụ bắn pháo hoa Tết

TP HCM cấm nhiều tuyến đường phục vụ bắn pháo hoa Tết

Sở GTVT TP HCM vừa thông báo cấm một số tuyến đường nhằm phục vụ chương trình bắn pháo hoa chào mừng Tết nguyên đán đường hầm sông Sài Gòn.