Những ngày Cách mạng tháng Tám ở Hải Phòng

Nhân dân thành phố cảng nhất tề đứng lên khởi nghĩa, đánh đuổi cường hào ác bá, xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến.

67 năm trước, cùng với cả nước, nhân dân Hải Phòng đã nhất tề đứng lên khởi nghĩa, đánh đổ cường hào ác bá, xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến, lập ra nhà nước công nông. Thành công của Hải Phòng đã góp phần làm tan rã nhanh chóng hệ chống chính quyền thực dân phong kiến ở vùng đông bắc Tổ quốc, cùng cả nước vui trọn niềm vui trong ngày độc lập.

Sau khi cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền ngày 19/8 tại thủ đô Hà Nội thành công, không khí cách mạng lan xuống Hải Phòng.

Phong trào cách mạng ủng hộ Đệ tứ chiến khu Đông Triều của tướng Nguyễn Bình ở Thủy Nguyên, phong trào Việt Minh ở An Lão, phong trào đánh Nhật ở Kiến Thuỵ… đều phát triển mạnh, lôi cuốn đông đảo nhân dân tham gia. Riêng ở Đồ Sơn, nhân dân tràn lên phá kho thóc nhà Cửu Yên, quản lý đồn điền ấp An Cố của Hoàng Trọng Thu (con trai của tên Việt gian Hoàng Cao Khải), tịch thu lương thực chia cho dân nghèo. Tại khu vực nội thị Đồ Sơn vẫn bị Nhật cai quản, trong làng còn rất đông đội ngũ Chánh tổng, Lý trưởng nhưng khí thế cách mạng rất sôi sục.

Phát lệnh Tổng khởi nghĩa năm 1945 (Ảnh: TL)

Từng chỉ huy khởi nghĩa giành chính quyền ở Kiến An, Trung tướng Đặng Kinh - nguyên Tư lệnh Quân khu 3 nhớ lại: “Tôi chỉ huy một đại đội giành chính quyền ở Kiến An. Phát động biểu tình toàn huyện, có tất cả chính quyền, thu triện của lý trưởng, chánh tổng và không đóng thuế cho Pháp. Sau đó đưa đại đội thứ 2 sang phối hợp giải phóng Hải Phòng. Lúc đầu tôi định đưa 100 người đi, nhưng rồi thanh niên theo đông lắm, cả ngàn thanh niên, mỗi người cầm một cây mã tấu đi theo. Rồi phụ nữ, thiếu niên… sục sôi như thế...”. 

Dù đã bước sang tuổi 86, nhưng đại tá Hoàng Xuân Lâm – Chủ nhiệm Câu lạc bộ hưu trí Công an Hải Phòng vẫn nhớ như in những ngày còn là anh thanh niên 19 tuổi đi theo Cách mạng, được giao làm chính trị viên lực lượng tự vệ cứu quốc tại Đồ Sơn tháng 8/1945. 

Ông kể: “Hồi đó Việt Minh vũ khí rất thô sơ nhưng ai cũng hăng hái đứng lên làm Cách mạng. Đến ngày 23/8 thì Đệ tứ chiến khu ở Thủy Nguyên mới kéo quân vào, ở Kiến An sang, các huyện ngoại thành mới tiến vào. Cứ đi đến đâu thì dân đổ ra chào mừng đến đó. 23/8 thì giành được chính quyền ở Hải Phòng, ra mắt chính quyền Cách mạng. Nghe tin Việt Minh đánh đổ Pháp, Nhật, đem lại quyền lợi, đem lại no ấm cho dân là theo thôi. Cách mạng sôi sục đến mức là toàn dân người ta cứ đổ ra đường, hoan nghênh”.

Sau khi Cách mạng thành công, chính quyền non trẻ phải đối đầu với các thế lực phản động thân Nhật và Quốc dân đảng. Thành phố thành lập Ty Cảnh sát để bảo vệ cách mạng, đồng thời lo xây dựng chính quyền, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống nhân dân, diệt giặc đói giặc dốt. Cùng với đó là phong trào "hũ gạo kháng chiến", "tuần lễ vàng", được mọi tầng lớp nhân dân ủng hộ tích cực.

Ở Hải Phòng khi đó xuất hiện những tấm gương nhà tư sản yêu nước như ông Nguyễn Sơn Hà, không chỉ đóng góp hàng trăm cây vàng mà còn đứng ra lập trường Dục Anh tại số nhà 46 Lạch Tray để nuôi dạy trẻ mồ côi. Từ ngôi trường này, nhiều người đã trưởng thành, tham gia cách mạng và trở thành những sĩ quan quân đội, cán bộ các ngành nghề, đóng góp vào công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước sau này.

Cách mạng tháng Tám thành công, người dân từ thân phận nô lệ đã rũ bùn đứng dậy làm chủ nhân đất nước. Khí thế ấy đã thu hút được sự đồng lòng của toàn thể nhân dân, tạo sức mạnh đoàn kết vô cùng to lớn để chính quyền cách mạng non trẻ từng bước phá vỡ thế “ngàn cân treo sợi tóc”, giữ vững thành quả cách mạng mà nhân dân ta vừa giành được.

Thời gian đã đi qua, đối với những người từng tham gia khởi nghĩa giành chính quyền 67 mùa thu trước, ký ức hào hùng của cuộc cách mạng tháng Tám vĩ đại vẫn không hề phai. Ngọn lửa Cách mạng tháng Tám vẫn mãi mãi là niềm tự hào để thế hệ hôm nay vươn về phía trước, xây dựng thành phố cảng giàu đẹp, anh hùng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên