Những ngư dân đón Tết trên biển để góp phần bảo vệ chủ quyền
VOV.VN - Những ngày này, khi các gia đình sum họp, đón Tết, hàng ngàn ngư dân tỉnh Khánh Hòa đang bám biển khai thác thủy sản ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.
Những ngày này, khi các gia đình sum họp, đón Tết, hàng ngàn ngư dân tỉnh Khánh Hòa vẫn đang bám biển khai thác thủy sản ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Đây là chuyến biển xuyên Tết trên ngư trường truyền thống, mang theo hy vọng về một mùa biển bội thu.
Tỉnh Khánh Hòa làm lễ ra quân đánh bắt, động viên ngư dân bám biển xuyên Tết. |
Cảng cá Hòn Rớ, thành phố Nha Trang, những ngày cận Tết, nhiều tàu cá nổ máy ra khơi. Tiếng máy nổ rền vang, tiếng cười giòn giã của các ngư dân làm cho không khí cảng cá nhộn nhịp hơn ngày thường. Đây là chuyến biển đặc biệt, bởi tàu rời bến từ nửa cuối tháng Chạp, thẳng tiến ra các vùng biển Hoàng Sa- Trường Sa, sau đó đón giao thừa trên biển. Các tàu sẽ trở về vào những ngày đầu tháng Giêng.
Ông Nguyễn Văn Thanh thuyền trưởng tàu KH 93231, ở xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang cho biết, mình đã nhiều lần đón Giao thừa trên biển. Ngư dân ăn Tết trên biển là chuyện bình thường: “Chuyến biển này mình mua đồ nhiều lắm, mua mấy cái đĩa nhạc xuân, để Tết anh em họ mở cho đỡ buồn. Đánh bắt tháng này đánh bắt dễ hơn, bà con tranh thủ người ta đi”.
Ngư dân sẵn sàng các lễ vật để cúng giao thừa trên biển. |
Là chuyến biển mở màn cho vụ đánh bắt mới nên từ đầu tháng Chạp các ngư dân đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng tu sửa lại tàu cá cũng như mua sắm ngư cụ nâng cao hiệu quả đánh bắt trên biển. Các ngư dân coi tàu là nhà, biển là quê hương nên việc sắm sửa lễ vật cúng giao thừa trên biển được chuẩn bị chu đáo. Nhang, đèn, hoa quả và cả những chậu hoa cúc, hoa vạn thọ là những thứ không thể thiếu trên các tàu cá vươn khơi mấy ngày Tết. Và lá cờ Tổ quốc cũng được các thuyền viên treo ở nơi trang trọng. Ngày đầu tiên của năm mới, giữa biển khơi mênh mông, các ngư dân thực hiện việc chào cờ đầu năm mới.
Chuyến biển xuyên Tết sẽ kéo dài khoảng 20 ngày. |
Bà Hồ Thị Hồng, chủ một đoàn tàu cá cho biết, mọi người hy vọng chuyến biển cuối năm gặp nhiều may mắn: “Mình cũng mang theo trái cây, hoa, mồng Một cúng đầu năm. Ông Táo cũng mua đồ cúng cũng như ở nhà vậy thôi. Nấu chè, luộc gà mình cúng trên tàu. Trên biển ở chỗ nào thì mình cúng chỗ đó. Mình cũng mong muốn đoàn tàu làm ăn phát đạt, anh em đi có thu hoạch, cập bờ cho vui vẻ”.
Tỉnh Khánh Hòa hiện có khoảng 1.000 tàu cá đánh bắt xa bờ. Vài năm trở lại đây, tỉnh này có thêm nhiều con tàu dài hơn 30m, công suất hơn 1.000 CV, mỗi lần ra khơi khai thác, các đoàn tàu làm sáng rực cả một vùng của biển khơi. Năm 2019, các tàu cá của tỉnh Khánh Hòa bám biển dài ngày, hoạt động có hiệu quả. Ông Cao Văn Tơ, chủ tàu KH 99789 cho biết, con tàu của ông được đầu tư 23 tỷ đồng, trong đó Ngân hàng cho vay ưu đãi đến 90%. Năm ngoái tàu đi 8 chuyến biển, mang lại hàng tỷ đồng.
Đội tàu cá của ngư dân Khánh Hòa không ngừng được nâng cấp, hiện đại hóa. |
Ông Cao Văn Tơ cùng các ngư dân đều vui vẻ ra khơi đón Tết trên biển: “Tàu to máy lớn, công nghệ hiện đại khi đánh bắt thì chuyện thành công là chuyện đương nhiên. Bởi vì vùng biển Việt Nam mình rất giàu tài nguyên. Bà con ngư dân chúng tôi không sợ thiên tai, bây giờ với công nghệ hiện đại, có thể biết trước có bão tới 10 ngày, chỉ sợ nhân tai, tàu nước ngoài lấn ép. Mình cần phải có con tàu to để hoạt động, cạnh tranh với tàu nước ngoài”.
Hiện nay, khoảng 200 tàu cá của ngư dân Khánh Hòa đón Tết trên biển. Từ vùng biển xa, các tàu cá liên tục báo về vị trí hoạt động cho Trạm bờ ở thành phố Nha Trang. Nhiều tàu báo tin vui đã trúng luồng cá lớn. Ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, cho biết, năm 2019, ngành thủy sản Khánh Hòa tiếp tục bội thu, sản lượng khai thác hơn 97.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 620 triệu USD.
Ngư dân tích cực chuẩn bị ngư cụ cho chuyến biển cuối năm. |
Ông Nguyễn Trọng Chánh cho biết, chuyến biển cuối năm, ngành nông nghiệp đã làm lễ xuất quân, tặng cờ Tổ quốc, áo phao, quà Tết động viên ngư dân tranh thủ ra khơi nhằm đảm bảo nguồn thu, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc: “Chuyến biển khai thác đầu năm, xuyên Tết có một truyền thống lâu đời. Đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, ngư trường truyền thống của ngư dân Khánh Hòa bao gồm ngư trường Hoàng Sa, ngư trường Trường Sa và nhà giàn DK1. Bà con ngư dân xác định biển đảo giống như máu thịt, giống như nhà của họ. Trong những ngày Tết họ vẫn ở ngoài đấy, để khẳng định chủ quyền của đất nước, để hiện diện ngoài đấy”./. Cuộc đời bám đảo, làm cột mốc sống của ngư dân Thổ Chu