Những người giữ lửa cho nghề

VOV.VN - Trong 70 năm hình thành và phát triển của Đài Tiếng nói Việt Nam đã có những nhà báo phát thanh tài hoa và đầy nhiệt huyết.

Ngọn lửa yêu đời và yêu nghề từ những thế hệ đi trước khiến chúng tôi – những người đi sau phải tự răn mình: luôn luôn cố gắng để giữ được nhiệt huyết, đam mê, gìn giữ cho được truyền thống vẻ vang rất đáng tự hào của đài phát thanh Quốc gia.

Bảy năm sau thời điểm nghỉ hưu, cô Mai Hoa - nguyên Trưởng phòng phóng viên của Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại TP HCM vẫn tiếp tục nặng lòng với nghề. 

Sau 33 năm gắn bó và trưởng thành trong nghề phát thanh, giờ nghỉ hưu, nhà báo Mai Hoa vẫn thử sức mình ở lĩnh vực báo in và truyền hình. Tiếp xúc với cô, có thể cảm nhận rõ nhiệt huyết từ ngọn lửa yêu nghề. Nhắc lại những kỉ niệm những ngày làm báo phát thanh, nhà báo Mai Hoa không thể quên được những lần tác nghiệp ở vùng biên giới, những lần ăn Tết cùng các chiến sĩ nơi đảo xa. Những chuyến đi ấy khiến cô cảm nhận rõ tình cảm của người dân, của các chiến sĩ đối với làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. 

Nhà báo Mai Hoa cho biết: “Một điều mà tôi nghĩ là mình theo đuổi và làm được, chính là sự yêu nghề và hăng say với nghề. Làm chỉ nghĩ đến công việc chứ không nghĩ gì về lợi lộc. Chỉ nghĩ làm sao làm được công việc của mình. Luôn lắng nghe và học tập từ trong trường, từ xung quanh. Đi, nghe, hệ thống lại và viết. Ngoài quan điểm chung thì vẫn phải có quan điểm riêng của mình”.

Nhà báo Hồ Đề.

Những nhà báo lão thành trong nghề phát thanh mà may mắn người viết có dịp tiếp xúc đều khiến thế hệ sau phải kính phục về sức đi, sức viết và khả năng tiếp cận nguồn tin. Như nhà báo Nguyễn Chín, người có 35 năm gắn bó với Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại TP HCM, dấu chân của ông dường như đã lặn lội ở rất nhiều tỉnh thành miền Nam. Ngay cả khi đã nghỉ hưu thì nhiều người dân ở các tỉnh Nam bộ vẫn nhớ đến ông với mái tóc bạc phơ, giọng nói sang sảng và phong cách tiếp xúc gần gũi.

Nhà báo Nguyễn Chín nói: “Thời tôi làm phóng viên, mang trên vai máy R6 rất là nặng nhưng vẫn đi, để gặp những người nông dân, gặp những người lãnh đạo phản ánh thực tế của địa phương. Đôi khi là phản ánh những điều làm được của địa phương nhưng đôi khi phản ánh cuộc sống của người nông dân vẫn còn nghèo khó. Như thế cảm thấy yêu nghề và làm được điều gì đó cho xã hội và cho Đài Tiếng nói Việt Nam”.

Không chỉ đi và viết, nhiều phóng viên, biên tập viên của Đài Tiếng nói Việt Nam còn trực tiếp góp sức vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Một tay cầm bút, một tay cầm súng, những nhà báo phát thanh trong những năm tháng chiến tranh biên giới phía Bắc, chiến tranh biên giới Tây Nam, đã luôn là những người đi đầu, xông pha vào những nơi hiểm nguy nhất. 

Nhạc sĩ Phan Long, người gắn bó hàng chục năm với Đài Tiếng nói Việt Nam trong vai trò là biên tập viên âm nhạc, cũng đồng thời là người lính cầm súng ra trận cho biết, lời dặn dò của nhạc sĩ Phạm Tuyên về nghề biên tập âm nhạc trên làn sóng phát thanh luôn đi cùng ông trong những năm tháng làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam:  “Anh Phạm Tuyên nói rằng: Vì mình làm ở Đài Tiếng nói Việt Nam nên mình không nên, không thể buông thả để viết lách dễ dàng được. Khi viết cái gì, làm cái gì thì phải luôn nghĩ rằng khi đã tung lên sóng rồi, sóng đã phát đi rồi thì không thể gỡ xuống để sửa chữa được. Do đó, tôi đã trăn trở từng câu, từng chữ, viết từng lời một để đến khi cái câu, cái nhạc đã phát trên  Đài rồi thì mình hoàn toàn yên tâm, không còn điều gì phải áy náy nữa”.

Không chỉ cống hiến hết mình cho nghề phát thanh, nhiều nhà báo của Đài Tiếng nói Việt Nam còn tham gia công tác từ thiện một cách hào sảng, phóng khoáng. Nhà báo Hồ Đề, dù sinh ra ở tỉnh Thừa Thiên – Huế nhưng sau hàng chục năm gắn bó với mảnh đất  phương Nam thì lại mang nhiều nét tính cách của con người Nam bộ.

Dù tuổi đã cao nhưng nhà báo Hồ Đề luôn xông xáo và nhiệt tình tham gia công việc xã hội, từ thiện. Hiện nay, căn nhà 100m2 trên đường Trần Kế Xương, quận Phú Nhuận đã được ông ngăn thành nhiều phòng trọ, trong đó có nhiều phòng dành cho sinh viên ở miễn phí.

Mới đây nhất, ông còn làm đơn gửi chính quyền địa phương xác nhận sau khi ông mất đi thì căn nhà ông đang ở sẽ được để cho học sinh, sinh viên nghèo và người già neo đơn ở miễn phí. Những việc thiện của nhà báo Hồ Đề nhắc nhở những thế hệ làm báo chúng tôi nhớ rằng không chỉ cần có một bầu máu nóng nhiệt huyết với đời, với nghề mà còn phải nuôi dưỡng một tình yêu với đồng đội, với nhân dân và những người còn khó khăn.

Nhắc lại những năm tháng làm việc tại Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại TP HCM, nhà báo Hồ Đề kể: “Mình đi đến đâu, làm việc gì mà người ta biết mình là phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam thì người ta quý vô cùng. Cho nên mỗi lần nghĩ về danh dự, uy tín của Đài mình thì ngay khi đang là phóng viên thì tôi cũng làm hết sức mình để giúp đỡ ngay cho anh em trong nội bộ cơ quan. Những việc giúp đỡ bà con mình cảm thấy sướng lắm vì làm cho Đài mình. Ai đụng đến danh dự uy tín của Đài thì mình kiểm điểm đến nơi đến chốn”.

Sự tận tâm với nghề, sự nhiệt huyết với đời và sự quan tâm đến con người, đến xã hội của những nhà báo lão thành, với chúng tôi – những người cầm bút trẻ - là những tấm gương để chúng tôi học tập, phấn đấu, noi theo./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Những kỷ niệm sâu sắc với Tiếng nói Việt Nam
Những kỷ niệm sâu sắc với Tiếng nói Việt Nam

VOV.VN -  “Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”

Những kỷ niệm sâu sắc với Tiếng nói Việt Nam

Những kỷ niệm sâu sắc với Tiếng nói Việt Nam

VOV.VN -  “Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”