Những người trẻ tình nguyện xoa dịu nỗi đau cho bệnh nhi ung thư
VOV.VN -Khi mà cho đi vì một điều gì đó mà nhận lại là niềm vui, sự lạc quan sự yêu đời của các bệnh nhân ung thư, các tình nguyện viên thấy hạnh phúc hơn...
Đối với những bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, sự học tưởng chừng như quá xa vời khi mà các em hằng ngày phải đối mặt với những cơn đau quằn quại bởi thuốc hóa trị vào người. Song, bằng trái tim của mình, những tình nguyện viên trong lớp học chữ của bệnh viện đang mỗi ngày tiếp thêm sự lạc quan, mạnh mẽ cho các em vượt qua định mệnh cuộc đời và nhận lại những bài học ý nghĩa về cuộc sống.
Những đứa trẻ ung thư trở thành người thân của tình nguyện viên. |
Cách đây hơn 7 năm, chàng trai Nguyễn Thế Trung khi đó mới đang là một sinh viên nhưng đã phải trải qua một biến cố cuộc đời khi bố mẹ Trung quyết định li hôn. Gia đình tan vỡ, trong lòng của chàng trai 19 tuổi này chỉ có một nỗi đau đớn và sự căm phẫn. Rồi trong dịp gặp gỡ bạn bè, Trung được nghe câu chuyện tình nguyện viên ở lớp dạy chữ cho các bệnh nhi ung thư, trong đó có những trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo nên anh đã quyết định tham gia. Năm ấy, lần đầu tiên, ngay trong ngày sinh nhật của mình, Trung dành thời gian đến Bệnh viện Ung bướu TPHCM để sinh hoạt vui chơi, dạy chữ cho các bệnh nhi.
Khi chứng kiến các bệnh nhi bị di căn, biến chứng ưng thư như sưng tai, phù mặt, không có tay chân, chàng trai 19 tuổi lúc đó bị sốc tâm lý. Thế nhưng Trung vẫn quyết định trải nghiệm cùng những tình nguyện viên nơi đây. Để rồi cuối cùng Trung nhận ra rằng, bản thân mình còn may mắn hơn những người khác rất nhiều.
Dần dần Trung tha thứ cho ba mẹ, mở lòng hơn và gắn bó với lớp học chữ. Cho đến nay, khi đã là một quản lý cho hãng thời trang của nước ngoài, Trung vẫn đều đặn lên lớp vào chiều thứ 6 hoặc thứ 7 và có mặt vào tất cả các ngày hội, chương trình cho trẻ em ung thư.
Trung cho biết, sau nhiều năm gắn bó với các bệnh nhi, anh đã trải qua những sự mất mát như mất đi người thân ruột thịt. Như trường hợp bệnh nhi tên Chi, 13 tuổi – một trong nhiều bé mà Trung rất yêu quý. Trong 3 năm gắn bó trên lớp học, chứng kiến quá trình bé điều trị bệnh, từ tóc dài đến lúc rụng hết tóc. Khi nghe tin bé bị hôn mê sâu, rồi mất đi, Trung đã bị sốc nặng. Tuy nhiên, anh không buông xuôi mà vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho những bệnh nhi còn lại.
Nguyễn Thị Kiều Duyên rèn từng nét chữ cho bệnh nhi. |
“Đối với mình có thể kiếm được nhiều tiền, nhưng mà không thể mua lại hạnh phúc. Cho nên khi mà cho đi vì một điều gì đó mà nhận lại là niềm vui, sự lạc quan sự yêu đời của các bé. Mình thấy các bé vui hơn, hạnh phúc hơn. Khi gặp mình các bé thì các bé rất vui, gọi tên mình, thường các bé hỏi thăm. Mình cảm thấy được gắn kết với các bé, các bé yêu quý mình”, Nguyễn Thế Trung tâm sự.
Còn với Lý Sen Tâm, 26 tuổi, ngụ quận 8 TPHCM, khi đang theo học 2 trường đại học, biết đến Chương trình Hoa Hướng dương – Ước mơ của Thúy ở Bệnh viện Ung bướu TP HCM, không đắn đo suy nghĩ nhiều, Tâm quyết định dành chiều thứ 6 và thứ 7 để lên lớp làm tình nguyện viên cho các bạn nhỏ, hỗ trợ cô Đinh Thị Kim Phấn – người sáng lập ra lớp học chữ cho trẻ ung thư.
Sau 3 năm gắn bó, vui buồn cùng các bé, gia đình Tâm lại trải qua nhiều biến cố, còn cô phải ra nước ngoài công tác. Tuy nhiên 1 năm sau quay về, Tâm lại tìm đến Bệnh viện Ung bướu để xin được dạy chữ cho trẻ ung thư; lo hậu cần cho các chương trình văn nghệ phục vụ cho các bệnh nhi.
Tâm cho biết, bản thân tự nhận mình là cô gái có phần lãng đãng, sống vội, nhìn vào tưởng chừng như rỗng tuếch. Thế nhưng khi gặp những đứa trẻ bị ung thư, suy nghĩ của Tâm bỗng nhiên thay đổi. Cách cô giáo và các tình nguyện viên làm cho các bé vui khiến Tâm cảm thấy cuộc sống vô cùng ý nghĩa. Đến nay, ba mẹ cô đã sang nước ngoài nhưng Tâm vẫn ở lại để trao tình thương cho các bé. Những căn phòng dành cho bệnh nhi ở bệnh viện Ung bướu trở nên thân thuộc, những bệnh nhi ở đây trở nên gắn bó như người thân của Tâm.
Không chỉ dạy chữ, các bạn trẻ còn tổ chức vui chơi cho bệnh nhi. |
“Các bé sẽ là những tấm gương, có những khó khăn trong công việc cuộc sống mà cảm thấy cực kỳ mệt mỏi, chị muốn từ bỏ luôn thì sẽ nhìn ra được những tấm gương là các bé luôn về việc không từ bỏ. Có những bé đang vô thuốc rất đau vẫn muốn tận hưởng niềm vui mỗi ngày”, Tâm chia sẻ.
Khác với hai người bạn nói trên, nguyện vọng ban đầu của cô giáo trẻ Nguyễn Thị Kiều Duyên, 25 tuổi ngụ quận Tân Bình TPHCM đến với lớp học chữ cho bệnh nhi ung thư là để rèn luyện kỹ năng sư phạm, có một môi trường thể hiện khả năng dạy học của mình ngay khi còn là sinh viên. Nhưng những cô bé, cậu bé trọc đầu, tay truyền dịch sống trong đớn đau vừa là thế hệ học trò đầu tiên của Duyên, lại trở thành những đứa em quý mến của Duyên tự lúc nào.
Theo Duyên, những bệnh nhi nơi đây mong manh như ngọn đèn trước gió, nhưng đôi mắt lại khát khao sự sống, niềm lạc quan yêu đời hơn hết. Từ khi là sinh viên, đến nay trở thành thạc sĩ Hóa học, tham gia dạy học nhiều nơi, Duyên vẫn yêu quý nhất là những học trò trong lớp học chữ cho bệnh nhi ung thư.
Cô luôn tìm cách mang nụ cười đến cho các bé. Nhìn các em vui tươi, có lúc lòng Duyên quặn thắt, bởi Duyên sợ phải rời xa các em, bởi cô đã bị một học sinh đặc biệt đã từ chối nhận quần áo mới trong ngày khai giảng vì biết mình không còn sống được nhiều ngày nữa.
“Lúc đó tôi đã muốn dừng lại rồi, muốn buông xuôi không vào lớp nước nhưng cô Phấn và các bạn tình nguyện viên khi mà minh đã bước chân vào đây rồi không được bỏ cuộc. Mà mình phải là chỗ dựa cho những bé khác nữa, không phải vì nỗi đau của mình mà từ bỏ công việc này”, cô giáo Duyên kể lại.
Những ngày này, không chỉ là Trung, Tâm hay Duyên mà còn hơn 20 tình nguyện viên tại Bệnh viện Ung bướu đang sốt sắng "chạy" chương trình cho ngày hội hoa hướng dương cho trẻ ung thư.
Những bạn trẻ này đang mở rộng tấm lòng mình ra, cùng chia sẻ, cùng cho đi những điều tốt đẹp để được nhận lại những niềm vui trong tâm hồn, niềm hạnh phúc trong đời sống. Họ rực rỡ như loài hoa luôn hướng về mặt trời, thắp ngọn lửa ước mơ cho các bạn nhỏ mắc căn bệnh quái ác mang tên ung thư./.
“Chuyến xe yêu thương” lăn bánh đưa bệnh nhân ung thư về quê ăn Tết
Du học sinh Hàn Quốc mang khăn ấm cho bệnh nhân ung thư
Bệnh nhân ung thư gan được “huyền thoại ghép tạng” phẫu thuật