Những tấm gương dũng cảm nơi cửa biển Kỳ Hà

Nếu không có những con người dũng cảm đó, hậu quả của vụ chìm đò xảy ra tại Quảng Nam có lẽ đã thảm khốc hơn rất nhiều.

Thảm kịch có lẽ đã xảy ra sáng 21/11 trên sông Trường Giang, nếu không có những ngư phủ vừa đánh cá trở về; nếu như không có những con người dũng cảm như Đinh Tấn Tàu, một mình cứu 6 nạn nhân; nếu như không có chiếc ghe máy của công ty Thuận Lưu với 5 thợ lặn dày dặn kinh nghiệm… Dù vậy, một nạn nhân thiệt mạng trong vụ chìm đò cũng là nỗi đau với người dân ở xóm cù lao xã Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam.

Đội thợ lặn công ty Thuận Lưu nhận Bằng khen của tỉnh Quảng Nam.

Đội thợ lặn “phản ứng nhanh”

Chuyến đò định mệnh lúc 6 giờ ngày 21/11 từ xã Tam Hải sang xã Tam Quang, huyện Núi Thành gặp nạn trên sông Trường Giang gần cửa biển Kỳ Hà. Ngoài 1 thai phụ thiệt mạng, toàn bộ 39 người còn lại trên đò đều được cứu thoát. Sự may mắn này không hoàn toàn tình cờ, bởi đúng thời điểm đó, 5 thợ lặn trên chiếc ghe máy của công ty Thuận Lưu là những người phản ứng nhanh nhất, nhảy ngay xuống nơi nguy cấp để cứu người. 5 thợ lặn đó là Nguyễn Thái Phi, Phạm Văn Hùng, Lê Văn Lân, Dương Văn Đà (cùng trú xã Tam Quang), Bùi Văn Hoà (trú xã Tam Hải).

Sáng hôm ấy, như thường lệ, 5 anh em trong đội lên ghe máy đi thi công công trình cảng Vùng Cảnh sát biển. Vừa xuôi xuống cửa biển Kỳ Hà, ngang qua bến đò một đoạn thì nghe tiếng kêu cứu, ngoái lại thấy đò đang chìm giữa sông, mấy anh em biết có chuyện nên lập tức quay lại ghe lại. Lúc này, cả đám đông lô nhô người đang quẫy đạp hỗn loạn và ôm chặt vào nhau, cố níu vào vài chiếc phao cứu nạn mỏng manh. 5 anh em mỗi người tìm cách gỡ, cứu từng người, bởi nếu không khéo léo và bình tĩnh, họ có thể bị đám đông người bị nạn trong lúc hốt hoảng kéo chìm xuống đáy sông.

Thợ lặn Phạm Văn Hùng kể: “Mấy anh em vừa bơi vừa tìm cách tiếp cận người già và trẻ em để cứu họ trước. Chúng tôi phải lặn xuống phía dưới hoặc vòng ra phía sau mà lựa thế đẩy hoặc dìu họ lại mạn ghe. Xong, lại quay ra lặn, vớt tiếp những người khác. Khó cứu nhất là những người đang ôm chặt lấy nhau vì hoảng loạn.  Có lúc 2 - 3 anh em phải xúm lại gỡ từng người ra rồi đưa lên mặt nước. Bọn tôi cố làm hết sức, miễn là cứu được nhiều người càng nhanh, càng tốt, chứ làm gì có thời gian mà suy tính phương án này nọ”.

Chỉ trong vòng 15 - 20 phút sau khi xảy ra tai nạn, 5 thợ lặn đã cứu được 20 người. Nhờ tinh thần quên mình cứu người của những thợ lặn này mà rất nhiều ghe thuyền gần đó kịp thời tiếp ứng và nhiều ngư dân cũng theo nhau lao mình vào vùng nguy hiểm để cùng cứu vớt toàn bộ các nạn nhân còn lại.

Theo 5 thợ lặn kể lại, hầu hết các nạn nhân đều không có phao cứu sinh, nhưng nhờ đều là người dân Tam Hải vốn quen sông nước, nên có thể ngoi ngóp, chống chọi với dòng chảy để không bị chìm, đến khi được vớt lên tàu.

Ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam trong sáng 21/11 khi đến hiện trường chỉ đạo công tác khắc phục đã nói: “Nếu không có sự dũng cảm, ứng phó hiệu quả của 5 thợ lặn thì hậu quả của vụ tai nạn thật khó lường”. Chiều 21/11, UBND tỉnh đã quyết định khen thưởng đột xuất cho 5 thợ lặn về thành tích dũng cảm cứu người gặp nạn. Tỉnh đã trao Bằng khen và số tiền thưởng 400.000 đồng/người.

Anh Đinh Tấn Tàu (người cởi trần) đã không quản nguy hiểm cứu người bị nạn

Người đánh cá quên mình giữa dòng nước dữ

Tham gia cứu nạn sáng hôm đó còn có ngư dân Đinh Tấn Tàu (37 tuổi, gốc Nghĩa An, Quảng Ngãi), có vợ ở thôn 2 xã Tam Hải và hành nghề thợ lặn chục năm nay. Anh Tàu nhớ lại: “Tôi vừa thức giấc, bất ngờ nghe có tiếng la hét từ phía bờ Tam Quang. Nhìn ra thấy nhiều người trên đò nhốn nháo, còn chiếc đò thì nghiêng một bên. Biết có chuyện, tôi phóng xuống tàu nổ máy lao về chiếc đò gỗ. Vừa chạy tôi vừa gào thét cho bà con gần đó để cứu. Hai chiếc ghe giã cào khác của anh Lân và anh Pháp thợ lặn cũng tức tốc lao vào cuộc”.

Sau khi quần thảo trên mặt nước để ném phao cho người biết bơi, khi đã hết phao, anh Tàu phóng xuống nước cứu những người già và trẻ em trước. Mỗi lần xuống nước, các đồng đội anh ở trên ghe liên tục điều tiết dây thở và lắng nghe tín hiệu từ đáy sông gởi lên. Đến khi chiếc xe máy thứ 10 được vớt lên, anh mới tạm nghỉ. 

Hơn 3 tiếng ngụp lặn, 2 lần anh Tàu suýt gặp nguy khi chân vịt của tàu cá tham gia cứu hộ quấn dây dẫn khí, may mà các đồng nghiệp của anh phát hiện kịp thời. Với 30 lần ngoi lên, lặn xuống đáy sông sâu hơn 10m, một mình anh đã cột dây cho toàn bộ 17 chiếc xe máy và hơn 10 chiếc xe đạp của các nạn nhân… Khi người thợ lặn Đinh Tấn Tàu ngoi lên mặt nước để nghỉ lấy sức, lúc ấy đã 10 giờ trưa. Anh ngụp lặn suốt buổi mà chưa kịp ăn sáng.

Đời thợ lặn của anh Tàu đã trải qua nhiều lần cứu người, phương tiện bị chìm. Tháng 10/2006, cơn bão lớn ập vào Tam Quang đánh tan tác nhiều tàu cá, chính anh đã lặn xuống dòng nước lạnh buốt mùa đông để đưa một phụ nữ xấu số lên bờ.

“Đi biển từ năm 12 tuổi, từng lặn vớt hải sâm ở khắp vùng biển, nhưng để lặn ở vùng nước ngọt sâu hơn 10 mét là điều kinh khủng, rất dễ bị ngộp. Tôi mong không còn ai bị chìm dưới lòng sông này nữa. Đời dân sông nước chúng tôi cực khổ nhiều rồi, gánh thêm nỗi đau này tội lắm”, Đinh Tấn Tàu tâm sự với chúng tôi.

Trong chuyến đò kinh hoàng buổi sáng hôm ấy, còn có rất nhiều những con người dũng cảm đã liều mình cứu người khác, mà trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi chẳng thể nhắc tên. Nhưng trong lòng mỗi người, họ vẫn mãi là những con người can đảm nhất./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên