Những tấm gương khuyết tật bình dị mà cao cả
VOV.VN - Tại thành phố Đà Nẵng, ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương người khuyết tật nỗ lực vượt qua khó khăn, vượt lên số phận, trở thành những người có ích cho gia đình và xã hội.
Ở phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, ai cũng biết bà Huỳnh Thị Xinh bị khuyết tật 2 chân, phải đi lại bằng xe lăn nhưng đã 30 năm dạy chữ cho trẻ em nghèo, giúp các em đạt thành tích cao trong học tập. Hiện, mỗi ngày bà Xinh dạy 3 lớp với 2 môn Văn và Toán, từ lớp 1 đến lớp 9. Hầu hết học sinh ở đây đều hoàn cảnh khó khăn nên bà đều miễn giảm học phí.
Bà Xinh kể, sinh ra trong gia đình đông anh em, ngay từ lúc lọt lòng mẹ, bà không may bị bại liệt. Thương con nên cha mẹ bà hằng ngày đạp xe đưa đến trường học, nhờ bạn bè và thầy cô giúp đỡ. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, bà tự nghiên cứu, học hỏi kỹ năng sư phạm, ấp ủ ước mơ làm cô giáo. Rồi bà mở lớp dạy thêm để kiếm thu nhập, ổn định cuộc sống và có cơ hội giúp ích cộng đồng. Bằng kiến thức của mình, bà Xinh mở lớp dạy thêm tại nhà cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở.
Em Phan Thanh Diệu, ở phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, một học trò của cô Huỳnh Thị Xinh cho biết, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, em được cô Xinh miễn học phí từ lớp 1 đến lớp 9. Nhiều bạn nghèo khác cô cũng miễn phí.
Suốt 30 năm qua, bà Huỳnh Thị Xinh lặng thầm đóng góp vào sự nghiệp giáo dục tại địa phương. Bà Xinh còn nhiệt tình tham gia công tác xã hội, hăng hái trong các hoạt động nhân đạo, khuyến học ở khu dân cư. Hằng năm, bà vận động kinh phí giúp đỡ hội viên hoàn cảnh khó khăn, nhất là vào dịp lễ Tết. Ghi nhận nỗ lực của người khuyết tật đóng góp cho cộng đồng, thành phố Đà Nẵng bố trí cho bà một nhà liền kề tại khu dân cư Xuân Thiều, quận Liên Chiểu.
“Tôi miễn phí cho các em cũng đỡ cho cha mẹ một phần. Trong giảng dạy thấy các em tiến bộ. Có nhiều em đậu đại học ra trường quay lại thăm. Có nhiều em không cha mẹ, tôi dạy miễn phí từ lớp 1 đến lớp 5, giúp con cháu có thêm kiến thức, thứ 2 mình tìm được niềm vui trong cuộc sống. Mong muốn chính quyền tạo mọi điều kiện quan tâm hơn nữa người khuyết tật để họ vươn lên hòa nhập cộng đồng. Nếu có sức khoẻ tôi vẫn tiếp tục dạy các em”, bà Huỳnh Thị Xinh bộc bạch.
Ở thành phố Đà Nẵng có rất nhiều tấm gương người khuyết tật nỗ lực vượt khó vươn lên, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Anh Trần Mạnh Huy, hiện là giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ gia công thuê ngoài (V.B.P.O Đà Nẵng). Anh Huy bị dị tật bẩm sinh, liệt nửa người nhưng nỗ lực học hành rồi tạo dựng doanh nghiệp, tạo việc làm cho hơn 600 lao động, chủ yếu là người khuyết tật ở Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung.
Anh Huy kể, tốt nghiệp Đại học Bách khoa, anh xin giảng dạy tại một trường đại học ở thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, anh về Đà Nẵng và thành lập công ty riêng chuyên về nhập dữ liệu, xử lý hình ảnh, thiết kế web, các dịch vụ về kế toán... lấy tên là Công ty Cổ phần Dịch vụ gia công thuê ngoài, phục vụ chủ yếu cho đối tác Nhật Bản. Hiện, doanh nghiệp của anh Trần Mạnh Huy tạo việc làm ổn định cho người khuyết tật với mức lương bình quân từ 5 đến 7 triệu đồng, mỗi người, một tháng.
“Là một người khuyết tật, do đó tôi hiểu được chuyện khó khăn của người khuyết tật khi đi xin việc làm. Khi có cơ hội tôi ấp ủ một giấc mơ là tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật. Công ty tập trung vào những công nghệ để giúp cho người khuyết tật có kỹ năng lao động để làm được việc như người bình thường”, anh Huy chia sẻ.
Đà Nẵng hiện có hơn 16.000 người khuyết, nhiều người được thành phố quan tâm hỗ trợ vốn vay để phát triển kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ, được đào tạo nghề, giới thiệu việc làm ổn định. Hàng năm, các cấp chính quyền, nhiều tổ chức phi chính phủ tổ chức tập huấn kỹ năng hướng nghiệp- việc làm cho người khuyết tật giúp họ hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.
Ông Trương Công Nghiêm, Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Đà Nẵng cho biết, trong những năm gần đây, các tấm gương người khuyết tật vượt khó vươn lên ngày càng nhiều. Đại đa số người khuyết tật tự tin hơn giúp được cho nhiều người đồng cảnh ngộ tự lực vươn lên trong cuộc sống. Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đã có những chương trình hết sức ý nghĩa tạo điều kiện và khuyến khích cho người khuyết tật để họ vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống./.