Những thanh niên nhặt rác quanh Hồ Gươm
VOV.VN - Chiều Chủ nhật hàng tuần, gần 20 thành viên của nhóm “Nhặt rác Hồ Gươm” tụ tập tại “trái tim của thủ đô” để nhặt rác.
Với khẩu hiệu “Một đôi găng tay, một túi nilon tái sử dụng và một trái tim yêu Hà Nội của những người trẻ”, trong 5 năm qua nhóm “Nhặt rác Hồ Gươm” thuộc CLB Tình nguyện trẻ Hà Nội đã giúp hồ Hoàn Kiếm ngày càng xanh - sạch - đẹp và thân thiện hơn.
Đều đặn, chiều Chủ nhật hàng tuần, gần 20 thành viên của nhóm lại tập trung đông đủ trước tháp Hòa Phong, khu vực Hồ Gươm, Hà Nội. Mỗi người được phát một chiếc áo xanh, có in biểu tượng bỏ rác vào thùng, lưng áo có in tên nhóm và dòng chữ với thông điệp: “Mỗi người một tay sạch ngay tất cả”.
Các thành viên Hội "Nhặt rác Hồ Gươm" góp phần lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường (Ảnh: Báo TNMT) |
Anh Đỗ Công Huấn, Hội trưởng Hội nhặt rác Hồ Gươm cho biết: Mỗi một buổi, nhóm được chia thành 2 tốp nhỏ, mỗi tốp đi một hướng vòng quanh Hồ. Mỗi người được phát một chiếc túi nilon to đựng rác và một đôi găng tay cao su hoặc nilon để bắt đầu công việc. Trung bình có khoảng 7 – 10 bạn tình nguyện viên tham gia.
Anh Đỗ Công Huấn nói: “Xuất phát từ mục đích ban đầu là mong muốn làm sạch rác khu vực xung quanh hồ, cùng với đó cũng mong muốn làm lan tỏa đến cộng đồng và nâng cao ý thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường, cho nên chúng tôi cùng nhau thành lập nhóm này”.
Cùng đi với các bạn tình nguyện viên nhặt rác quanh hồ mới thấy đây là công việc không đơn giản, dễ dàng, mà đòi hỏi tinh thần trách nhiệm và sức chịu đựng cao. Bạn Đặng Thị Thanh Mai, một thành viên của nhóm cho biết: Rác ở khu vực hồ Gươm có rất nhiều loại. Có thể kể đến như vỏ lon nước ngọt, ống hút, vỏ kẹo, chai nhựa, que kem…
Một điều đáng buồn theo như chia sẻ của Thanh Mai là nhiều bạn trẻ ngồi ghế đá ăn uống, vô tư vứt rác xuống dưới đường trong khi thùng rác công cộng chỉ cách có vài bước chân. Đặc biệt là khu vực gần điểm bán kem Tràng Tiền, kem Thủy Tạ, nhiều người tập trung ăn kem và cũng vô tư vứt vỏ que kem xuống đất.
Tuy nhiên, khi được góp ý về việc bỏ rác đúng nơi quy định, đa phần các bạn đều vui vẻ và thực hiện. Đến nay, sau gần 300 buổi nhặt rác trong 5 năm qua, nhóm đã từng bước góp phần thay đổi ý thức cộng đồng. Những cụ già hay tập thể dục ven Hồ, những em nhỏ hay ra Bờ Hồ chơi cũng tự nguyện nhặt rác quanh mình.
Anh Ngô Duy Long – một người dân sống gần khu vực Hồ Hoàn Kiếm nói: “Việc làm này rất cần thiết và đánh giá được ý thức của các bạn trẻ. Các bạn đã quan tâm nhiều hơn đến nét văn hóa của người Việt Nam, bởi vì trên thực tế ngày nay phần lớn người ta chỉ học cách kiếm sống, mà ít ai học được cách sống như thế nào. Việc nhặt rác của các bạn trẻ hôm nay cho thấy, các bạn đã quan tâm đến cuộc sống của cộng đồng nhiều hơn là cuộc sống của chính mình”.
Không chỉ nhặt rác góp phần thay đổi thói quen, từ những buổi nhặt rác, nhận thấy lượng que kem, ống hút và một vài vật dụng có thể tái chế khá nhiều, nhóm nhặt rác Hồ Gươm đã nảy ra ý tưởng làm sản phẩm để gây quỹ từ thiện.
Từ các que kem, que xiên xúc xích bỏ đi, những bạn trẻ đã làm sạch và lắp ghép khéo léo thành đồ lưu niệm hay dụng cụ học tập thiết thực như hộp bút, khung ảnh, cối xay gió, hộp đựng trang sức, đèn trang trí, cũng như gửi gắm tình yêu Hà Nội của mình vào mô hình chùa Một Cột, Khuê Văn Các, cầu Long Biên...
Những sản phẩm này được bày bán ở các chương trình tình nguyện, hội trại ở các trường đại học, trung học phổ thông. Mỗi buổi, nhóm thường bán được từ 15 đến 20 sản phẩm, thu được 400.000 đến 500.000 đồng. Với số tiền không lớn ấy, những bạn trẻ đã thực hiện hoạt động bữa ăn nhân ái gửi đến những người có hoàn cảnh khó khăn.
Bạn Vương Mỹ Linh, sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, một thành viên của nhóm cho biết: “Bọn em có 20 người thường xuyên nhặt rác. Hàng tuần, số lượng người đăng ký nhặt rác nhiều hơn. Công việc của bọn em là đi quanh Hồ Gươm và thấy ở đây rất nhiều rác, trong khi Hồ Gươm là điểm đến của rất nhiều du khách nước ngoài và các gia đình vào dịp cuối tuần. Em nghĩ việc đi làm vệ sinh ở xung quanh khu vực Hồ Gươm không chỉ góp phần lan tỏa đến nhiều người hơn về việc giữ gìn vệ sinh, mà qua việc làm này chúng em còn giúp được nhiều hoàn cảnh khó khăn khác”.
Khi được hỏi về những dự định trong tương lai, các thành viên của nhóm đều mong muốn việc làm của mình sẽ tác động đến mọi người, hy vọng mỗi người sẽ tự nâng cao ý thức, tinh thần tự giác bảo vệ môi trường, góp phần giúp cho Hồ Hoàn Kiếm sạch đẹp hơn và để lại ấn tượng tốt trong lòng du khách thập phương./.