Niềm tin từ bùn đất

Một tuần sau cơn đại hồng thủy, vùng rốn lũ Định Trung 2, xã An Định, Tuy An (Phú Yên) vẫn còn xơ xác. Từng người dân nơi đây đã gắng gượng xoa dội bùn đất để tiếp tục cuộc sống mới với bao lo toan phía trước…

Hôm nay là một ngày nắng đầy đặn sau một tuần dầm dề trong bão giật lũ dồn. Người dân đang tìm chỗ nắng ráo để phơi những tấm bạt còn lành và vớt vát chút gạo ăn.

Chị Phan Thị Lý đang ngồi đảo lúa ướt, nói với tôi: “Xã chưa có điện nên phải đem lúa đi Chí Thạnh xay. Lúa ngâm lũ bị mọc mầm kiểu này nấu cơm cứ sình lên, ăn xảm xảm nhưng có cái ăn là may lắm rồi”.

Chị Phan Thị Lý đang phơi lúa ướt trên nền ngôi nhà vừa sập đè chết vợ chồng người chị ruột   

Sau 3 ngày trong cơn bão lũ dữ dội, gia đình chị trở lại nhà thì đồ đạc đã bị trôi sạch, mấy phuy lúa đổ trộn trong bùn nhão, còn ngôi nhà thì xiêu vẹo, tốc mái. Sau đó, nhà chị nhận được một ít mì gói, 10 kg gạo cùng một ít tiền cứu trợ, hiện gia đình đang ăn uống hết sức dè xẻn.

Chị Lý cho biết: “Nhà tôi không ai bị sao là may phước rồi, giờ thì phải lo sửa soạn lại, lo cho con đến trường, rồi kiếm việc làm để sống”.

Mới 5 giờ chiều trời đã xám xịt. Nhà ông Lưu Mạnh Hùng đang hun khói đuổi muỗi cho chú bò con ngay trong phòng ngủ ngày thường. Kề đó là cô con gái Lưu Thị Lệ Thủy (20 tuổi) bị tật nguyền từ trong bụng mẹ, đang ngồi trên xe lăn và phải buộc thêm dây để khỏi bị ngã (vì em hay bị co rút tay chân).

Nhà ông Hùng ở khá cao so với mặt ruộng, vậy mà cơn đại hồng thủy cũng đã dâng ngập chỉ còn chóp mái, đồ đạc gần như bị cuốn sạch sẽ; chuồng bò, heo, gà… đều đã bị cuốn phăng. Con nghé này được đưa theo tránh lũ với người nên mới thoát chết, giờ nghé cũng đang ở trong nhà.

Điều bà Nguyễn Thị Tý-vợ ông Hùng tiếc đứt ruột là 6 chỉ vàng ki cóp chuẩn bị đưa con gái đi chữa bệnh đã trôi theo dòng lũ. Số vàng này bà cất trong phuy lúa nhưng đối mặt với bão lũ quá sức dữ tợn, mải lo đưa đứa con tật nguyền tìm chỗ an toàn, bà không thể nào vớt vát được.

Ông Hùng động viên vợ: “Thôi, bà ơi, người còn thì của còn, rồi mình cố mà cày cuốc tìm cách chữa bệnh cho con. Tôi phải đi giúp nhà có người chết đây!”.

Trên đường đi với tôi, ông Hùng cho biết: vợ chồng còn có một thằng con trai đã 23 tuổi, rất đẹp trai; tuổi này ở đây đã rậm rình cưới vợ, nhưng ông làm “tư tưởng” với con là gia đình khó khăn quá, “mày mà cưới vợ là tao chết”, giờ lại gặp trận thiên tai này thì chuyện cưới hỏi của cậu con trai còn phải dài dài... Rồi ông Hùng khẳng định: “Bão lũ mất mát gì thì gì, làng xóm cũng đùm bọc nhau để vượt qua. May nhờ mấy hôm nay có bộ đội Quân khu 5 kéo về trợ giúp nên xóm làng cũng đỡ quạnh hiu”. Ông Hùng cũng cho hay vừa cùng bà con trong thôn lo khâm liệm và chôn cất xong vợ chồng ông Nguyễn Thế-bà Phan Thị Nghè cùng bị chết do nhà sập ngay trong cơn lũ đêm 2/11…

Dọc con đường sình lầy xơ xác, một số người dân đang chia nhau những nhúm hạt giống rau màu vừa mua được để gieo trên những vạt đất chưa kịp ráo nước lũ…

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã An Định, cho biết: Đến lúc này xã đã có 5 người chết, hơn 1.200 nhà bị sập và hư hỏng, còn tài sản bị thiệt hại thì “không kể sao cho xiết”, trong đó thôn Định Trung 2 bị thiệt hại nặng nhất; cùng với việc phân phát tiền hỗ trợ của nhà nước và mì, gạo của các đoàn cứu trợ, cái đói tạm thời nguôi nguôi nhưng lo cho cuộc sống trong thời gian sắp tới sẽ rất gay gắt. 

Bộ đội và thanh niên đang giúp dân khắc phục hậu quả bão lũ tại xã An Định, Tuy An (Phú Yên)

Theo ông Hoàng, trường lớp hiện giờ đã được bộ đội và thanh niên địa phương hốt dội bùn, dọn dẹp cơ bản xong nhưng trang thiết bị đã hư hỏng gần hết. Con em trong xã lại mất mát sách vở quá nhiều, gia đình nào cũng đang lu bù chuyện dựng lại nhà cửa nên cũng chưa thể tổ chức cho mở trường học lại được. Xã cũng đang tập trung dọn dẹp cây cối, đường điện đổ ngã, nhất là chôn hủy xác động vật thối rữa, xử lý nguồn nước uống cho dân… “Hiện tại, 5-6 hộ dân mới có được một giếng nước sạch để ăn uống. Công việc ổn định đời sống người dân sau bão hiện đang còn chồng chất, mà việc nào cũng gáp gáp. Anh em chính quyền và các đoàn thể đang động viên nhau hãy lo cho người dân trước rồi mới lo cho nhà mình. Tôi tin tưởng, dẫu có khó khăn cách mấy rồi đất này cũng phải gượng dậy, hồi sinh”.

Phút bình yên sau thiên tai

Rời ủy ban xã An Định, trên con đường bờ tràn, sau cơn thịnh nộ khó lường của đất trời, vẫn nghe giòn giã tiếng trẻ con nô đùa và giọng cười trong vắt của những thôn nữ đang giặt giũ bên dòng nước.../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên