Loạt phóng sự "Vượt qua hủ tục"

Nợ nần, đói nghèo vì hủ tục ở vùng cao Quảng Nam

VOV.VN - Hủ tục là một trong những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội, làm mất an ninh trật tự và gây ra bao hệ lụy nhức nhối ở vùng cao các tỉnh miền Trung

Những năm gần đây, nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ, ưu đãi đặc biệt cho miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với nguồn kinh phí hàng ngàn tỷ đồng đã được triển khai. Từ đó, diện mạo vùng cao và đời sống của bà con các dân tộc Cơ Tu, Giẻ Triêng, H’re, Ca Dong, Xê Đăng, Tà Ôi… dọc dãy Trường Sơn ngày càng khởi sắc.

Đời sống vật chất ngày càng được nâng cao, bà con quan tâm hơn đến việc phục dựng, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Tuy nhiên, ẩn sau các phong tục, tập quán tốt đẹp vẫn còn không ít những hủ tục lạc hậu đã ăn sâu, bám rễ trong tiềm thức của bà con, cản trở quá trình phát triển kinh tế-xã hội.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến đói nghèo cùng nhiều hệ lụy nhức nhối. Hành trình “vượt qua hủ tục” không thể thực hiện một sớm một chiều mà cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân và vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên tại cơ sở. Nhóm phóng viên VOV Miền Trung đã đi sâu tìm hiểu một số hủ tục cùng những hệ lụy ở vùng cao các tỉnh miền Trung và thực hiện loạt phóng sự “Vượt qua hủ tục”. 

Bài 1: Quả đắng "lệ làng"

“Cúng trả nợ người đã khuất” là hủ tục ngàn đời của đồng bào Giẻ Triêng huyện vùng cao Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Trải qua thời gian, hủ tục này tưởng như lùi xa. Thế nhưng, sau vụ ngộ độc cá chép ủ chua vừa xảy ra hồi tháng 3 vừa qua làm 1 người chết và hơn chục người khác nhập viện trong tình trạng “thập tử, nhất sinh” việc “cúng trả nợ người đã khuất” lại rộ lên, làm xáo trộn cuộc sống của hàng chục hộ dân dưới chân núi Đăk Sa.

Bà Hồ Thị Nhương ở thôn 2, xã Phước Đức, người vừa tổ chức lễ cúng trâu cho con trai bị ngộ độc cá chép ủ chua quả quyết, con mình bị ma bắt do mắc nợ ông bà, những người đã chết cách đây cả trăm năm: “Con nhập viện mới xem thầy, thầy bảo có 2 bệnh, 1 bệnh viện và 1 bệnh nữa là bệnh thủ tục của mình. Bởi vì chị nợ quá nhiều, nợ ông bà, ông cố bà cố, nợ 2 ba đời do đời xưa không có tiền. Chị phải đi vay đi mượn 35 triệu đồng, làm cây nêu xong tối mới nấu rượu để đêm đi cúng chỗ nhà làng”.

Sau khi bán hết những gì có thể bán được trong nhà và chạy vạy vay mượn khắp nơi, bà Nhương làm lễ cúng trâu “rình rang” kéo dài 1 ngày đêm tại nhà truyền thống thôn 2, xã Phước Đức với sự góp mặt của tất cả dân làng.

“Con trâu cột chỗ cây nêu rồi mình nhảy quanh cả ngày. Dân làng hai ngày đó là không đi làm. Mình đã cúng là dân làng phải cữ, phải ở nhà xem mình nhảy. Con nằm trong viện phải bật điện thoại cho thấy, mình làm gì nó phải làm theo hết. Bác sĩ nói không ra bệnh, đến khi chị cúng ở đây là ra bệnh ở dưới kia rồi” - bà Nhương hào hứng kể.

Ông Hồ Văn Khánh, Trưởng thôn 2 xã Phước Đức, huyện Phước Sơn, Quảng Nam nhẩm tính, mỗi lễ cúng trâu như thế phải tốn từ vài chục triệu đồng đến cả trăm triệu đồng. Trong khi đó, hơn một nửa số hộ dân trong thôn thuộc diện hộ nghèo. Hủ tục này trở thành gánh nặng, đẩy nhiều gia đình lâm cảnh nợ nần, nghèo đói triền miên.

“Những tập tục ấu trĩ như vừa rồi đâm trâu rồi cúng hết cho cả làng. Tôi cũng tuyên truyền cho bà con, cũng nói tập tục như thế nên bỏ. Thì đa số người lớn tuổi họ nói chúng tôi vẫn cúng, mấy anh đâu có biết gì về cúng, bói của người lớn tuổi đâu. Cái bất cập, khó khăn là ở chỗ đấy!” - ông Khánh than thở.

Cúng khi ốm đau chỉ là một trong nhiều hủ tục tồn tại trong đời sống đồng bào các dân tộc Giẻ Triêng, Cơ Tu, Ca Dong, Xê Đăng, Tà Ôi... dọc dãy Trường Sơn. Trong đó, nạn “thách cưới”, “đòi của” cũng đang gây nhiều bức xúc trong đồng bào dân tộc thiểu số. Về huyện vùng cao biên giới Tây Giang những ngày này, nghe kể lại phiên tòa xét xử vụ ly hôn, đòi của của một chàng trai trẻ Cơ Tu, ai nghe cũng ngạc nhiên. “Lễ vật gia đình tôi đưa cho nhà gái gồm trâu, heo, choé, chiếu…Tôi bảo tôi phải lấy lại những lễ vật mà gia đình tôi đã cho trước đây, tất cả lễ vật đó quy ra giá trị bằng tiền là 200 triệu đồng” - nam thanh niên này chia sẻ.

Vậy là, cái vòng luẩn quẩn thách cưới, đòi của, nghèo đói cứ thế bám riết, đè nặng lên vai bà con vùng cao biên giới này. Bà B’riu Thị Nem, Chủ tịch Hội LHPN huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam thừa nhận, tục thách cưới, đòi của trong đồng bào dân tộc Cơ Tu có từ xa xưa, sau một thời gian lắng xuống nay quay trở lại. Chỉ vì không có đủ con vật 4 chân và các lễ vật quý giá như chiêng, ché, thổ cẩm…làm quà cưới tặng nhà gái mà nhiều chàng trai Cơ Tu không thể lấy được vợ. Xót xa hơn, nhiều trai gái yêu nhau thắm thiết nhưng vì tiền thách cưới đành chia tay nhau, không ít bạn trẻ đã tìm đến lá ngón tự vẫn hoặc chấp nhận tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. 

Bà B’riu Thị Nem bảo rằng có rất nhiều câu chuyện buồn từ những việc này. “Trong tuyên truyền thì các chị rất đồng tình nhưng về phía gia đình khi cưới là họ muốn thể hiện. Ví dụ như gia đình ông kia 5 con heo thì tôi cũng phải vay mượn để mua 5 con heo. Có những trường hợp là nhà gái họ đòi, nhà trai chỉ có 1 con heo nhưng họ đòi tới 3 con, cho nên là phải vay mượn cho bằng được. Cho nên, sau đám cưới là nợ nần, rồi lục đục, thì là nghèo thôi”.

Ông Phạm Văn Hân, Chánh án Tòa án Nhân dân huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam không khỏi ngạc nhiên khi thấy những câu chuyện tảo hôn, thách cưới, đòi của phải dẫn nhau ra tòa. Có những chuyện “cười ra nước mắt” mà những người lâu năm trong nghề như ông Hân cũng không biết phải “xử” sao cho thấu tình, đạt lý.

“Pháp luật quy định, Luật Hôn nhân gia đình cũng đã quy định, Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Hôn nhân gia đình cũng đã quy định cấm đòi của khi ly hôn rồi. Quy định đầy đủ, mình xuống mình phân tích pháp luật như thế nhưng họ không hiểu, họ cứ bảo cái này là luật tục của họ từ xưa đến nay. Ly hôn thì họ chấp nhận ly hôn nhưng phải trả lại tiền của cho nhà trai, nếu không trả thì họ không ký đâu. Nhiều trường hợp lắm, có vụ phải đi 6, 7 tháng” - ông Phạm Văn Hân kể về những khó khăn trong khi thực thi công vụ.

Những năm gần đây, nhiều chính sách, chương trình ưu đãi đặc biệt dành cho miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, diện mạo vùng cao và đời sống của bà con các dân tộc Cơ Tu, Giẻ Triêng, H’re, Ca Dong, Xê Đăng, Tà Ôi… dọc dãy Trường Sơn ngày càng tươi vui. Bà con quan tâm hơn đến việc phục dựng, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Tuy nhiên, một số hủ tục lạc hậu vẫn còn ẩn sâu trong những bản làng vùng cao. Quan niệm về cái chết xấu và cầm đồ thuốc độc của đồng bào Cơ Tu, Giẻ Triêng, Ca Dong, H’Rê... tồn tại dai dẳng, gây ra không ít cái chết oan uổng và những vụ án thương tâm, gia đình ly tán, con mất cha, vợ mất chồng, dân làng nghi kỵ lẫn nhau…

Đây là quan niệm của một số người dân: “Những người treo cổ tự tử, leo cây rơi xuống đất chết…đều được xem là chết xấu. Cho nên phong tục tập quán ở đây nếu mà chết xấu thì bà con bỏ làng đi ở chỗ khác, sợ sau này còn chết nữa, ảnh hưởng đến con cháu, gia đình. Nhà cửa, gia tài họ bỏ hết, như tôi xây nhà 200 triệu đồng, tôi cũng bỏ tìm nơi khác”.

“Chồng tôi thắt cổ tự tử trong nhà. Chúng tôi sợ quá nên dời đến đây ở. Thời điểm đó khổ lắm, con cái còn nhỏ, nhà cửa, đất đai, vườn tược đều bán hết. Nếu ốm đau bình thường thì không sao, nhưng đây ông ấy thắt cổ tự tử, nên chúng tôi rất sợ, đây là cái chết xấu”.

“Hủ tục mà chúng tôi đang đau đáu nỗi lo đó là nghi kị cầm đồ. Vì nhận thức, vì thói quen truyền kiếp nên người ta vẫn còn tin là có một người nào đó làm bùa, làm thuốc để làm hại người khác. Chính vì sợ hãi nên họ có suy nghĩ và hành động rất tiêu cực, chủ yếu là phải triệt hại những người mà họ nghi là có đồ độc. Thực tế đã làm nhiều người bị mất tính mạng rất oan uổng, gây xáo trộn tâm lý trong cộng đồng, nghi kỵ lẫn nhau”. 

Hủ tục là một trong những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, kìm hãm sự phát triển kinh tế xã hội, làm mất an ninh trật tự và gây ra bao hệ lụy nhức nhối. Những năm gần đây, sự vào cuộc của hệ thống chính trị, đặc biệt là có những người dám “vượt qua hủ tục” đã góp phần xóa bỏ nhiều tập tục lạc hậu, mang lại cuộc sống bình yên cho bản làng vùng cao./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên