Nơi chứng kiến những khát vọng hoàn lương

VOV.VN - Mỗi năm, Quận 8, TP HCM tiếp nhận hàng trăm người hồi gia và đến nay con số này đã lên đến hàng ngàn người.

Sau khi chấp hành xong án phạt tù, người hồi gia luôn có những mặc cảm tự ti và dễ bị lôi kéo trở lại con đường phạm tội. 

Đáng mừng là, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của quận, chính những người hồi gia đang nỗ lực vượt qua những rào cản xã hội để vươn lên làm lại cuộc đời. Đâu là điểm tựa để hơn hơn một ngàn người hồi gia ở Quận 8 không trở lại con đường lầm lỗi?

Công an Quận 8 đến tận nhà hướng dẫn người hồi gia thực hiện thủ tục xóa án tích.

Được sự giúp đỡ của Công an Quận 8, chúng tôi tìm đến nhà anh Mai Thanh Long (48 tuổi), ngụ phường 2, một trong số những người hồi gia của quận. Nhìn ông chủ tiệm bán hoa tươi ngay trước cổng chợ Rạch Ông, không ai nghĩ ông chủ hiền lành, chăm chỉ này từng có quá khứ vào tù ra tội nhiều lần, khét tiếng ở Quận 8 về buôn ma tuý.

Cách đây 4 năm, người đàn ông một thời lầm lỗi ấy sau nhiều năm chấp hành xong án phạt tù đã trở về làm một công dân đúng nghĩa. Đối với một người lầm lỗi như anh, để hoà nhập cộng đồng không hề dễ dàng. Người động viên, giúp đỡ cũng nhiều mà người dè dặt, thị phi xa lánh cũng không ít.

Anh Long chia sẻ: “Đâu dễ để người ta có thể tin ngay một người từng lầm lỗi như tôi. Để có được những ánh mắt thiện cảm của mọi người, tôi hiểu rằng ngoài sự giúp đỡ của cộng đồng thì chính bản thân phải biết vượt qua số phận, tu chí làm ăn”.

Sau nhiều năm tất bật mưu sinh, với thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng từ cửa hàng bán hoa tươi và tạp hoá, anh Long sống yên ổn, hạnh phúc cùng gia đình. Đáng mừng hơn cả là anh được công an địa phương hướng dẫn các thủ tục để xoá án tích và làm lại toàn bộ giấy tờ tuỳ thân.

“Thật sự đâu phải ai cũng bỏ mình, đâu phải mình xấu thì xã hội bỏ mình đâu, chủ yếu do mình thôi. Mình cảm thấy mình tốt hơn thì người ta mới quan tâm giúp đỡ, chứ mình xấu hoài thì ai muốn giúp đỡ chứ. Giờ tôi về rồi, cũng cố gắng làm ăn, chính quyền địa phương cũng giúp đỡ. Họ vừa giúp vừa khuyên. Tôi thấy vậy cũng cảm động, nên cũng cố gắng làm ăn”, anh Long bộc bạch thêm.

Sau khi hồi gia, Anh Mai Thanh Long trở về làm một công dân đúng nghĩa
 tu chí làm ăn bên cửa hàng hoa tươi do mình làm chủ. 
Được hỗ trợ về sinh kế, đến nay, anh Phạm Thế Tiến cũng tự mình làm chủ được xưởng may gia công quần áo.

Cũng là một người hồi gia, anh Phạm Thế Tiến (40 tuổi) nhà ở phường 7, Quận 8 cũng phải trải qua những ngày tháng rất khó khăn sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Nghĩ về một thời trai trẻ ăn chơi sa đoạ, hút chích, điều khiến anh kiên quyết không quay lại con đường từng lầm lỗi là sự yên bình trong chính con người mình, không phải nơm nớp lo sợ cảnh đánh nhau ngoài đường, cảnh bị trả thù…

Sau 3 năm chấp hành xong án, trở về tu chí làm ăn, được công an và mặt trận tổ quốc Quận 8 hỗ trợ về sinh kế, đến nay anh cũng tự mình làm chủ được xưởng may gia công quần áo với khoảng 15 máy và hơn 20 lao động. Sự chia sẻ, động viên, tạo mọi điều kiện giúp đỡ của địa phương không chỉ giúp người hồi gia vươn lên làm lại cuộc đời mà còn thay đổi cách nhìn nhận của cộng đồng đối với những người từng một thời lầm lỗi.

Anh Tiến xúc động: “Nói chung mình cũng được quận, phường, cảnh sát khu vực thường xuyên đến quan tâm giúp đỡ, động viên chia sẻ những khó khăn cũng là sự an ủi với những người mới về, thật sự rất là cảm ơn. Những người mới về mà còn khó khăn, cũng mong địa phương tiếp tục giúp đỡ cho những người đó. Nay thì mình cũng đã ổn định, nên những gì dành cho mình thì mình dành lại cho những hoàn cảnh khác”.

Theo Công an Quận 8, TP HCM, hiện địa phương đang quản lý 1.585 người chấp hành xong án phạt tù thuộc diện tái hoà nhập cộng đồng. Qua một thời gian được hỗ trợ, cảm hoá, đã có hơn 1.000 người có ý thức tốt chấp hành pháp luật, tính hướng thiện cao và ổn định cuộc sống.

Rất nhiều trường hợp tự vươn lên làm giàu chính đáng từ những điều kiện sinh kế được hỗ trợ. Ngoài công tác chăm lo, định kỳ công an cùng với Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Quận 8 thường xuyên gặp gỡ đối thoại và lắng nghe những tâm tư nguyện vọng để tiếp tục theo dõi giúp đỡ, cảm hoá từng trường hợp cụ thể.

Trung tá Huỳnh Quang Thiện, Phó đội trưởng Đội xây dựng phong trào bảo vệ dân phố, Công an Quận 8 cho biết: “Với những trường hợp qua thời gian thử thách, Công an quận đã chỉ đạo cảnh sát khu vực và Đội thi hành án và hỗ trợ tư pháp xuống địa phương hỗ trợ từng người để làm thủ tục xoá án tích nếu đủ điều kiện. Những trường hợp khó khăn, Công an Quận 8 cũng đến các cơ quan có liên quan, nhanh chóng làm lại các thủ tục, hoàn chỉnh các loại giấy tờ để  người hồi gia ổn định cuộc sống”. 

Qua rà soát, hiện Quận 8 vẫn còn gần 500 người gặp khó khăn khi tái hoà nhập, chưa có việc làm hoặc việc làm chưa ổn định, còn mặc cảm tự ti, dễ bị lôi kéo vi phạm pháp luật. Thêm vào đó, Công an Quận 8 tiếp nhận trung bình từ 100 đến 250 người hồi gia/năm.

Số lượng người hồi gia sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương dự báo sẽ tiếp tục tăng nhiều trong thời gian tới. Việc đồng hành giúp đỡ người tái hoà nhập cộng đồng thời gian qua tại Quận 8 tiếp tục được sự chung tay của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự giúp đỡ của Công an TP HCM. Từng cá nhân, từng hoàn cảnh cụ thể của người hồi gia sẽ được hỗ trợ các phương tiện sinh kế như: máy may, xe bánh mỳ, xe máy; hỗ trợ về vốn, đào tạo nghề để sớm ổn định cuộc sống, tránh xa những lỗi lầm.

Ông Mai Hồng Phong, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Quận 8 cho biết: “Cùng với ban ngành đoàn thể và gia đình, Quận 8 sẽ tiếp tục quan tâm giúp đỡ những người này. Trong thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục khảo sát và đối với những người hồi gia có chí thú làm ăn, chúng tôi cố gắng vận động hỗ trợ 100% sinh kế theo yêu cầu cho những người có yêu cầu thực tiễn”.

Nhiều trường hợp người hồi gia tại Quận 8 làm lại cuộc đời, chí thú làm ăn sau khi mãn hạn tù đã góp phần không nhỏ thay đổi cách nhìn của cộng đồng. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất của người hồi gia chính là sự kỳ thị. Do đó, việc cho người lầm lỡ điểm tựa và truyền nghị lực sống để họ vươn lên làm lại cuộc đời đã và đang góp phần đảm bảo tốt an ninh trật tự, kéo giảm tội phạm góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bữa cơm 'đoàn viên' của những khát vọng hoàn lương
Bữa cơm 'đoàn viên' của những khát vọng hoàn lương

 Mâm cơm tất niên trong trại tạm giam ở TP Vinh vẫn đầy đủ hương vị Tết cổ truyền với bánh chưng, thịt đông, dưa hành, cá kho…

Bữa cơm 'đoàn viên' của những khát vọng hoàn lương

Bữa cơm 'đoàn viên' của những khát vọng hoàn lương

 Mâm cơm tất niên trong trại tạm giam ở TP Vinh vẫn đầy đủ hương vị Tết cổ truyền với bánh chưng, thịt đông, dưa hành, cá kho…

Khát vọng hoàn lương ở trại  Đăk PLao
Khát vọng hoàn lương ở trại Đăk PLao

VOV.VN - Hàng nghìn phạm nhân ở trại Đăk Plao, mỗi người có một quá khứ lỗi lầm, nhưng ở họ đều có chung khát vọng hoàn lương để làm lại cuộc đời.

Khát vọng hoàn lương ở trại  Đăk PLao

Khát vọng hoàn lương ở trại Đăk PLao

VOV.VN - Hàng nghìn phạm nhân ở trại Đăk Plao, mỗi người có một quá khứ lỗi lầm, nhưng ở họ đều có chung khát vọng hoàn lương để làm lại cuộc đời.

Luật Đặc xá: Miễn giảm hình phạt bổ sung để “tiếp lửa” hoàn lương?
Luật Đặc xá: Miễn giảm hình phạt bổ sung để “tiếp lửa” hoàn lương?

VOV.VN - “Không ít doanh nhân, người có chuyên môn sâu vướng vòng lao lý khi được đặc xá thì cơ hội phấn đấu tạm thời bị chặn lại bởi hình phạt bổ sung”.

Luật Đặc xá: Miễn giảm hình phạt bổ sung để “tiếp lửa” hoàn lương?

Luật Đặc xá: Miễn giảm hình phạt bổ sung để “tiếp lửa” hoàn lương?

VOV.VN - “Không ít doanh nhân, người có chuyên môn sâu vướng vòng lao lý khi được đặc xá thì cơ hội phấn đấu tạm thời bị chặn lại bởi hình phạt bổ sung”.