Nơi hồi sinh những mảnh đời bất hạnh
VOV.VN - Dù mỗi em xuất thân khác nhau nhưng khi đến ở mái nhà chung Đức Quang, các em đều nhận được sự nuôi dưỡng, chăm sóc chu đáo
Bằng tình thương yêu vô hạn, các tu sĩ, phật tử của chùa Vạn Đức (xã Tam Hiệp, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) đã cưu mang, nuôi dưỡng những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và bị cha mẹ bỏ rơi từ lúc mới chào đời.
Những mảnh đời được chở che
Tiếng cười nói, chơi đùa vui vẻ của các em thiếu nhi tại mái ấm Đức Quang - chùa Vạn Đức tạo nên không khí nhộn nhịp. Dù mỗi em xuất thân từ một hoàn cảnh, thân phận khác nhau nhưng khi đến ở mái nhà chung Đức Quang, các em đều nhận được sự nuôi dưỡng, chăm sóc chu đáo.
Đại đức Thích Lệ Hiếu - trụ trì chùa Vạn Đức - kể lại: Từ năm 2010, khi phát hiện và nhận nuôi dưỡng đứa bé sơ sinh đầu tiên bị cha mẹ bỏ rơi tại cổng chùa, đến nay, chùa Vạn Đức đã tiếp nhận, nuôi dạy 116 trẻ em. Lúc đầu chỉ có vài em, sau đó, nhiều người đã đem trẻ sơ sinh để trước cổng chùa hay khu vực gần chùa. Chùa Vạn Đức đã không ngần ngại bế trẻ vào chùa nuôi dưỡng. Số trẻ em nương vào cửa Phật tăng dần theo ngày tháng.
Đại đức Thích Lệ Hiếu |
Chùa Vạn Đức nằm trên cồn Tam Hiệp, cheo leo giữa sông Tiền, điều kiện rất khó khăn. Thấy việc làm của nhà chùa có ý nghĩa, nhiều mạnh thường quân, nhà hảo tâm xa gần đã góp công, góp của giúp nhà chùa nuôi các trẻ bất hạnh. Năm 2015, được sự chấp thuận của các ngành chức năng, chùa Vạn Đức thành lập Mái ấm Đức Quang do Đại đức Thích Lệ Hiếu làm giám đốc. Đây là cơ sở tư thục nuôi dạy trẻ miễn phí có quy mô lớn nhất tỉnh Bến Tre. Đa số các trẻ em đang ở đây đều dưới 6 tuổi. Các em tại mái ấm được nuôi dạy như bao trẻ em khác ngoài xã hội. Đến tuổi đi học, các em được các thành viên trong mái ấm đưa đón đến trường. Những em vào ở mái ấm từ những ngày đầu đến nay đã học đến bậc trung học cơ sở; một vài em đã trưởng thành, học đại học hoặc đi học nghề.
Việc nuôi dạy, quản lý trên 100 trẻ em thật vô cùng khó khăn. Tuy vậy, bằng cái tâm, trách nhiệm xã hội, thời gian qua, Đại đức Thích Lệ Hiếu cùng các chư tăng, phật tử chùa Vạn Đức đã ngày đêm không ngại khó, ngại khổ, “đóng vai” là người cha, người mẹ để nuôi dưỡng các em.
Mỗi tháng, mái ấm Đức Quang, chùa Vạn Đức phải chi gần 200 triệu đồng cho việc ăn uống, sinh hoạt và chi phí học tập của các trẻ em ở đây. Để có nguồn kinh phí này, Đại đức Thích Lệ Hiếu ngày ngày phải đi vận động nguồn quỹ từ các nhà hảo tâm, mạnh thường quân xa gần. Thậm chí có những thời điểm thiếu kinh phí, trụ trì Thích Lệ Hiếu phải “ký nợ” mượn tiền của các tổ chức, cá nhân để nuôi các em.
Trong số những tấm lòng hảo tâm ấy, có bà Nguyễn Thị Thơ ở ấp 1, xã Tam Hiệp thấy nhà chùa thiếu kinh phí nuôi trẻ đã tình nguyện hiến 1 héc-ta vườn cây đang ra trái. Bà Nguyễn Ngọc, một nhà hảo tâm ở huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh đã tìm đến mái ấm tình thương Đức Quang, cảm động trước việc làm tình nghĩa của nhà chùa, bà Ngọc đã đi vận động các tấm lòng nhân ái khác chung tay giúp chùa Vạn Đức nuôi dưỡng các mảnh đời bất hạnh này. Bà Ngọc chia sẻ: “Ở đây, các thầy đối xử, chăm sóc trẻ em rất tốt và tận tâm. Đây là việc làm mang ý nghĩa nhân đạo của nhà chùa. Thăm mái ấm, tôi rất thương trẻ em ở đây nên đã đi vận động các tấm lòng hảo tâm phụ giúp chùa”.
Thời điểm này, tại mái ấm Đức Quang có hơn 20 người thường xuyên chăm lo nuôi dạy các trẻ. Khó nhọc nhất là khi trẻ bị đau ốm, các thành viên trong mái ấm rất vất vả. Như vào năm 2017, khi ổ dịch tả xảy ra tại mái ấm Đức Quang, các tu sĩ và các thành viên trong chùa Vạn Đức phải thức thâu đêm chăm sóc các em và tích cực đưa các trẻ bị bệnh nặng đến bệnh viện điều trị.
Bé Phạm Đức Lộc bị bệnh não, đích thân Đại đức Thích Lệ Hiếu vận động nguồn quỹ và đưa em sang Singapore điều trị bệnh. Theo Đại đức Thích Lệ Hiếu, nuôi dưỡng các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn là việc làm cần thiết, là nhân duyên của người tu học. Bản thân ông cũng xuất thân từ trẻ mồ côi nên rất thấm thía hoàn cảnh của các em, vì thế hết mực cưu mang, nuôi dưỡng các em nên người. Đại đức Thích Lệ Hiếu tâm sự: “Tôi cũng là đứa trẻ mồ côi. Đó chính là động lực, sự thúc đẩy tôi cố gắng tìm hiểu, học hỏi trên mạng, kinh nghiệm cuộc sống của các cụ ở đây để chăm lo cho các em. Có những giai đoạn khó khăn, tôi cảm thấy như chùn chân, muốn ngã quỵ nhưng tình thương đối với các em đã giúp tôi đứng vững, san lấp được tất cả sự cực nhọc, khốn khó tưởng chừng không thể vượt qua”.
“Có những giai đoạn khó khăn, tôi cảm thấy như chùn chân, muốn ngã quỵ nhưng tình thương đối với các em đã giúp tôi đứng vững, san lấp được tất cả sự cực nhọc, khốn khó tưởng chừng không thể vượt qua”.
Đại đức Thích Lệ Hiếu
Gieo lòng nhân ái
Cơ sở vật chất của mái ấm Đức Quang tại cồn Tam Hiệp đã xuống cấp chật hẹp và quá tải nên năm 2018, một mạnh thường quân ở TP. Hồ Chí Minh đã sang nhượng 7.000 mét vuông đất ở ấp Long An, xã Long Hòa, huyện Bình Đại hiến tặng cho chùa Vạn Đức xây dựng mái ấm Đức Quang. Qua đó, giúp các trẻ có nơi ăn ở khang trang và thuận lợi cho việc đến trường.
Ngoài việc duy trì hoạt động mái ấm Đức Quang, thời gian qua, chùa Vạn Đức còn rất tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội tại nhiều địa phương ở huyện Bình Đại, như: xây nhà tình thương, cứu trợ người nghèo, tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, xây dựng nông thôn mới. Đại đức Thích Lệ Hiếu và chùa Vạn Đức đã vinh dự được các ngành, các cấp ở tỉnh Bến Tre tặng nhiều bằng khen, giấy khen về sự đóng góp trong công tác từ thiện xã hội.
Ông Trương Công Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Tam Hiệp cho biết, thời gian qua chùa Vạn Đức, đặc biệt là trụ trì Thích Lệ Hiếu luôn đi đầu trong công tác an sinh xã hội, đóng góp tích cực vào sự phát triển của vùng đất cù lao này. “Mái ấm Đức Quang và chùa Vạn Đức đóng góp rất nhiều cho địa phương bằng tấm lòng thiện nguyện. Đặc biệt với những trẻ em bị bỏ rơi, chùa đem vô cưu mang, nuôi dưỡng, ý nghĩa rất nhân văn. Những đứa trẻ hoàn cảnh đó nếu không có ai nuôi dưỡng thì không biết sẽ ra sao”, ông Mẫn nói.
Không chỉ lo nuôi dưỡng các cháu bị cha mẹ, người thân bỏ rơi mà hiện nay chùa Vạn Đức, mái ấm Đức Quang còn canh cánh nỗi lo công ăn việc làm cho các em khi trưởng thành. Đại đức Thích Lệ Hiếu cho biết, sẽ tiếp tục vận động xây dựng nguồn quỹ chăm lo việc ăn học cho các trẻ để sau này trẻ có thể trở thành người hữu ích cho xã hội: “Cuối tuần tôi có buổi nói chuyện hướng nghiệp cho các em, khuyên các em cố gắng học hành tốt. Em nào có duyên ở trong chùa thì nhà chùa cho các em đi học các lớp Phật học. Em nào không có duyên với chùa thì sẽ hướng nghiệp các em đi học nghề theo sở thích. Chùa phải bảo bọc đến khi nào các em có cái nghề trong tay. Em nào không đi học nghề thì chùa sẽ đứng ra xin cho các em đi làm tại một công ty nào đó để các em có cuộc sống ổn định”.
Trong thời buổi kinh tế thị trường, giữa những bon chen danh lợi, nghĩa cử cao đẹp, lòng vị tha, nhân ái của các thành viên chùa Vạn Đức, mái ấm Đức Quang và đại đức Thích Lệ Hiếu rất đáng trân trọng. Những việc làm của họ đã hồi sinh những mảnh đời bất hạnh nơi đây./.
Mái ấm của trẻ mồ côi