Nơi lấy tình người gieo mầm thiện

Trại giam Xuân Phước (thuộc Cục V26-Bộ Công an) không chỉ là nơi để phạm nhân chấp hành án phạt, mà thực sự là môi trường giáo dục giúp họ sớm phục thiện, vươn lên làm lại cuộc đời

Đã 25 năm trôi qua nhưng Thiếu tá Phạm Văn Huật-Đội trưởng đội Tham mưu tổng hợp Trại giam Xuân Phước-thuộc Cục V26-Bộ Công an vẫn chưa quên cái cảm giác bỡ ngỡ ban đầu khi về làm nhiệm vụ ở trại giam. Ngoài sự lạ lẫm với công việc hoàn toàn mới lạ là những khó khăn về điều kiện sống và sinh hoạt, cộng vào đó là bệnh sốt rét hành hạ. Bệnh sốt rét đã cướp đi sinh mạng của 9 cán bộ chiến sĩ nơi đây. Thế nhưng, khi thấy mình đã góp phần cảm hóa, giáo dục những người phạm tội để đưa họ về  hòa nhập với cộng đồng là việc làm có ý nghĩa đã gắn bó anh với trại.

Trại giam Xuân Phước (Phú Yên) thường xuyên quản lý cải tạo hàng ngàn phạm nhân, hầu hết có mức án tù 10 năm đến chung thân. Mỗi phạm nhân có một cuộc đời và hoàn cảnh dẫn đến phạm tội khác nhau. Có nhiều đối tượng tên tuổi trong giới giang hồ tứ chiếng, từng cầm đầu các băng, nhóm tội phạm hình sự gây ra nhiều vụ trọng án. Không ít kẻ từng giết người không gớm tay, cũng có kẻ vì trình độ thấp kém không biết pháp luật mà dẫn đến phạm tội….

Phần lớn các phạm nhân, nhất là những phạm nhân có mức án cao khi vào trại đều có biểu hiện chống đối, không chấp hành nội quy khi ở những trại khác. Tuy nhiên khi được chuyển về trại Xuân Phước đều thay đổi và chấp nhận cải tạo tốt. Để có được điều này, bên cạnh công tác giáo dục chính trị, pháp luật, rèn luyện quy chế kỷ luật và thực thi nghiêm túc Pháp lệnh thi hành án phạt tù, cán bộ quản giáo của trại Xuân Phước phải nghiên cứu rất kỹ hồ sơ từng phạm nhân, tiếp cận và tìm hiểu gia cảnh, tâm lý, trình độ kiến thức của họ trước khi phạm tội. Chính sự chịu khó nghiên cứu hoàn cảnh, tâm lý và tính cách của đối tượng mà các anh đã chủ động hơn trong việc cảm hóa giáo dục phạm nhân. Dùng tình cảm để cảm hóa, để họ phải tâm phục khẩu phục, rũ bỏ tội lỗi mà trở lại làm người lương thiện.

Thượng tá Phạm Xuân Thủy-Giám thị, Trưởng trại giam Xuân Phước cho biết: “Tất cả phạm nhân khi vào trại đều nhận thức được hành vi phạm tội của mình. Nhiều người lĩnh án chung thân, có người 20-30 năm, nên có người không tránh khỏi suy nghĩ  tiêu cực. Chúng tôi đã gần gũi, phân tích rõ ràng quan điểm đường lối của Đảng, Nhà nước là “đánh kẻ chạy đi, chứ không đánh người chạy lại”. Họ đã nhận thức và xác định đúng về môi trường cải tạo. Không có gì bằng sự quan tâm gần gũi, giúp đỡ giáo dục trong môi trường cải tạo”.

Trung tá Ngô Đình Lư-đội trưởng trinh sát của trại cũng cho biết: “Có những đối tượng bị mức án cao, có hành động chống đối quyết liệt ở các trại giam khác chuyển đến, chúng tôi đã có kế hoạch gặp gỡ giáo dục để họ yên tâm cải tạo”.

Đối với phạm nhân về nhập trại, sau thời gian một tuần học tập chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như những quy định của trại, giáo dục công dân, pháp luật… đồng thời phối hợp với các cơ quan của địa phương tuyên truyền giáo dục về bảo vệ sức khỏe, phòng chống HIV/AIDS, các bệnh truyền nhiễm… các phạm nhân được phân về các đội sản xuất hoặc các đội gia công để học nghề. Mỗi sáng bước ra sân, phần thiện trong tâm phạm nhân sẽ được đánh thức bởi những dòng chữ lớn trước cổng “Lao động hăng say, mau phục thiện. Học tập chuyên cần, sớm hoàn lương”. Từ môi trường lao động không chỉ tạo ra sản phẩm kinh tế, mà hiệu quả lớn hơn là vấn đề hướng nghiệp cho phạm nhân để khi trở về cộng đồng họ có điều kiện mưu sinh chân chính.

Mặc dù bị cách ly khỏi cộng đồng xã hội, nhưng phạm nhân ở trại giam Xuân Phước luôn được cập nhật thông tin chính trị, kinh tế-xã hội và pháp luật thông qua các buổi sinh hoạt, nghe đài, xem ti vi, đọc sách báo; những ngày nghỉ được xem phim khoa giáo, hoạt động văn nghệ thể thao. Mỗi phân trại đều có đội bóng chuyền, bóng đá và văn nghệ để giao lưu thi đấu trong những ngày lễ, ngày Tết. Rất nhiều phạm nhân khi vào đây hoàn toàn mù chữ, được trại bố trí cho học lớp xóa mù, chỉ sau một thời gian ngắn đã tự viết thư gửi về gia đình và đọc được sách báo.

Vào thời điểm đầu những năm 2000, người dân tỉnh Bình Thuận đều khiếp sợ khi nghe tiếng băng nhóm Hai Chi. Cuối cùng Hai Chi cũng phải vào tù với các tội giết người, cướp tài sản, đánh bạc, cố ý gây thương tích... Phạm nhân Hai Chi-tên thật là Nguyễn Thanh Gương trú ở huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận vào trại Xuân Phước đầu năm 2008. Sau thời gian được cảm hóa giáo dục, Hai Chi đã hối cải và thực hiện cải tạo tốt. Phạm nhân Hai Chi  nói: “Tôi thấy mức án tuyên phạt tổng hình phạt 19 năm hoàn toàn phù hợp với những gì mình đã gây ra. Tất cả quản giáo đều tạo điều kiện thuận lợi và động viên tôi trong quá trình cải tạo, chấp hành án”.

Phạm nhân Huỳnh Văn Tuy là một người lao động bình thường ở thị xã La Gi- tỉnh Bình Thuận. Trong một trận nhậu, chỉ vì gây gổ đánh nhau mà dẫn đến giết người phải nhận mức án chung thân. 14 năm ở trại giam Xuân Phước là 14 năm phải trải qua bao day dứt, hối hận. Được sự giúp đỡ, giáo dục của những cán bộ quản giáo mà  phạm nhân Huỳnh Văn Tuy yên tâm cải tạo để chờ ngày được giảm án về với cộng đồng. “Từ ngày nhập trại ở Xuân Phước, cán bộ ở đây đã giúp đỡ tôi nhận thức được sự sai trái của mình. Tôi rất ăn năn và cố gắng cải tạo tốt để sớm để trở về với gia đình”.

Chúng tôi đến trại Xuân Phước đúng vào dịp trại  tổ chức xét duyệt để đề nghị đặc xá phạm nhân đợt 2/2009 theo Quyết định 1002 của Chủ tịch nước. Công tác xét duyệt được triển khai đúng quy định. Những phạm nhân được đề nghị đặc xá thì với niềm vui sớm được trở về với cộng đồng, còn những phạm nhân chưa được xét duyệt ở lại để học tập, cải tạo tốt và chờ đến những lần giảm án, đặc xá năm sau./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên