Nỗi lo mất rừng cùng nỗi lo mất cán bộ: Rừng tan hoang, cán bộ “xin hàng”
VOV.VN - Mất rừng tại Tây Nguyên vẫn đang là vấn đề nhức nhối. Đáng chú ý, trong bối cảnh rừng bị tàn phá nghiêm trọng, nhiều cán bộ đã “xin hàng”, xin nghỉ việc, nhiều chủ rừng đã buông tay bất lực.
Trong khi đó, một bộ phận không nhỏ cán bộ lại bắt tay với lâm tặc thậm chí biến thành lâm tặc. Cán bộ phá rừng, chiếm đất bị phát hiện ngày càng nhiều. Nghiêm trọng hơn là trong khi bảo vệ rừng vốn đã khó khăn, nguồn lực đầu tư cho lâm nghiệp vốn đã ít ỏi, thì còn bị xà xẻo, tham nhũng, khiến cho tình hình càng tồi tệ. Đây thực sự là một nỗi lo lớn, vì vừa lo mất rừng vừa phải đề phòng chính cán bộ được giao chức trách, nhiệm vụ bảo vệ rừng.
Đề cập vấn đề này, PV VOV thường trú khu vực Tây Nguyên có loạt bài “Nỗi lo mất rừng đi cùng nỗi lo mất cán bộ”.
Dọc theo con đường mòn xuyên qua tiểu khu 1148, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông, xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, nham nhở những cánh rừng vừa bị chặt hạ, đốt phá. Đứng bên thân cây gỗ lớn đã bị cháy đen chết đứng nhưng còn treo tấm biển “cấm chặt phá, đốt rừng, lấn chiếm đất rừng”, chúng tôi ghi nhận hàng loạt cây gỗ lớn, gỗ nhỏ bị cháy nham nhở, nằm ngổn ngang. Nhiều gốc cây bị cưa hạ, đường kính đến hai người ôm.
Tiếp tục đi sâu vào rừng, ngút tầm mắt là những ngọn đồi nối tiếp nhau đã cơ bản bị cạo trọc từ chân lên tới đỉnh. 5 tháng đầu năm 2021, công ty phát hiện đến 427 vụ, làm thiệt hại khoảng 105ha rừng. Bất ổn hơn, khi rà soát ghi nhận diện tích rừng suy giảm giai đoạn 2014-2020 lên đến hơn 2.500ha.
Ông Nguyễn Đức Trường, Trưởng Phân trường số 1, Công ty Lâm nghiệp Krông Bông, thừa nhận sự bất lực trước tình trạng phá rừng diễn ra nghiêm trọng, mất kiểm soát thời gian qua.
“Phá rừng bây giờ tinh vi lắm. Chúng có người cảnh giới, mạng viễn thông phủ khắp rồi, anh em đi làm chúng thông báo cho nhau, cho nên việc phát hiện, trực tiếp bắt đối tượng đốt phá rừng là rất khó. Anh em đã làm hết khả năng rồi nhưng không thể ngăn chặn tình trạng phá rừng như bây giờ”, ông Trường thừa nhận.
Tương tự như Krông Bông, tình trạng phá rừng có dấu hiệu mất kiểm soát, bất lực trước nạn phá rừng, chiếm đất đang diễn ra phổ biến ở Tây Nguyên. Hàng loạt các đơn vị phát hiện bị mất rừng nghiêm trọng, từ hàng trăm đến hàng nghìn héc ta mỗi đơn vị. Đi đến đâu, rừng cũng tan hoang.
Ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông phân tích, cùng với những yếu kém của chủ rừng thì còn có nguyên nhân lớn từ cơ chế, chính sách dành cho lâm nghiệp và cho người bảo vệ rừng còn bất cập.
“Các quy định, cơ chế, chính sách chưa thực sự rõ ràng, phù hợp. Địa bàn thì rộng, áp lực về dân cư, kinh tế, xã hội lên công tác quản lý, bảo vệ rừng rất lớn. Trong lúc đó, nguồn lực hoạt động của các công ty hoạt động rất thiếu, đặc biệt kinh phí và con người để bảo vệ rừng”, ông Dần cho hay.
Trong khi rừng đang bị tàn phá, người bảo vệ rừng vốn đã rất thiếu thì nay, tại nhiều đơn vị, hàng loạt cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng “xin hàng”, làm đơn nghỉ việc.
Lý do là vì diện tích rừng được giao lớn, trách nhiệm nặng nề, áp lực cao nhưng giao quyền không rõ, công cụ hỗ trợ không có, cán bộ bảo vệ rừng luôn trong thế yếu trước lâm tặc. Trong khi đó, thu nhập rất thấp, đời sống của những người trực tiếp bảo vệ rừng không đảm bảo.
Tại Công ty Lâm nghiệp Krông Bông, trong 3 năm qua có 16 cán bộ, chủ yếu là kỹ sư, giữ chức vụ lãnh đạo cấp phòng, phân trường, xin nghỉ việc. Còn tại Công ty Lâm nghiệp Ea Kar, chỉ trong vòng hơn 1 năm qua, 17/45 cán bộ, lãnh đạo, nhân viên xin nghỉ việc. Một cán bộ tại Công ty Lâm nghiệp Ea Kar cho biết, 3 trong số 5 cán bộ ở phân trường đã nghỉ việc và bản thân anh cũng đã làm đơn xin nghỉ, đang chờ được giải quyết.
“Mức lương của tôi là 3,2 triệu đồng, phải thêm tiền túi để đi làm. Với lại áp lực công việc khó khăn hơn nữa, nhân lực không đủ để quản lý. Ngoài ra, nếu để phá rừng cũng quy trách nhiệm người chủ quản khu vực đó. Nếu quy trách nhiệm về pháp luật thì không gắn bó được. Nói chung là trên đe, dưới búa vậy, khiến chúng tôi rất lo lắng, khó gắn bó nổi”, vị cán bộ này chia sẻ.
Không chỉ bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật trong quản lý, bảo vệ rừng, nhiều chủ rừng cho rằng, việc thiếu sự phối hợp của chính quyền, ngành chức năng địa phương trong xử lý các vụ việc vi phạm là nguyên nhân khiến họ phải đầu hàng trước nạn phá rừng, chiếm đất.
Ông Nguyễn Đức Phúc, Giám đốc Công ty cổ phần du lịch sinh thái Phương Nam, tỉnh Lâm Đồng nêu ý kiến: “Tôi trồng rừng, họ lấy máy cưa ra cưa. Tôi bắt giữ và lập biên bản bàn giao nhưng rồi cũng không ai giải quyết hết. Lý do là gọi cho ông chủ tịch xã thì ông ấy nói để gọi nhân viên tới, nhưng chờ qua đêm tối thì bản thân tôi làm sao giữ được người, mà như vậy thì coi như thua”.
Khi đã bất lực, đầu hàng trước nạn phá rừng, nhiều chủ rừng, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân được giao, cho thuê rừng tại Tây Nguyên đã bỏ mặc cho rừng bị tàn phá dẫn đến hàng loạt diện tích rừng bị phá trắng. Như tại huyện Ea Súp, nơi có nhiều dự án cho tư nhân thuê rừng nhất tỉnh Đắk Lắk với gần 30 dự án, tổng cộng 17.000 ha hầu như đã không còn dấu vết của rừng.
“Hầu như không làm gì được, rừng bị phá hết. Ký cho họ vào đây làm, họ không thực hiện, buông bỏ, rừng bị phá thoải mái, dân lấn chiếm hết. Bây giờ trách nhiệm thuộc về ai, ai làm công việc này. Mình thấy rõ ràng, kể cả huyện cũng nhìn thấy không hiệu quả mà sao cứ vậy thôi”, một lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp nêu thực trạng.
Với thực trạng rừng đang bị tàn phá tan hoang cho thấy cuộc chiến giữ rừng ở Tây Nguyên đang có phần nghiêng về phía lâm tặc. Trong bối cảnh đó, nhiều người lựa chọn “xin hàng”, rời khỏi ngành để thoát áp lực, tránh bị truy trách nhiệm, truy cứu về pháp lý. Nhưng đáng buồn hơn là một bộ phận không nhỏ cán bộ, lãnh đạo các đơn vị chủ rừng, chính quyền, ngành chức năng không nghỉ việc nhưng lại chuyển sang hàng ngũ của lâm tặc, móc nối, tiếp tay hoặc trực tiếp đi phá rừng, lấn chiếm đất rừng.
Nghiêm trọng hơn nữa là trong khi, nguồn lực đầu tư dành cho lâm nghiệp vốn đã ít ỏi, thì chúng lại còn bị xà xẻo, tham nhũng. Vấn đề nóng bỏng và bức xúc này, chúng tôi sẽ đề cập trong kỳ sau với nhan đề Báo động nạn “ăn rừng”./.