Nỗi niềm cha mẹ nghèo đưa con lên thủ đô thi Đại học

Tuy khó khăn, vất vả và thiếu thốn về vật chất nhưng những ông bố, bà mẹ nghèo đều hy sinh tất cả với hy vọng con mình sẽ đỗ đạt…  

Những giọt mồ hôi lăn dài trên gò má ngăm đen, dáng người gầy guộc, bác Trần Doãn Hành (quê ở Nam Định) luôn hướng về phía trường ĐH Bách Khoa Hà Nội- nơi con gái đang làm bài thi ĐH. Chốc chốc, lại thấy bác nhìn đồng hồ, rồi lại đứng lên, ngồi xuống không yên.

Người cha này luôn theo sát con trai mình trước khi bước vào phòng thi (Ảnh: Đồng Hiếu)
Lại gần hỏi chuyện, phóng viên VOVonline được biết, đây là lần thứ 5, bác Hành lên Hà Nội đưa con đi thi ĐH. Bốn lần trước đưa con đi thi thì cả 4 người con của bác đều thi đỗ. Người thì đã đi làm, người vẫn còn đang đi học. Lần này ra Hà Nội đưa con gái út đi thi, bác vẫn cảm thấy bồn chồn, lo cho con đến không ngủ được.

Tâm sự với chúng tôi, bác Trần Doãn Hành cho biết: “Nếu như con gái tôi lo lắng cho kỳ thi 1 phần thì tôi phải lo gấp 10 lần. Con tôi hay ốm đau nên tôi lo cháu ôn tập quá sức sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe. Sáng sớm nay, cháu thấy hoa mắt, chóng mặt, tôi lo điều này sẽ ảnh hưởng đến kết quả làm bài của cháu”.

Bác Hành đưa con gái lên Hà Nội đi thi từ hôm 2/7, loay hoay tìm nhà trọ mãi bác mới tìm được một chỗ gần địa điểm thi của con, với giá là 200.000 đồng/ngày. Ba ngày thuê phòng trọ cộng với tiền ăn uống, đi lại, bác tính ra cũng phải đến 2 triệu đồng.

Bác Trần Doãn Hành

Để có số tiền này, bác phải bảo 2 đứa con lớn đã có nghề nhưng vẫn còn chật vật với cuộc sống ở chốn đô thị đưa tiền cho vì lâu nay, vợ chồng bác không có đủ sức khỏe để cấy cày hay làm thêm công việc phụ gì.

Hai sào ruộng gia đình bác cho thuê nhưng tiền cũng chẳng đủ để khám chữa bệnh, thuốc thang cho bác gái bị bệnh tim mạch, tiểu đường từ nhiều năm nay và lo ăn, học cho 3 người con.

Bác Hành cho biết, tuy chật vật với cuộc sống nhưng gia đình lúc nào cũng chỉ mong các con học hành đến nơi đến chốn, để có cái nghề mưu sinh cho đỡ vất vả sau này.

Khác với bác Trần Doãn Hành, đây là lần đầu tiên, chị Hoàng Thị Hồng, quê ở Quảng Thành, tỉnh Thanh Hóa đưa con trai cả lên Hà Nội thi ĐH. Chân ướt chân ráo, chưa quen với nhịp sống đô thị, chị và con trai bối rối không biết tìm nhà trọ ở đâu thì được các thanh niên tình nguyện giới tìm phòng trọ giá rẻ. Trong mấy ngày thi, chị và con trai đều được ăn cơm miễn phí từ Thành Đoàn Hà Nội phát cho.

Chị Hồng kể: “Vùng quê tôi ở đất trồng lúa đã đưa vào quy hoạch gần hết. Gia đình tôi có 3 sào lúa nay chỉ còn 1 sào. Gia đình được địa phương đền bù cho 2 sào lúa, vợ chồng tôi đã lấy đi trả nợ vì trước đó chăn nuôi lợn, gà đều bị thất thoát do mấy đợt dịch cúm gia cầm.

Còn lại 1 sào ruộng, vợ chồng tôi cấy cày mà vẫn không đủ sinh hoạt và nuôi các con. Vì vậy, chồng tôi phải đi làm phụ hồ thêm, nhưng đồng lương chẳng được là bao khi phải nuôi cả gia đình 5 miệng ăn. Lần đầu tiên lên thủ đô đưa con đi thi, được sự trợ giúp của Thành Đoàn Hà Nội và các sinh viên tình nguyện, tôi thấy mình đỡ vật vả, tốn kém hơn rất nhiều”.

Bác Văn Dương

Trước khi đưa con đi thi, bác Văn Dương, thôn Đại Nội, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc đã phải bán đi 10 yến gạo. Năm nay đã 60 tuổi, trên đầu đã có hai thứ tóc, vợ chồng bác cũng chỉ trông vào 3 sào ruộng để nuôi 3 con ăn học.

Bác Văn Dương chia sẻ: “Ở quê tôi, có gạo sẵn, rau thì ra vườn hái là có được bữa cơm nhưng lên Hà Nội, cái gì cũng đắt đỏ. Tính nhẩm tiền tàu xe, thuê phòng trọ và ăn uống, tôi tiết kiệm lắm mới đủ cho con đi thi. Thôi thì tốn kém cũng được, tôi chỉ mong con đỗ đạt thành tài và có công ăn việc làm ổn định, không phải vất vả như bố mẹ”.

Năm nào mỗi độ đến kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, hàng trăm nghìn ông bố, bà mẹ từ các vùng, miền đưa con lên Hà Nội đi thi đều phải vất vả tìm phòng trọ và cố gắng tằn tiện để đảm bảo điều kiện tốt nhất con mình yên tâm lên trường thi.

Tuy đến từ những vùng miền với hoàn cảnh kinh tế khác nhau, nhưng họ đều có chung một niềm hy vọng là con mình sẽ đỗ đạt./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên