Nỗi niềm người lao động “bị nghỉ Tết”
VOV.VN - Theo Sở LĐ-TB-XH TPHCM, trong 2 tháng qua trên địa bàn có 110.000 người lao động bị ảnh hưởng trong đó hơn 6.300 người mất việc. Với những công nhân bị “nghỉ Tết sớm”, trăn trở lúc này không phải là mua cái gì, sắm ở đâu mà là làm gì để có thu nhập trang trải qua ngày.
Một buổi chiều cuối năm, chúng tôi có dịp ghé qua xóm trọ công nhân tại số 54/8 đường Hồ Học Lãm, quận Bình Tân (TP.HCM). Hơn 1 tháng nay, xóm trọ này trở nên nổi tiếng với cái tên “hẻm cạo gừng”. Con hẻm trọ dài chừng 25 mét nhưng có đến 5 7 nhóm người đang chúi đầu bào bào cạo cạo trong một không gian đặc quánh mùi gừng tươi.
Kể từ ngày đặt chân lên TP.HCM, chị Nguyễn Thị Nguyên (32 tuổi, quê Bạc Liêu) đã gắn bó hơn 10 làm công nhân tại công ty Tỷ Hùng. Cách đây hơn 1 tháng chị nhận được quyết định nghỉ việc.
Không thể “ăn ở không” trong khi đủ thứ chi phí phải trả, chị Nguyên đành phải nhận cạo vỏ gừng cho các cơ sở làm mứt Tết với mức thu nhập 4.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với đồng lương công nhân trước đó.
"Chỉ đủ mua đồ ăn thôi chứ không đủ cho con đi học, chưa hề mua gì cho mấy đứa nhỏ, mọi năm giờ này tính tới chuyện mua quần áo cho con nhưng năm nay không tính gì luôn. Em còn không biết mình mất việc vì đang làm ngon trớn đâu nghĩ gì, tới chừng thông báo là nghỉ rồi đền mình 2 tháng lương", chị Nguyên cho biết.
Cùng chung xóm trọ, chị Lê Thị Xinh (44 tuổi, quê Bến Tre) cho biết đã gắn bó với công ty Tỷ Hùng hơn 20 năm, dù đồng lương công nhân không quá cao nhưng cũng đủ trang trải và gửi về quê cho gia đình.
Đột ngột mất việc vào thời điểm cận Tết, chị Xinh đã cố gắng tìm việc ở nhiều nơi nhưng đều bị từ chối vì lớn tuổi. Trong lúc chờ nhận bảo hiểm thất nghiệp 1 lần, chị Xinh đành chấp nhận việc cạo gừng với mức thu nhập có còn hơn không.
"Cũng định làm tới nghỉ hưu nên mới để bảo hiểm hưu, ai ngờ công ty đột ngột báo nghỉ việc chị cũng bất ngờ, hụt hẫng lắm. Ở đây nào nhà trọ, tiền điện tiện nước rồi con cái đi học nữa nên ai mướn gì làm nấy, ráng bươn chải chứ gần Tết xin việc ở đâu cũng khó khăn, qua Tết rồi tính tiếp", chị Xinh chia sẻ.
Cách phòng trọ của chị Nguyên, chị Xinh không xa là vợ chồng anh Nguyễn Văn Cảm (38 tuổi, quê Sóc Trăng) đang say sưa cạo vỏ gừng bằng đít vỏ lon bia. So với thu nhập vài trăm ngàn/ ngày khi còn là công nhân xây dựng thì gần 2 tháng nay, vợ chồng anh Cảm bạc mặt từ sáng đến chiều tối mới cạo được vài chục kg gừng với tiền công trên dưới 100.000 đồng.
"Cạo gừng như vầy 2 vợ chồng chừng 20kg/ngày, nếu chịu khó cạo tới 9, 10 giờ tối thì được 30, 40kg. Mình xứ lạ lên đây, người ta cho mướn phòng thì mình ở, còn bớt hay không mình cũng không đòi hỏi được. Mấy năm trước thì công việc nó đều, năm nay gần Tết ai ở xóm này cũng vậy, không chỉ riêng mình", anh Cảnh cho biết.
Tại buổi làm việc mới đây về tình hình lao động, việc làm, lương thưởng Tết của công nhân, người lao động trên địa bàn TPHCM, thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh bày tỏ sự thông cảm với người lao động bị giảm việc hay mất việc, đồng thời yêu cầu chính quyền TP.HCM phải kịp thời hỗ trợ: "Phải đôn đốc người sử dụng lao động có trách nhiệm với người lao động, đặc biệt trong dịp tết này rất nhạy cảm. Có doanh nghiệp nào không thưởng không, nếu không thưởng phải đến tận nơi tìm hiểu lý do vì sao không thưởng"./.