Nóng buôn lậu tuyến biến giới Tây Nam vào mùa cao điểm
(VOV) -Các đối tượng vận chuyển hàng cấm, hàng lậu dùng mọi thủ đoạn để tuồn hàng qua biên giới
Dù đang trong cao điểm tuần tra kiểm soát đầu năm nhưng tại An Giang nạn vận chuyển hàng lậu qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp. Với đường biên dài gần 100 km, có nhiều tuyến kênh rạch chạy dọc biên giới giáp với Campuchia, địa phương này được xem là một trong những “điểm nóng” về tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại. Trong đó, các đối tượng vận chuyển hàng cấm, hàng lậu dùng mọi thủ đoạn để tuồn hàng về Việt Nam.
Buôn lậu đang nóng ở tuyến biên giới Tây Nam (Ảnh: Đất Việt) |
Tại xã Vĩnh Nguơn, thị xã Châu Đốc, một trong những tuyến đường thủy nối liền Camphuchia và Việt Nam, không khó để bắt gặp những hình ảnh dân địa phương đai vác hàng từ phía Campuchia sang các điểm nhận hàng tại biên giới Việt Nam. Thủ đoạn mà các đầu nậu thực hiện nhiều năm qua để các mặt hàng lậu tuồn được sâu vào nội địa chính là thuê mướn người khuân vác nhỏ lẻ nhiều lần từ các tuyến đường ven biên giới hai nước và những con đường mòn của cửa khẩu và tập kết về sạp tại trung tâm chợ hoặc trong nhà dân. Thời gian hoạt động chủ yếu từ 3 giờ đến 5 giờ hoặc vào lúc giữa trưa nhằm tránh sự kiểm soát của các lực lượng chức năng.
Theo các lực lượng chống buôn lậu thuộc Cục Hải quan tỉnh An Giang cũng như lực lượng biên phòng tỉnh, thời gian gần đây tình hình buôn lậu nơi đây ngày càng tinh vi hơn. Khi lực lượng chức năng vắng mặt, hoạt động buôn lậu lại diễn ra sôi nổi. Bất kể đêm hay ngày, hàng trăm tấn đường cát và thuốc lá ngoại được vận chuyển qua đây.
Tại cánh gà cửa khẩu Vĩnh Xương, xe chở hàng lậu luôn tấp nập. Ở thị trấn Long Bình, huyện An Phú - điểm nóng về buôn lậu trên tuyến biên giới, việc truy bắt những đối tượng buôn lậu hết sức khó khăn. Bởi 2 bên biên giới chỉ cách nhau 1 con sông nhỏ mang tên Bình Di. Còn tại phà Tân An, nối liền thị xã Tân Châu với thị xã Châu Đốc, xe chở đường cát không rõ nhãn mác nằm xen lẫn với xe của hành khách. Mới đây, lực lượng chống buôn lậu còn phát hiện 15 máy gặt đập liên hợp hiệu Kubota sản xuất tại Thái Lan nhập lậu vào Việt Nam. Đây là mặt hàng lậu mới xuất hiện. Hầu hết các máy đã qua sử dụng, có giá bán từ 185 - 450 triệu đồng/máy, thấp hơn ở Việt Nam khoảng 100 - 150 triệu đồng/máy. Vì vậy, dân buôn lậu đưa máy về ĐBSCL để bán kiếm lời. Đại úy Hồ Phi Long, Phó đồn trưởng Đồn biên phòng Vĩnh Nguơn nêu rõ khó khăn do đặc điểm địa hình đồng bằng nên dân buôn lậu di chuyển ở mọi nơi. Không theo đường mòn cố định. Ngăn chặn nơi này thì chuyển qua nơi khác. Bên cạnh đó, phương tiện thủy trang bị còn hạn chế. Đối tượng buôn lậu sử dụng phương tiện tốc độ cao. Có khi chúng manh động đâm thẳng vào các chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ.
Số liệu từ Ban chỉ đạo 127 An Giang, đến cuối năm 2012, các lực lượng chức năng đã phát hiện bắt giữ gần 2.200 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, tổng trị giá trên 43 tỷ đồng. Nếu như ở phía Bắc là các mặt hàng rượu giả, pháo, thực phẩm các loại thì ở tuyến biên giới Tây Nam, đường cát, thuốc lá ngoại, quần áo cũ, mỹ phẩm, vàng, ngoại tệ ... được nhập lậu nhiều nhất vì đây là những mặt hàng có lợi nhuận cao.
Có thể nói, với chiều dài gần 100 km đường biên giới với những khu vực xác định đường biên chỉ là cánh đồng, con sông nhỏ, số hàng hóa nhập lậu qua biên giới An Giang mỗi ngày là không hề nhỏ. Chính vì thế, hiện nay, các chốt chặn của lực lượng liên ngành đã được triển khai nhằm ngăn chặn hiệu quả nạn buôn lậu được dự báo sẽ gia tăng trong những ngày cận Tết Nguyên đán. Đại tá Nguyễn Thượng Lễ, Chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang cho rằng: Các lực lượng chống buôn lậu, công an, hải quan, quản lý thị trường, biên phòng... đều gặp khó khi buôn lậu chủ động theo dõi, đối phó. Và khi có động chúng chuyển hàng theo kiểu nhỏ lẻ, tinh vi chứ không đi thành đoàn hay ghe tàu lớn. Chúng thuê dân địa bàn đai hàng lậu nên công tác phòng chống thật sự có điểm khó.
Theo nhận định của Ban Chỉ đạo 127 tỉnh An Giang, từ nay đến cuối năm, tình hình buôn lậu sẽ diễn biến phức tạp. Địa bàn trọng điểm trên tuyến biên giới này được xác định thuộc khu vực xã Vĩnh Ngươn của thị xã Châu Đốc, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên và các xã Khánh An, thị trấn Long Bình, huyện An Phú. Các mặt hàng được vận chuyển nhiều bao gồm thuốc lá điếu, đường cát, mỹ phẩm, phụ tùng ô tô...
Nhằm hạn chế tình trạng buôn lậu gia tăng khi Tết Nguyên đán Quý Tỵ đang đến gần, tỉnh đã thành lập đoàn công tác liên ngành luân phiên tuần tra dọc tuyến biên giới, tuyến quốc lộ 91, các tỉnh lộ, các tuyến đường thủy, địa bàn trọng điểm. Xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại đối với những mặt hàng thiết yếu, các hành vi lợi dụng chính sách miễn thuế để buôn lậu, trốn thuế, nhập khẩu hàng giả, không rõ nguồn gốc… Ông Phan Lợi, thường trực Ban chỉ đạo 127, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang khẳng định: “Các đơn vị chống buôn lậu của tỉnh đã có sự phối hợp chặt chẽ. Qua đó tập trung tuần tra, quản lý thị trường xuyên suốt và tập trung. Ở tuyến biên giới các lực lượng tiến hành tuần tra nghiêm ngặt. Còn trong nội địa quản lý thị trường cùng với các ngành tập trung kiểm tra. Sẽ thực hiện nghiêm khi phát hiện hàng lậu".
Bức xúc trước nạn buôn lậu đã tồn tại nhiều năm qua và thường tấp nập, “ồn ào” hơn vào dịp cận Tết, nhiều người dân sinh sống ở khu vực biên giới khi tiếp xúc với chúng tôi đã bày tỏ quan điểm và hỏi rằng: “Có phải bọn buôn lậu ở đây đã lờn mặt cơ quan chống buôn lậu hay không mà hàng lậu cứ qua lại biên giới như cơm ăn ngày hai bữa?”. Câu hỏi này, với chúng tôi thật khó lý giải, xin chuyển tâm tư, bức xúc của người dân vùng biên giới đến các cơ quan có trách nhiệm của tỉnh An Giang./.