Nông dân ĐBSCL điêu đứng vì “trồng lúa lúa khô, nuôi ngao ngao chết”

VOV.VN - Xâm nhập mặn nghiêm trọng đã khiến 1,5 triệu người không có thu nhập từ cây lúa; trong khi cây ăn trái, ngao, hàu cũng chết dần.

Tại hội nghị Đối tác phát triển và các nhà tài trợ quốc tế về tình hình hạn hán và xâm nhập mặn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, diễn ra chiều 15/3 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát khẳng định: Hạn hán và xâm nhập mặn ở 3 khu vực trên hiện nay là tình huống thiên tai “có tính chất lịch sử” của Việt Nam.

Nông dân điêu đứng vì “chỗ nào cũng mặn”

Ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, Bến Tre là một trong những tỉnh chịu nặng nề nhất do xâm nhập mặn. Với 4/9 nhánh sông Mê Kông đổ qua tỉnh này, hiện nước mặn “trào ngược” đã bao vây 160/164 xã. Trong khi Bến Tre không có nguồn nước ngọt nên “ở đâu cũng mặn”. Ngay cả nhà máy nước trung tâm TP Bến Tre, độ mặn đã nhiễm 1 phần nghìn.

Xâm nhập mặn và hạn hán đang diễn ra khốc liệt ở ĐBSCL, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên (Ảnh minh họa)

Xâm nhập mặn khiến gần 20.000ha lúa của tỉnh này bị hỏng hoàn toàn, kéo theo hệ lụy là không có rơm làm thức ăn cho bò. Người dân nếu không muốn bán bò thì phải mua 2,5 triệu tiền rơm mỗi tháng từ Đồng Tháp.

Bên cạnh đó, vựa cây ăn trái đặc sản của huyện Chợ Lách, Châu Thành cũng bị hư hỏng do người dân tưới nước nhưng “không ngờ mặn lại xâm lấn sâu đến thế”; hơn 400ha ngao, hàu cũng chết khiến bà con nơi đây điêu đứng. Ông Cao Văn Trọng thừa nhận, hiện tượng này tác động xấu đến những hộ nghèo và cận nghèo, khiến họ ngày càng kiệt quệ.

“Tỉnh đã cho sà lan chở nước từ Vĩnh Long về ưu tiên phục vụ các nhà máy chế biến thực phẩm; các khoa chạy thận, dinh dưỡng của bệnh viện; những trường học có trẻ bán trú; các khách sạn 3, 4 sao. Chúng tôi huy động cả xe của lực lượng phòng cháy chữa cháy đi chở nước cho nhân dân. Tỉnh cũng vận động xã hội hóa, người có nước chia cho người không có” – ông Cao Văn Trọng chia sẻ.

Chủ tịch tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng đề xuất xin chuyển lúa 3 vụ thành 2 vụ, khuyến khích nông dân trồng dừa, chuyển đổi 5.000ha đất trồng cỏ nuôi bò thịt…

Nói về tình trạng xâm nhập mặn tại ĐBSCL, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, khu vực này với 17 triệu dân, sản xuất 1/2 sản lượng lúa của cả nước, xuất khẩu hơn 8 triệu tấn mỗi năm. Tuy nhiên, đến nay lượng nước sông Mê Kông đã giảm 50%, trong khi thủy triều dâng cao bất thường khiến mặn xâm nhập có nơi tới 50 – 70km (sâu hơn trung bình mọi năm 20km).

Điều này khiến 1/2 diện tích khu vực ĐBSCL bị ảnh hưởng, đã có 160.000ha lúa bị thiệt hại, tương đương 800.000 tấn lúa bị mất trắng, 300.000 hộ gia đình với khoảng 1,5 triệu người không có thu nhập từ cây lúa. Dự báo sẽ còn nhiều diện tích lúa, cây ăn quả, thủy sản, gia súc sẽ bị chết và thiệt hại do không có nước ngọt và thức ăn. Hiện có khoảng 1 triệu dân không có nước ngọt, phải đi mua với giá từ 60.000 – 80.000 đồng/mét khối, gấp 8 lần so với giá ở thành phố.

Ông Cao Đức Phát nhận định, tình trạng xâm nhập mặn và hạn hán sẽ rất nghiêm trọng và còn khốc liệt hơn nữa trong những tháng tới. Dự báo đỉnh điểm sẽ vào tháng 4, 5, 6 ở ĐBSCL; tháng 4 ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Dự báo Tây Nguyên sẽ có mưa vào tháng 5, 6; nhưng Ninh Thuận và khu vực Nam Trung Bộ có thể tháng 9 mới có mưa trong khi nhiều sông, hồ tại đây đã cạn trơ đáy.

Ông Cao Đức Phát cho biết, Việt Nam đã làm hết sức có thể, tuy nhiên, “cuộc chiến” với thiên tai vẫn còn vô cùng nan giải và chưa biết khi nào có hồi kết. Do đó rất cần sự chung tay vào cuộc của các đối tác quốc tế.

Đâu là giải pháp lâu dài?

TS. Leocadio Sebastian, Viện nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI) cho biết, ở một chừng mực nào đó, xâm nhập mặn có thể dự báo được. Bài học ở đây chính là công tác dự báo để giúp người dân chuẩn bị mùa vụ. IRRI hiện đang trong quá trình triển khai dự án chọn lọc giống chịu hạn, mặn. Khu vực dự án sẽ triển khai gieo cấy giống lúa ngắn ngày 2 vụ để tránh thời điểm nhạy cảm, thay vì 3 vụ như hiện nay.

“Dự án cũng cần hệ thống quan trắc, công nghệ thông tin, dự báo qua điện thoại di động tới bà con nông dân. Dự án đang được phối hợp với Đại học Cần Thơ và chúng tôi cam kết về chương trình này” – ông Leocadio Sebastian khẳng định.

Trong khi đó, Chủ tịch tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng đề nghị tăng cường công tác ngoại giao với các nước thượng nguồn sông Mê Kông để điều chỉnh, khai thác nguồn nước hài hòa. Về ý kiến này, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói: “Rõ ràng trong cùng một lưu vực, những hoạt động đều có tác động qua lại, vì thế cần có sự hợp tác chặt chẽ để cùng phát triển và cùng có lợi”.

Ông Cao Đức Phát cho rằng, một trong những giải pháp phải thực hiện đó là hướng dẫn và hỗ trợ nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, một số công trình bức thiết sẽ được đẩy nhanh tiến độ. Ở ĐBSCL là ưu tiên đầu tư xây dựng các dự án: Hệ thống thủy lợi Ô Môn - Xà No, Quản Lộ - Phụng Hiệp, Nam Măng Thít, phát triển hệ thống thủy lợi vùng Đồng Tháp Mười, Bán đảo Cà Mau và Tứ Giác Long Xuyên.

Ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên đã ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình: Hồ IA Mlá (tỉnh Gia Lai), hồ Ka La, Đắk Lông Thượng (tỉnh Lâm Đồng), hồ Ea Súp Thượng, Krông Buk Hạ (tỉnh Đắk Lắk); hiện nay, đang triển khai thi công hệ thống thuỷ lợi Ia Mơr (tỉnh Gia Lai), hồ chứa nước Krông Pách Thượng (tỉnh Đắk Lắk). Bên cạnh đó, triển khai thực hiện và chuẩn bị một số dự án vay vốn ODA cho các khu vực này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Giải pháp hữu hiệu cứu lúa khỏi hạn, mặn ở ĐBSCL
Giải pháp hữu hiệu cứu lúa khỏi hạn, mặn ở ĐBSCL

VOV.VN - So với các địa phương vùng ĐBSCL, thì diện tích lúa Đông xuân ở tỉnh Tiền Giang bị thiệt hại do hạn, mặn thấp hơn nhiều nhờ các giải pháp hiệu quả.

Giải pháp hữu hiệu cứu lúa khỏi hạn, mặn ở ĐBSCL

Giải pháp hữu hiệu cứu lúa khỏi hạn, mặn ở ĐBSCL

VOV.VN - So với các địa phương vùng ĐBSCL, thì diện tích lúa Đông xuân ở tỉnh Tiền Giang bị thiệt hại do hạn, mặn thấp hơn nhiều nhờ các giải pháp hiệu quả.

Giải pháp giúp người trồng lúa ĐBSCL đối phó với hạn, mặn tấn công
Giải pháp giúp người trồng lúa ĐBSCL đối phó với hạn, mặn tấn công

VOV.VN - Cảnh báo nông dân ở các địa phương trong vùng cần cẩn trọng trong gieo sạ các vụ lúa để hạn chế thiệt hại.

Giải pháp giúp người trồng lúa ĐBSCL đối phó với hạn, mặn tấn công

Giải pháp giúp người trồng lúa ĐBSCL đối phó với hạn, mặn tấn công

VOV.VN - Cảnh báo nông dân ở các địa phương trong vùng cần cẩn trọng trong gieo sạ các vụ lúa để hạn chế thiệt hại.

Hạn hán lịch sử ở ĐBSCL: Có thể “tắm biển” ở TP Bến Tre
Hạn hán lịch sử ở ĐBSCL: Có thể “tắm biển” ở TP Bến Tre

VOV.VN -Tại TP Bến Tre, nơi cách biển 70km, đã có thể cảm nhận được độ mặn. Hiện 160/164 xã ở tỉnh này bị mặn bao vây.

Hạn hán lịch sử ở ĐBSCL: Có thể “tắm biển” ở TP Bến Tre

Hạn hán lịch sử ở ĐBSCL: Có thể “tắm biển” ở TP Bến Tre

VOV.VN -Tại TP Bến Tre, nơi cách biển 70km, đã có thể cảm nhận được độ mặn. Hiện 160/164 xã ở tỉnh này bị mặn bao vây.

Giải pháp nào phòng chống hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long?
Giải pháp nào phòng chống hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long?

VOV.VN - Bài toán đẩy lùi hạn mặn, giữ đủ nguồn nước ngọt cho vùng ĐBSCL đang đặt ra vừa bức thiết, vừa lâu dài.

Giải pháp nào phòng chống hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long?

Giải pháp nào phòng chống hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long?

VOV.VN - Bài toán đẩy lùi hạn mặn, giữ đủ nguồn nước ngọt cho vùng ĐBSCL đang đặt ra vừa bức thiết, vừa lâu dài.