Nóng trạm thu phí BOT: Bộ GTVT đã làm gì trong những ngày qua?
VOV.VN - Những hạn chế, bất cập, thậm chí là vô lý mà nhiều trạm thu phí BOT đang thực hiện thời gian qua đã được dư luận và chí nói nhiều.
Song có một thực tế mà người dân và các chủ phương tiện luôn băn khoăn và đặt câu hỏi là Bộ Giao thông Vận tải đã làm gì trong những ngày qua để thể hiện mình với vai trò là cơ quan thay mặt Chính phủ, thay mặt nhân dân quản lý, giám sát trực tiếp lĩnh vực này. Khi điểm nóng từ trạm thu phí BOT Cai Lậy nổ ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng tổ chức một cuộc họp báo?
Điều đáng nói là thay vì tìm kiếm các giải pháp điều hòa lợi ích của các bên từ trước mắt đến lâu dài, lãnh đạo Bộ lại khăng khăng khẳng định việc lập trạm là đúng, thậm chí mức thu phí cũng được sự thỏa thuận của các bên.
Lúc này, Bộ Giao thông Vận tải cần thực hiện ngay phương châm cầu thị” sai đâu sửa đó, khi tốt mới thôi”. |
Ngay như ở trạm thu phí T2 ở Long Xuyên (An Giang), chính quyền tỉnh, hiệp hội vận tải đã kiến nghị từ lâu về bất cập khi các phương tiện qua quốc lộ 91 chưa tới 500 m mà cũng bị thu phí.
Lãnh đạo Bộ cũng nhiều lần xuống làm việc song cũng không thể giải quyết di dời vì một lý do chung là không thể để phương án tài chính của nhà đầu tư bị phá hỏng. Ai cũng biết, trong hợp đồng BOT giao thông, Bộ Giao thông Vận tải vừa là nhà quản lý đồng thời cũng là một bên chủ thể của hợp đồng.
Các chủ đầu tư có thể kiện Bộ khi quyền lợi bị thiệt hại. Song ở trong một đất nước mà cần có sự điều hành quản lý nhất quán; đó là cái gì có lợi cho dân thì khó mấy cũng phải làm, phải tháo gỡ, nhất là Thủ tướng Chính phủ đang quyết tâm xây dựng bộ máy từ trên xuống dưới là liêm chính, kiến tạo. Do vậy, trong các vụ việc này, Bộ Giao thông Vận tải phải thực sự đứng về quyền lợi của số đông, chí ít cũng thể hiện vai trò trọng tài của mình.
Một lý do đơn giản là Bộ không thể chối bỏ trách nhiệm quản lý của mình dù vụ việc diễn tiến thế nào, nóng bỏng ra sao, trách nhiệm vẫn phải là của Bộ trước Chính phủ, trước nhân dân. Những sai phạm, bất cập, hạn chế của một số dự án BOT của Bộ Giao thông Vận tải mà Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước đã chỉ ra.
Đó là 100% các dự án là chỉ định thầu, nhà đầu tư kém cả về năng lực tài chính lẫn kinh nghiệm chuyên môn; làm tuyến tránh, láng chút nhựa ở các con đường độc đạo rồi lập trạm thu phí theo kiểu tận thu; mức thu phí, thời gian thu phí cũng chưa công khai, minh bạch…
Như vậy, cái hạn chế, cái sai là cụ thể, là vụ việc và có thể là hậu quả những thời kỳ trước. Vậy nên Bộ Giao thông Vận tải lúc này là cần thực hiện ngay phương châm cầu thị” sai đâu sửa đó, khi tốt mới thôi”.
Dịp này cũng cần phải cải tổ lại toàn diện những bất cập, hạn chế khi thực hiện các dự án BOT; những khó khăn, vướng mắc do cơ chế, thể chế thì kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sửa đổi cho phù hợp. Với một đất nước điều kiện đường sá còn quá nhiều hạn chế như Việt Nam, việc kêu gọi các nhà đầu tư bỏ vốn làm cầu, làm đường là rất cần thiết nhất là khi chúng ta sẽ làm cao tốc Bắc- Nam bằng vốn xã hội hóa trong thời gian tới.
Việc công khai, minh bạch, nhận trách nhiệm đến cùng, xử lý rốt ráo các điểm nóng của Bộ Giao thông Vận tải và các cấp, các ngành xung quanh những” lùm xùm” về các trạm thu phí BOT giao thông hiện nay phải coi là cơ hội để chúng ta dứt bỏ những bất cập, hạn chế, tạo cơ chế thuận lợi hơn để thu hút các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài; đồng thời tạo được sự đồng thuận cao hơn nữa trong cộng đồng xã hội về chủ trương BOT đúng là” ích nước, lợi dân”./.
Yêu cầu nhà đầu tư sửa chữa hư hỏng tuyến tránh Cai Lậy
Công an Tiền Giang lên tiếng việc đưa tiền lẻ qua BOT Cai Lậy