Nữ bác sĩ đầu tiên điều trị bệnh nhân COVID-19 tại tâm dịch Chí Linh
VOV.VN - Vượt qua những giờ phút căng thẳng ban đầu, đến thời điểm này, nữ bác sĩ mới bình tâm kể lại những giây phút “bền gan” chống dịch COVID-19 để kiểm soát tình hình như hiện nay.
Bác sĩ Đỗ Thị Kim Oanh (36 tuổi), Khoa Truyền nhiễm, Trung tâm y tế (TTYT) TP Chí Linh, Hải Dương, là người đầu tiên tiếp nhận và điều trị bệnh nhân COVID-19 ở tâm dịch này.
Là bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm với những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhưng với chị Oanh việc điều trị cho bệnh nhân COVID-19 vẫn là một thử thách lớn. Chị Oanh nhớ lại: “Đến tận bây giờ và chắc mãi về sau khoảnh khắc 2 xe cấp cứu chở gần 30 bệnh nhân COVID-19 vào điều trị vẫn là một trong những khoảnh khắc khiến tôi ám ảnh”.
Những phút đầu “so găng”
Nhóm làm việc của bác sĩ Oanh gồm chị và 4 điều dưỡng, hộ lý khác. Trước đây, TTYT TP Chí Linh đã từng tiếp nhận các ca F1, nhưng bệnh nhân dương tính thì đây là lần đầu tiên. Với các y bác sĩ, điều khiến họ lo lắng nhất là cách thức tiếp cận và điều trị cho một số lượng bệnh nhân lớn trong cùng một lúc như vậy.
Trong những giờ phút ban đầu đó, việc đầu tiên bác sĩ Oanh nghĩ đến là phải làm sao ổn định tâm lý cho các đồng nghiệp. Bác sĩ Oanh tâm sự: “Những khoảnh khắc đầu tiên tiếp nhận bệnh nhân thực ra các chị em đều có phần lo lắng. Là bác sĩ duy nhất trong khu vực điều trị cách ly tôi xác định mọi người đều phải thật sự bình tĩnh vì có bình tĩnh thì mới có thể chiến đấu lâu dài và hiệu quả được”.
Đến nay, bác sĩ Oanh vẫn không thể quên cuộc điện thoại với bác sĩ Vũ Minh Điền của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, chuyên gia của Bộ Y tế, để hỏi về kinh nghiệm điều trị COVID-19: “Từ cách tiếp xúc bệnh nhân đến việc điều trị và theo dõi các chỉ số của từng bệnh nhân đều được bác sĩ Điền hướng dẫn cho cả nhóm. Cả kíp điều trị như tìm được điểm neo nên an tâm hơn”.
Đêm đầu tiên ở trong khu điều trị là một đêm đặc biệt với bác sĩ Oanh và các đồng nghiệp. Tiến hành xong việc lấy thông số, theo dõi các bệnh nhân cũng là lúc đồng hồ điểm hơn 12h đêm. Nhiều người trong kíp trực phải trải bìa carton để ngủ lấy sức cho “cuộc chiến còn lâu dài”.
Những ngày sau, nhờ sự hướng dẫn của các chuyên gia từ Bộ Y tế, các y bác sĩ tại đây đã chủ động, bớt căng thẳng hơn trong công việc mà như cách họ nói là “tư tưởng và chuyên môn đã thông suốt với nhau”.
Gia đình là hậu phương sau màu áo blouse trắng
Bác sĩ Oanh có 3 con nhỏ, cháu lớn học lớp 1 và cháu nhỏ nhất chỉ mới 19 tháng tuổi. Ngày chị đi thực hiện nhiệm vụ, cả ba cháu nhỏ được giao phó hoàn toàn cho ông bà ngoại. Thấu hiểu nỗi vất vả của con, bố mẹ chị động viên: “Con cứ nỗ lực công tác, giúp đỡ mọi người, việc các cháu bố mẹ sẽ lo được”.
Điều chị Oanh lo lắng nhất không phải là sẽ phải điều trị cho bệnh nhân COVID-19 hay thực hiện cách ly bao lâu mà lại chính là bệnh tình của bố chồng chị. Ông đang bị ung thư phổi, gần đây diễn tiến nặng hơn khiến hai chân bị gãy. Nói đến đây, chị nghẹn ngào: “Mình là con dâu mà cũng không thể ra gánh vác cùng gia đình được. Bố đang điều trị ở Hà Nội còn gọi về động viên. Ngày đi học bác sĩ chuyên khoa, các thầy cô thường nói đôi khi phải “gác niềm riêng sau màu áo blouse trắng” nhưng tới tận bây giờ mình mới thấm”.
Trong cả cuộc chiến ở tâm dịch Chí Linh những ngày qua, dù được nhắc đến hay không thì tất cả mọi người dân đều là những chiến binh. Ít ai biết rằng chồng chị Oanh cũng là một cán bộ phòng hành chính-tổ chức của TP Chí Linh. Những ngày qua anh nhận nhiệm vụ tiếp ứng hậu cần cho toàn thành phố nên gần như không có thời gian nghỉ ngơi.
Hiện nay, bác sĩ Oanh đã được ra khỏi khu cách ly nghỉ ngơi để các bác sĩ khác tiếp nối nhiệm vụ. Điều hạnh phúc nhất với chị là sự quan tâm của mọi người. Từ những người thân, bạn học cấp 3, bạn đại học cho đến cả hàng xóm, láng giềng. Giây phút đó niềm hạnh phúc giản dị và trong sáng mà như cách chị miêu tả là “vừa làm được một chuyện lớn trong đời”.
Đã 28 Tết, Hải Dương thời tiết mưa rả rích. Chồng chị Oanh gửi cho chị một chiếc điện thoại mới để thay thế cho chiếc điện thoại đã rơi vỡ khi điều trị bệnh nhân kèm lời nhắn: “Khi nào nhớ nhà thì em hãy nhìn bức ảnh con và anh vừa lưu trong máy nhé, ngủ một giấc rồi mọi thứ sẽ ổn thôi. Anh và cả nhà chờ em!”./.