Nữ du kích Củ Chi và huyền thoại trong lòng đất

VOV.VN - Những năm tháng khốc liệt ấy, biết bao người dân Củ Chi đã đứng lên cầm súng để bảo vệ mảnh đất quê hương, trong đó có nữ du kích.

Hòa bình được lập lại trên đất nước ta đã 40 năm, thế nhưng ký ức về cuộc đấu tranh oai hùng của dân tộc vẫn còn in đậm trong trái tim những người lính. Trong số những địa danh phải gánh chịu những hy sinh, mất mát lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, có mảnh đất Củ Chi, vùng đất thép thành đồng của Tổ quốc.

Những năm tháng khốc liệt ấy, biết bao người dân Củ Chi đã đứng lên cầm súng để bảo vệ mảnh đất quê hương. Trong đó có những nữ du kích đến với cách mạng khi tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã chiến đấu anh dũng, lập nên nhiều chiến công vang dội.

Ở Củ Chi, địa đạo có rất sớm - từ những năm cuối của thập niên 50, sau đó lan rộng ra nhiều xã. Đó là một hệ thống thống nhất với nhau, chỗ cao, chỗ thấp, được xây dựng bằng chính sức dân, bằng chính tinh thần yêu nước của người dân vùng đất thép.

Từ năm 1961 - 1965, dân quân Củ Chi đã chiến đấu anh dũng, gây cho địch nhiều thiệt hại lớn, góp phần đánh bại Chiến lược Chiến tranh đặc biệt của Mỹ. Năm 1966, khi Mỹ dùng Sư đoàn Bộ binh số 1 “Anh cả đỏ”, tiếp theo đó là Sư đoàn 25 “Tia chớp nhiệt đới” đến lập căn cứ Đồng Dù, liên tiếp mở các cuộc càn quét, đánh phá ác liệt lực lượng cách mạng ở Củ Chi cũng là thời điểm mà hệ thống địa đạo ở đây phát triển mạnh nhất. Với khẩu hiệu “Một tấc không đi, một li không rời”, bộ đội, dân quân, du kích và người dân Củ Chi đã tổ chức nhiều cuộc đánh trả, gây tổn thất nặng nề cho Mỹ-Ngụy.

Các nữ du kích Củ Chi những ngày cùng nhau chiến đấu chống giặc ngoại xâm (Chụp lại từ hình tư liệu của Chi hội CCB nữ xã An Nhơn Tây)
Bà Trần Thị Gừng, một trong những nữ du kích đầu tiên ở Củ Chi đạt danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” không bao giờ quên những ngày tháng chiến đấu ác liệt. Bước vào cuộc chiến một cách hồn nhiên khi mới 12 tuổi, ban đầu, bà Gừng (cô bé Gừng) chưa có những giác ngộ chính trị sâu sắc, chỉ đơn giản là theo truyền thống của gia đình, cha đánh giặc con giúp cha.

Thế nhưng, qua năm tháng, bà Gừng dần trưởng thành và đã lập nên nhiều chiến công. Chỉ trong vài năm, bà đã tham gia gần 40 trận đánh. Ngay ở trận đầu, bà đã bắt sống lính Mỹ, sau đó trở thành chỉ huy một đội du kích nam. Những trận đánh ác liệt được bà Trần Thị Gừng kể lại bằng giọng điệu hóm hỉnh: “Làm dũng sĩ diệt Mỹ dễ ợt, tụi nó to cao nên dễ bắn lắm!”. Nhưng rồi bà lại nghẹn ngào xúc động khi nhớ về những đồng đội đã anh dũng hy sinh.

Bà Gừng tâm sự: “Tôi nhớ nhất trận đánh với ngụy ở Lào Táo, đến giờ vẫn nằm mơ vẫn thấy thương các chiến sĩ. Du kích của chúng ta hy sinh nhiều, một trận ra quân khi trở về tôi mang 2-3 cây súng. Các chiến sĩ quay phim tại trận chiến đấu, anh này hy sinh anh khác chạy lên ôm máy quay. Cho tới giờ tôi vẫn cảm thấy đau lòng”.

Đến với cách mạng khi còn rất trẻ, lực lượng nữ du kích Củ Chi tham gia làm giao liên, đào địa đạo, nuôi giấu cán bộ, tuyên truyền vận động quần chúng ủng hộ cách mạng, góp phần làm nên huyền thoại trong lòng đất.

Trong những trận càn ác liệt, đế quốc Mỹ sử dụng rất nhiều vũ khí hiện đại bậc nhất nhằm biến Củ Chi thành vùng đất chết, đất trắng, không để cho lực lượng cách mạng hoạt động, vì đây là nguy cơ lớn đối với chính quyền Sài Gòn khi Củ Chi chỉ cách Sài Gòn khoảng 70 cây số. Tuy nhiên, chúng đã gặp phải sức phản kháng hết sức mãnh liệt, phải gánh chịu những tổn thất nặng nề.

Cô Cao Thị Hương, thành viên Tổ du kích Tân An Hội, người đã bắn rơi chiếc máy bay đầu tiên trên đất Củ Chi kể lại: “Lúc đầu, các đồng chí nam không cho tôi đi theo vì sợ vướng bận. Các anh ấy chạy, tôi cũng chạy theo. Lúc đó, máy bay khu trục Mỹ bắt đầu ném bom, 3 chiến sĩ phải nằm xuống để tránh còn tôi vẫn chạy. Khi bắn, mỗi người bắn 1 chiếc còn tôi bắn 4 phát mới nổ. Hai chiếc đi trước mới quay trở lại hỗ trợ cho chiếc bị cháy, nó rớt ở bưng Mỹ Hạnh hiện nay”.

Cũng với tinh thần chiến đấu can trường và lòng yêu nước nồng nàn ấy, bà Võ Thị Mô, lúc đó mới 12 tuổi đã cãi lời cha, không chịu chuyển đi nơi khác để tiếp tục việc học mà quyết tâm ở lại tham gia cách mạng.

Cô gái Võ Thị Mô đã đứng vào hàng ngũ của Đảng và được bổ nhiệm làm Trung đội Trưởng du kích Củ Chi khi mới 19 tuổi. Bộ đội đánh ở đâu, bà theo đó. Ai bị thương, bà xốc lên vai chuyển về tuyến sau.

Không chỉ có lòng quả cảm, yêu thương đồng đội, bà Võ Thị Mô còn nhân đạo với cả kẻ thù. Trong một lần hành quân, 4 lính Mỹ dừng lại trải bạt đúng nơi bà đã cài trái nổ. Một tên móc lá thư ra đọc, tên khác lấy ảnh ra xem, rồi cả bốn ôm nhau khóc. Đồng đội đi cùng đòi bắn nhưng bà kiên quyết không cho. Không ngờ câu chuyện đó sau này được một tên chiêu hồi kể lại cho quân Mỹ.

Sau khi đất nước hòa bình, 1 trong 4 người lính Mỹ đã trở lại Việt Nam, tìm đến thăm bà và ngỏ ý muốn tặng quà cho bà bất cứ thứ gì bà muốn, kể cả nhà lầu, xe hơi… nhưng bà Võ Thị Mô kiên quyết từ chối. Bà Mô nói: “Lúc đó tôi đang bị bệnh nặng và không có tiền. Tôi cũng muốn nhiều thứ lắm nhưng cái mà tôi muốn của tôi liệu có ảnh hưởng đến đất nước hay không? Vì vậy, tôi đã trả lời như thế nay: Tôi muốn đừng có người nào tới xâm chiến đất nước Việt Nam của chúng tôi. Nếu các người tới xâm chiếm của đất nước tôi, tôi sẵn sàng đáp trả”.

Khí khái của người Việt Nam đã khiến cho những người bên kia chiến tuyến, từng là kẻ thù phải nghiêng mình bái phục. Cho đến tận bây giờ, những người lính năm xưa ở vùng đất thép Củ Chi vẫn truyền tai nhau bài “Tấu địa đạo” với những vần thơ mộc mạc nhưng đầy chất lửa:

“… Cỏ cây chết, đất đá trụi nhưng con người không lay chuyển

Đường địa đạo xưa vẫn là căn cứ vững chắc của cụm tôi.

Còn Sư đoàn 25 Bộ binh Mỹ - Tia chớp nhiệt đới nay đã khuất rồi

Mang theo uất hận vì những con đường địa đạo.

Ôi đáng quý, đáng yêu, đáng ghi vào lịch sử

Những con đường địa đạo đất Củ Chi”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Kiều bào tham quan Bến Dược và địa đạo Củ Chi
Kiều bào tham quan Bến Dược và địa đạo Củ Chi

VOV.VN - Gần 100 kiều bào từ nhiều nước trên thế giới đã thăm, dâng hương tại đền Bến Dược và tham quan khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi.

Kiều bào tham quan Bến Dược và địa đạo Củ Chi

Kiều bào tham quan Bến Dược và địa đạo Củ Chi

VOV.VN - Gần 100 kiều bào từ nhiều nước trên thế giới đã thăm, dâng hương tại đền Bến Dược và tham quan khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi.

Chủ tịch nước chúc Tết tại huyện Củ Chi, TP HCM
Chủ tịch nước chúc Tết tại huyện Củ Chi, TP HCM

VOV.VN -Chủ tịch nước tới thăm, tặng quà cho cơ sở nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em khuyết tật Thiên Phước, một số hộ nông dân làm kinh tế giỏi.

Chủ tịch nước chúc Tết tại huyện Củ Chi, TP HCM

Chủ tịch nước chúc Tết tại huyện Củ Chi, TP HCM

VOV.VN -Chủ tịch nước tới thăm, tặng quà cho cơ sở nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em khuyết tật Thiên Phước, một số hộ nông dân làm kinh tế giỏi.

Giao lưu với các nữ du kích Củ Chi
Giao lưu với các nữ du kích Củ Chi

VOV.VN - Đến với cách mạng ở tuổi còn rất trẻ, các chị đã cùng với người dân Củ Chi đứng lên cầm súng để bảo vệ mảnh đất quê hương

Giao lưu với các nữ du kích Củ Chi

Giao lưu với các nữ du kích Củ Chi

VOV.VN - Đến với cách mạng ở tuổi còn rất trẻ, các chị đã cùng với người dân Củ Chi đứng lên cầm súng để bảo vệ mảnh đất quê hương