Nữ giáo sư nghiên cứu môi trường làng nghề

GS.TS. Nhà giáo ưu tú Đặng Kim Chi vinh dự được trao giải thưởng Kovalevskaia năm 2009 cho những thành tích khoa học mà bà đã cống hiến cho ngành Môi trường

Bước sang tuổi 60, GS Đặng Kim Chi có 15 năm nghiên cứu chuyên về môi trường làng nghề Việt Nam.

Vì quê mình...

GS.TS Đặng Kim Chi sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức, cha bà là GS.TS Đặng Vũ Hỷ - một trong bảy vị giáo sư đầu tiên của Việt Nam được trao giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I, anh trai bà là GS.Viện sĩ Đặng Vũ Minh – nguyên Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Cô gái nhỏ Kim Chi khi học phổ thông đã từng đoạt giải Văn, từng nghĩ mình sẽ theo nghiệp văn chương, nhưng trường Đại học Bách Khoa đã gieo vào tâm hồn bà một niềm đam mê khoa học sâu

sắc. Trong quá trình học tập tại trường bà được cử đi đào tạo tại nước Đức với chuyên ngành Khoa học và Công nghiệp môi trường, sau khi về nước bà tiếp tục ở lại trường giảng dạy và nghiên cứu.

Bắt đầu từ năm 1996, bà Kim Chi đã cùng đồng nghiệp, các nhà khoa học tập trung nghiên cứu về vấn đề ô nhiễm tại các làng nghề Việt Nam. Trong đó, theo kết quả nghiên cứu phân tích, làng nghề Việt Nam được phân loại theo 6 loại hình như sau: Chế biến lương thực thực phẩm, dược liệu có 197 làng (chiếm 13,59%); ươm tơ, dệt vải, đồ da có 173 làng (chiếm 11,93%); thủ công mỹ nghệ, thêu ren có 618 làng (chiếm 6,21%), sản xuất gốm sứ vật liệu xây dựng có 79 làng (chiếm 5,14%); còn lại là ngành nghề khác có 341 làng (chiếm 23,52%). Sự phát triển của làng nghề đã và đang góp phần đáng kể trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương. Nhưng bên cạnh mặt được thì chính những người sản xuất lại hứng chịu những ô nhiễm do mình gây nên.

Môi trường khu vực sản xuất cũng như chất lượng môi trường sống xung quanh của người dân bị ô nhiễm nghiêm trọng do việc phát sinh các chất thải dạng khí, lỏng. Tại hầu hết các làng nghề hiện nay, nhiên liệu đốt dùng phổ biến là than củi và than đá nên ô nhiễm môi trường không khí do việc sử dụng nhiên liệu thông qua các sản phẩm cháy: bụi, hơi nước, SO2, CO2, CO…là hết sức phổ biến. Các chất thải độc hại khó phân huỷ cũng là một vấn đề môi trường nóng bỏng tại các làng nghề, đặc biệt là các làng nghề tái chế kim loại và dệt nhuộm, thuộc da. Thêm vào đó, thành phần chất thải rắn chứa nhiều chất độc hại có khả năng gây ô nhiễm môi trường đất và nguồn nước, tổng lượng chất thải rắn phát sinh từ các làng nghề trên toàn quốc đươc ước tính tới 770.000 tấn /năm tuy vậy lại chưa có các biện pháp xử lý an toàn và hiệu quả. Tất cả các chất thải rắn này hiện được thu gom hết sức thủ công và đem chôn lấp đơn giản ở các bãi chôn lấp hở, thậm trí là bị thải bỏ và đốt bừa bãi ngay trên hành làng bảo vệ đê điều cũng như trôi nổi trên các con sông.

Làm sao cho thoả đáng?

Qua nghiên cứu, bà đã hoàn thành nhiều đề tài cấp Bộ, Nhà nước thông qua việc cải thiện môi trường tại làng nghề chế biễn gỗ Hương Mạc (Bắc Ninh), hệ thống xử lý hơi dung môi tại làng nghề sơn mài Hạ Thái, Duyên Thái (Hà Tây), xử lý nước thải ở làng nghề tái chế giấy Phú Lâm (Bắc Ninh)… Nhưng bà vẫn trăn trở rất nhiều khi ý thức sản xuất của người dân làng nghề chưa cao, mặc dù nhận thức được nguy hiểm của ô nhiễm môi trường nhưng họ vẫn chậm thay đổi.

Chính vì vậy, giải pháp mà bà cùng đồng nghiệp đã đưa ra là cần phải giáo dục kiến thức môi trường và nâng cao nhận thức của người dân kết hợp song song với quy hoạch lồng ghép hoạt động du lịch với sản xuất nghề; quy hoạch tập trung theo mô hình các khu công nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn, quy hoạch phân tán tại từng cơ sở.

GS Kim Chi cũng tham gia vào các đề tài cải tiến quy trình công nghệ, đầu tư thay thế trang thiết bị, nguyên nhiên liệu… giúp nâng cao năng suất lao động, cải thiện môi trường làm việc và hạn chế thấp nhất lượng chất thải phát sinh tại các làng nghề. Đặc biệt bà đề cao tầm quan trọng của các cơ quan quản lý cũng như sự tự giác của các doanh nghiệp làng nghề. Bà cho rằng cần thiết phải xây dựng các chính sách khuyến khích hỗ trợ tại các làng nghề như giảm thuế, phí đối với các cơ sở thực hiện tốt bảo vệ môi trường và các cơ sở có đầu tư bảo vệ môi trường hay hỗ trợ vốn cho các dự án cải thiện môi trường thông qua việc lập quỹ bảo vệ môi trường.

Vấn đề giải quyết ô nhiễm môi trường hiện nay ở Việt Nam đang ở mức báo động. GS.TS. Nhà giáo ưu tú Đặng Kim Chi hy vọng rằng, những nghiên cứu và đề xuất trong các đề tài khoa học về môi trường sẽ sớm được ứng dụng rộng rãi để có biện pháp xử lý tốt nhất cho làng nghề Việt Nam và giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa vốn có, cũng như làm đẹp, làm giàu cho các làng quê Việt Nam./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên