Nước sông Hồng tiếp tục dâng, khắc phục mưa lũ tại Yên Bái gặp khó khăn
VOV.VN - Công tác ứng phó với mưa lũ trên địa bàn tỉnh Yên Bái gặp nhiều khó khăn khi nước sông Hồng vẫn tiếp tục lên.
Đến 15h chiều 19/8, mực nước trên sông Thao tại Yên Bái đã ở mức 32,91m, cao hơn báo động 3 đến 0,91m. Dự báo nước sông Hồng vẫn tiếp tục lên do nước đầu nguồn đổ về. Trong khi đó trên địa bàn vẫn có mưa to, gây nhiều thiệt hại về nhà cửa, hoa màu, tài sản của nhân dân. Công tác ứng phó với mưa lũ gặp nhiều khó khăn khi nước sông Hồng vẫn tiếp tục lên.
Thống kê của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, đến chiều 19/8, toàn tỉnh có hơn 100 ngôi nhà bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, trong đó 7 nhà ở huyện Văn Yên phải di dời khẩn cấp người vài tài sản; 22 nhà ở huyện Trấn Yên bị sạt lở taluy. Tại thành phố Yên Bái có 74 hộ dân thuộc 8 xã, phường bị nước sông Hồng tràn vào nhà, có nơi ngập sâu từ 1-2m. Ngay khi bị ngập lụt, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đã đến hỗ trợ người dân kê kích tài sản lên cao hoặc di dời người và tài sản đi nơi khác.
Vốn đã quen với cảnh ngập lụt khi nước sông Hồng dâng cao, từ chiều 18/8, khi thấy cảnh báo, người dân địa phương đã chủ động kê dọn tài sản và đảm bảo an tính mạng. Tuy nhiên nếu nước ngập sâu nhiều ngày sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt và sức khỏe của người dân.
"Dân chúng tôi ở con đường Thanh niên này mùa lũ về là bị ngập lụt. Con đường này không được nâng cấp lên để bà con nhân dân đỡ khổ, đỡ bị ngập lụt khi mùa mưa bão về. Con đường Thanh niên nếu được nâng lên thì có thể nhà chúng tôi cũng nâng lên"- ông Trương Xuân Nhự, sinh sống tại đường Thanh Niên, phường Hồng Hà, TP. Yên Bái nói.
Theo thống kê, tổng diện tích nông, lâm nghiệp bị thiệt hại do mưa lũ ở Yên Bái là gần 700 ha, trong đó, diện tích lúa bị ngập nước là gần 630 ha; 20 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, hàng trăm con gia cầm bị chết... Hiện các địa phương của tỉnh Yên Bái tiếp tục cập nhật tình hình thiệt hại để đề xuất phương án sớm hỗ trợ bà con khôi phục sản xuất.
Mưa lớn làm tuyến đường tỉnh 166 Âu Lâu – Đông An có 2 vị trí ngập sâu 1m, gây tắc đường; đường Hợp Minh – Mỵ có 1 vị trí ngập sâu 1m; đường tỉnh 163 Yên Bái – Khe Sang tắc đường ở 3 vị trí ngập sâu… Đặc biệt tại thành phố Yên Bái có tổng số 18 tuyến đường giao thông bị ngập và ngập sâu, trong đó đường đê sông Hồng và đường Thanh niên có vị trí ngập từ 1 đến 2m… Hiện các lực lượng chức năng đã cử người canh gác, không cho người dân và phương tiện qua các khu vực nguy hiểm cho đến khi nước rút. Ông Nguyễn Trọng Tiến, Trưởng phòng quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, Sở Giao thông vận tải tỉnh Yên Bái cho biết, các tuyến đường bị sạt ta luy đến thời điểm trưa nay đều đã thông suốt.
"Quốc lộ chỉ bị sạt ở cây cối, đất cát, chúng tôi đã xử lý luôn thì không bị tắc đường. Đấy là hệ thống quốc lộ, còn các tuyến tỉnh lộ thì sạt lở ta luy dương không bị vị trí nào mà xảy ra ách tắc lâu vì một thời gian ngắn chúng tôi cho máy xúc đi luôn. Các tuyến đường tỉnh này có một số điểm bị ngập do nước sông Hồng dâng, tại vị trí hai đầu ngập thì đều có rào chắn, biển cảnh báo và người đứng hướng dẫn giao thông; tại điểm hai đầu mà có vị trí rẽ được thì chúng tôi đặt biển cảnh báo để phân luồng giao thông"- ông Nguyễn Trọng Tiến cho biết.
Thống kê ban đầu, mưa lũ đã gây thiệt hại cho tỉnh Yên Bái khoảng 4,5 tỷ đồng. Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, Tỉnh ủy Yên Bái đã ra công văn hỏa tốc yêu cầu các ngành, địa phương chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lớn diện rộng. Trong ngày 19/8, đoàn công tác của Cục cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) cũng đã đến kiểm tra công tác triển khai cứu hộ, cứu nạn tại huyện Văn Yên và thành phố Yên Bái./.