Ông Bùi Văn Cường tái đắc cử chức Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII
VOV.VN -Sau 3 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, chiều nay (26/9), Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII nhiệm kỳ 2018-2023 họp phiên bế mạc.
Ông Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương tới dự phiên bế mạc.
Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII ra mắt Đại hội. |
Tại Hội nghị lần thứ nhất, Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII (nhiệm kỳ 2018 - 2023) đã bầu 22 đồng chí vào Đoàn Chủ tịch. Ông Bùi Văn Cường, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI tái đắc cử chức Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII với 100% số phiếu tín nhiệm.
Ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII phát biểu tại phiên bế mạc. |
Phát biểu bế mạc Đại hội, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường đề nghị, ngay sau Đại hội, các cấp công đoàn cần tổ chức tốt việc nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền rộng rãi trong toàn thể cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ cả nước về kết quả của Đại hội và các nhiệm vụ mà Đại hội đề ra; xây dựng Đề án, Nghị quyết, chương trình hành động và kế hoạch cụ thể để đưa Nghị quyết Đại hội vào thực tiễn cuộc sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn Việt Nam.
Tại phiên bế mạc, Đại hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam. Trong đó, mục tiêu tổng quát nhiệm kỳ 2018-2023 là: Nâng cao hiệu quả đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên và người lao động, vì việc làm bền vững, đời sống ngày càng cao. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị, tinh thần yêu nước, hiểu biết pháp luật, trách nhiệm cao, tay nghề giỏi, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh.
Hoàn thiện mô hình tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn bản lĩnh, trí tuệ, chuyên nghiệp; tập hợp, thu hút đông đảo người lao động vào tổ chức Công đoàn Việt Nam; xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh. Tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nghị quyết đã đề ra 9 chỉ tiêu phấn đấu. Trong đó, đáng chú ý là các chỉ tiêu: đến năm 2023, kết nạp hai triệu đoàn viên; thành lập tổ chức cơ sở công đoàn ở 100% doanh nghiệp có 25 công nhân lao động trở lên; phấn đấu các doanh nghiệp có 10 lao động trở lên có tổ chức công đoàn. Hằng năm, bình quân mỗi công đoàn cơ sở giới thiệu được ít nhất một đoàn viên công đoàn ưu tú cho Đảng xem xét, bồi dưỡng kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam; 80% trở lên công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đạt loại tốt; 80% trở lên công đoàn cơ sở khu vực nhà nước, 55% trở lên công đoàn cơ sở ngoài khu vực nhà nước đạt vững mạnh. Triển khai đầu tư xây dựng tối thiểu 50 thiết chế của tổ chức Công đoàn gồm nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, tư vấn pháp luật... tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Nghị quyết cũng chỉ rõ ba khâu đột phá: Đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động; chăm lo lợi ích đoàn viên, đại diện, bảo vệ người lao động; Xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; Xây dựng nguồn lực công đoàn đủ mạnh, đẩy mạnh công tác truyền thông công đoàn đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới./.
Thủ tướng gặp gỡ, đối thoại với đại biểu dự Đại hội Công đoàn Việt Nam
950 đại biểu dự Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII
Khai mạc Đại hội Công đoàn Viên chức Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2023
Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư tại Đại hội Công đoàn Việt Nam