PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu: "Hãy dám sống khác để làm chủ cuộc đời mình"

VOV.VN - Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu, Phó Hiệu trưởng ĐH Nội vụ Hà Nội, chuyên gia tuyển sinh, khi chọn ngành nghề, thí sinh cần dựa trên 4 yếu tố: Sở thích; yêu cầu của ngành nghề; nhu cầu của xã hội đối với ngành nghề; và năng lực của bản thân. 

Mùa tuyển sinh đại học 2020-2021 đang nóng hơn bao giờ hết, các thí sinh tham gia xét tuyển đại học, cao đẳng đang trong quá trình điều chỉnh nguyện vọng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn không ít thí sinh băn khoăn về việc chọn ngành nào, trường nào, loay hoay đi tìm ngành nghề mình thích. Không ít thí sinh có tâm lý, bằng mọi giá đỗ vào đại học, còn ngành nghề nào và trường nào... không thực sự quan trọng. 

Nên chọn nghề dựa trên 4 yếu tố

Đưa ra lời khuyên cho các thí sinh trong việc chọn ngành, chọn nghề, PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu, Phó Hiệu trưởng ĐH Nội vụ Hà Nội cho rằng: “Chọn nghề chính là chọn một tương lai. Chọn nghề đúng là đặt cho mình tương lai vững chắc. Với những thí sinh vừa tốt nghiệp THPT, sự lựa chọn này không hề dễ dàng. Phần lớn, các em  phụ thuộc vào những lý do bên ngoài như lựa chọn theo số đông, theo nguyện vọng “cha truyền con nối”...

Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu, khi chọn ngành nghề, thí sinh cần dựa trên 4 yếu tố: Sở thích của bản thân; yêu cầu của ngành nghề; nhu cầu của xã hội đối với ngành nghề; và năng lực của bản thân. 

PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu cho rằng, thứ nhất, sau khi tốt nghiệp, các em sẽ dành phần lớn thời gian của mình cho công việc mà mình đã chọn. Vì vậy, hạnh phúc nhất là được gắn bó với công việc mà mình thực sự đam mê và yêu thích. Niềm đam mê và sự yêu thích là chìa khóa giúp các em được thỏa sức sáng tạo, cống hiến và đạt được kết quả tốt nhất trong công việc.

Thứ hai, mỗi ngành nghề lại có một yêu cầu riêng (kỹ năng, sức khỏe, ngoại hình,...) và thay đổi theo tiến trình và mô hình vận hành của xã hội và nền kinh tế. Các em hãy tìm hiểu kỹ những yêu cầu này xem mình có thực sự đáp ứng hay không. Ví dụ, sau đại dịch Covid-19, kỹ năng về công nghệ thông tin (trước đây đã được cho là quan trọng) lại càng trở nên cấp thiết hơn khi người lao động phải có khả năng sử dụng, tương tác nhuần nhuyễn với công nghệ/máy móc. Rất tiếc, học sinh và gia đình các em thường không có đủ thông tin về những yêu cầu cần thiết để ra quyết định đúng đắn về việc chọn học nghề nào và chương trình nào. 

Thứ ba, các em cần tìm hiểu nhu cầu của xã hội và thị trường lao động về ngành nghề mình chọn (thị trường lao động ở đây bao gồm cả thị trường lao động của địa phương, quốc gia, khu vực và quốc tế), và quan trọng là tìm hiểu thông tin qua nguồn chính thống và rộng khắp chứ không chỉ đơn thuần qua nguồn phi chính thức như người thân hoặc bạn bè,... Thầy Sửu gợi ý, các thí sinh có thể vào google, các website việc làm hoặc thông qua các trường đại học để tìm hiểu về những ngành có nhu cầu lớn về nhân lực sau đại dịch Covid-19 như: ngành Công nghệ thông tin (Khoa học máy tính, Công nghệ phần mềm, Trí tuệ nhân tạo, Phân tích dữ liệu....) hay ngành Chăm sóc sức khỏe với sự hỗ trợ của công nghệ sinh học. Thí sinh cũng nên tránh lựa chọn nghề mà mình đam mê, muốn cống hiến nhưng lại không có nhiều nhu cầu trong tương lai. Nếu vậy, sẽ lãng phí rất nhiều thời gian, công sức và nguồn lực.

Cuối cùng, PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu lưu ý rằng người lao động của thế kỷ 21 cần những kỹ năng tinh vi hơn so với trước đây, kèm theo đó là năng lực thực hiện. Do vậy, học sinh cần đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để xem mình có thể đáp ứng được yêu cầu của công việc mình lựa chọn hay không. Nên nhớ, năng lực chuyên môn mới chỉ là một phần của câu chuyện. Trong thế giới việc làm của tương lai, người lao động cần tự chuẩn bị cho mình những kỹ năng không bao giờ lạc hậu và luôn luôn quan trọng đối với hầu hết các ngành, nghề như tiếng Anh/tin học, giao tiếp, giải quyết vấn đề, phản biện, làm việc độc lập, làm việc tập thể,... Bài học rất lớn từ đại dịch Covid-19 chỉ ra rằng người lao động của tương lai sẽ cần có khả năng nâng cao kỹ năng và học tập liên tục suốt đời khi tính chất công việc thay đổi theo các xu hướng lớn.

Nên bỏ tư tưởng học gì làm nấy, chăm chăm vào nhà nước

Thẳng thắn khi nói về công tác hướng nghiệp, thầy Sửu cho rằng, công tác hướng nghiệp hiện nay chưa hiệu quả. Hầu hết tâm lý của các phụ huynh và học sinh hiện nay vẫn muốn vào bằng được đại học, dẫn đến tình trạng thầy nhiều hơn thợ. Hệ thống các trường trung cấp, cao đẳng nghề phải chật vật tuyển sinh. 

“Hơn nữa, một thời chúng ta chuyên đào tạo kiểu gà nòi để mang đi chọi. Hướng đào tạo này không còn phù hợp, cần phải thay đổi từ tư duy. Trường ĐH Nội vụ Hà Nội, chúng tôi định hướng cho sinh viên để các em hiểu bằng đại học chỉ là một căn cứ bước đầu mà không phải là chiếc vé thông hành để các em sử dụng trên suốt chuyến tàu cuộc đời mình”, thầy Sửu nói.

Thầy Nguyễn Quốc Sửu cũng khuyên các thí sinh thoát ra khỏi suy nghĩ học gì, nhất nhất phải làm ngành đó sau khi ra trường. Đơn cử như trường ĐH Nội vụ Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu cho biết, không phải tất cả sinh viên học trong trường đều làm trong khu vực công. Bởi lẽ, xã hội đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ sang khu vực tư. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho các cơ sở đào tạo mà Đại học Nội vụ Hà Nội không nằm ngoại lệ. Trong quá trình đào tạo, trường luôn gắn kết với các doanh nghiệp để tìm ra hướng đào tạo mà xã hội đang cần – đào tạo theo nhu cầu xã hội. Thực tế, những năm qua, có không ít sinh viên của trường rất thành công khi hoạt động trong các doanh nghiệp hoặc tự start-up. 

“Tâm lý nhiều em vẫn muốn đi học để vào nhà nước. Đó là lý do điểm thi vào các trường công an, quân đội năm nào cũng cao. Bởi sau khi ra trường, các em không phải lo xin việc, có công việc ổn định trong nhà nước, quá trình học hoàn toàn được bao cấp. Tuy nhiên, các em nên hiểu, không vào nhà nước không có nghĩa là thất nghiệp! Nhiều người học ra không vào nhà nước nhưng họ có thu nhập rất cao, làm đúng chuyên môn và công việc yêu thích. Tuy nhiên, qua lăng kính của tư duy cũ,  họ lại đang thất nghiệp”, thầy Nguyễn Quốc Sửu nói.

Để thành công, Phó Hiệu trưởng ĐH Nội vụ Hà Nội khuyên thí sinh cần chủ động nâng cao khả năng ngoại ngữ, kỹ năng mềm và cần được chạm tới thế giới công việc trước cả khi tốt nghiệp.

Bên cạnh đó, cần có những cơ chế để tạo điều kiện cho các trường đại học chủ động trong đối tác với các doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ là nguồn cung cấp thông tin hữu ích, chính xác về yêu cầu/nhu cầu của ngành nghề, các điều kiện của thị trường lao động và tỷ suất lợi nhuận từ các ngành học nhất định, từ đó các trường đại học xây dựng những chương trình đào tạo phản ánh đầy đủ hơn nhu cầu của thị trường lao động. Ngoài ra, cũng cần phải có những đánh giá khách quan, đa chiều về chất lượng chương trình đào tạo và tỉ lệ tìm việc thành công của sinh viên tốt nghiệp, từ đó cung cấp cơ sở và bằng chứng tin cậy để giúp sinh viên tương lai và gia đình các em có động lực và niềm tin trong các lựa chọn của mình.

Việc chọn ngành, chọn nghề không phải là dễ dàng vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu cho biết, điều đáng mừng là hiện nay đã có những bạn trẻ dám sống là mình mà không phải là bản sao của bất kỳ ai – ngay cả người thân hay mẫu hình nào đó. Dám sống khác, thử thách bản thân, làm chủ cuộc đời mình, dù thành công hay thất bại nhưng điều này là một sự đáng khuyến khích và khen ngợi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thí sinh phải xem xét kỹ trước khi chọn ngành thi trong năm 2018
Thí sinh phải xem xét kỹ trước khi chọn ngành thi trong năm 2018

VOV.VN -Trong Quy chế tuyển sinh năm 2018 của Bộ GD&ĐT có khá nhiều điểm mới. Các thí sinh cần tỉnh táo phân tích, chọn lựa, để tránh nhầm lẫn.

Thí sinh phải xem xét kỹ trước khi chọn ngành thi trong năm 2018

Thí sinh phải xem xét kỹ trước khi chọn ngành thi trong năm 2018

VOV.VN -Trong Quy chế tuyển sinh năm 2018 của Bộ GD&ĐT có khá nhiều điểm mới. Các thí sinh cần tỉnh táo phân tích, chọn lựa, để tránh nhầm lẫn.

Kỳ thi THPT Quốc gia 2017: Tránh sai lầm khi chọn ngành nghề
Kỳ thi THPT Quốc gia 2017: Tránh sai lầm khi chọn ngành nghề

VOV.VN - Thí sinh cần tìm hiểu về xu hướng thị trường lao động khi chọn nghề cho dù cơ hội vào các trường đại học đã rộng mở.

Kỳ thi THPT Quốc gia 2017: Tránh sai lầm khi chọn ngành nghề

Kỳ thi THPT Quốc gia 2017: Tránh sai lầm khi chọn ngành nghề

VOV.VN - Thí sinh cần tìm hiểu về xu hướng thị trường lao động khi chọn nghề cho dù cơ hội vào các trường đại học đã rộng mở.

Xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2016: Chọn ngành sao cho hợp lý?
Xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2016: Chọn ngành sao cho hợp lý?

VOV.VN-Bên cạnh việc tìm hiểu thật kỹ nét mới về thông tin các trường, các ngành, thí sinh cần nhìn nhận đúng năng lực bản thân để tránh chọn sai nguyện vọng…

Xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2016: Chọn ngành sao cho hợp lý?

Xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2016: Chọn ngành sao cho hợp lý?

VOV.VN-Bên cạnh việc tìm hiểu thật kỹ nét mới về thông tin các trường, các ngành, thí sinh cần nhìn nhận đúng năng lực bản thân để tránh chọn sai nguyện vọng…