PGS.TS Trần Đắc Phu: Để giảm lây lan Covid-19 vẫn phải thực hiện nghiêm 5K

VOV.VN - Số ca mắc Covid-19 ở Nhật Bản và một số nước Châu Phi đang giảm một cách ngoạn mục. Nguyên nhân do đâu và giải pháp nào cho Việt Nam trong việc kiểm soát dịch Covid-19?

Những ngày gần đây, Nhật Bản và một số nước Châu Phi đã trở thành hiện tượng khiến cả thế giới quan tâm khi số ca mắc và tử vong do Covid-19 đã giảm ngoạn mục. Đặc biệt 2 tuần nay số ca mắc tại Nhật Bản chỉ ở mức trên dưới 200 ca và không có ca tử vong. Đây là điều mà bất cứ quốc gia nào cũng mong đợi, trong đó có Việt Nam với số ca mắc mỗi ngày gần đây lại vượt mốc hơn 10.000 và số tử vong 3 con số.

Câu chuyện của Nhật Bản và một số nước châu Phi đang đặt ra hy vọng liệu Covid-19 có thể biến mất? Việc bao phủ tiêm phòng vaccine có góp phần đẩy lùi được đại dịch? Với diễn biến còn rất phức tạp tại nước ta, giải pháp nào để giảm số ca mắc và tử vong? Phóng viên VOV trao đổi với PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng về nội dung này.

PV: Thưa ông, những ngày gần đây số ca mắc ở nước ta cũng như nhiều quốc gia khác vẫn liên tục tăng trong khi dịch Covid-19 tại một số nước châu Phi và Nhật Bản thì lại giảm ngoạn mục. Là chuyên gia dịch tễ, ông nhìn nhận ra sao về câu chuyện này?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Nhật Bản từ 1000 ca/ngày bây giờ chỉ còn vài trăm ca. Qua theo dõi, chúng tôi thấy Nhật Bản có chiến lược y tế dự phòng rất tốt từ vấn đề về tiếp xúc gần trong không gian kín đến tiếp xúc đông người… Nhưng cũng có ý kiến cho rằng biến chủng của virus thành chủng giảm lây lan hơn hoặc qua quá trình nhân lên của virus thì tự nó hủy diệt. Song, hiện vẫn đang phải theo dõi tất cả những vấn đề này để phân tích mới có kết luận cụ thể.

PV: Việc tăng cường tiêm phòng cho người dân của Nhật Bản có thể xem là một trong những giải pháp để ứng phó được hiệu quả với dịch Covid-19. Với tỷ lệ tiêm phòng cao đạt đến 76% người dân tiêm đủ 2 mũi vaccine và triển khai tiêm bổ sung mũi 3 cho người dân, theo ông, đây có phải là nguyên nhân khiến số ca mắc Covid-19 tại Nhật Bản giảm mạnh như vậy?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Trước tiên tôi muốn khẳng định tác dụng vaccine tạo miễn dịch cho người, giúp giảm sự lây nhiễm và trở nặng, thậm chí vaccine giúp thanh toán được một số bệnh. Hiện nay các bà mẹ vẫn đưa con đi tiêm vaccine trong chương trình tiêm chủng, giúp giảm đi hàng trăm, hàng nghìn thiệt hại do những bệnh tật đó. Còn bàn riêng về chuyện tiêm vaccine phòng Covid-19, hiện nay đã rõ không có tiêm để miễn dịch suốt đời mà giảm dần hiệu quả sau 6-8 tháng, vì thế một số nước đã triển khai tiêm mũi 3 bổ sung.

Thế nhưng, cũng phải nhìn nhận một thực tế, nhiều quốc gia, nhất là các nước ở châu Âu như Đức và kể cả Hàn Quốc có tỷ lệ tiêm mũi bổ sung tăng cường khá cao nhưng diễn biến dịch Covid-19 vẫn phức tạp. Trong khi đó, các nước ở Châu Phi tỷ lệ tiêm phòng rất thấp nhưng số ca mắc lại không cao.

Tất nhiên có người nói do thể trạng người dân, song cũng có ý kiến cho rằng diễn biến dịch ở Châu Phi sẽ phức tạp hơn trong thời gian tới. Tôi nghĩ rằng cần tiếp tục theo dõi và phân tích kỹ hơn, bởi lẽ để có con số giảm ngoạn mục như vậy, ngoài tiêm chủng vaccine, Nhật Bản còn là quốc gia được đánh giá là luôn tuân thủ tốt việc đeo khẩu trang phòng dịch và thậm chí có giai đoạn dịch diễn biến phức tạp, chính quyền nước này còn yêu cầu người dân đeo khẩu trang tại nhà để bảo vệ người cao tuổi, người mắc bệnh nền.

PV: Như vậy có thể nói khẩu trang vẫn là phương tiện phòng hộ không thể thiếu trong đại dịch Covid-19 đúng không, thưa ông?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Nếu như giai đoạn đầu rất nhiều người ở các nước Châu Âu không đeo khẩu trang nhưng bây giờ trong các cuộc họp, kể cả các nguyên thủ vẫn đeo khẩu trang. Nghiên cứu khoa học chỉ rõ, việc đeo khẩu trang có thể giúp giảm 53% nguy cơ lây lan Covid-19. Tôi cho rằng đấy là cách đúng kết hợp với các vấn đề khác mà chúng ta vẫn gọi là 5K để giảm sự lây bệnh.

Chúng ta cũng biết rằng, tất cả việc đó Nhật Bản cũng làm rất tốt. Vì thế cần phải theo dõi kỹ sự phối hợp giữa các biện pháp phòng bệnh của Nhật Bản.

PV: Từ câu chuyện của Nhật Bản, chúng ta có thể liên hệ với tình hình của Việt Nam hiện nay. Với khuyến cáo 5K cùng tỷ lệ tiêm vaccine ở mức khá cao, vì sao số ca mắc của Việt Nam vẫn tăng mạnh, thưa ông?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Khi chúng ta nới lỏng các hoạt động xã hội, thực hiện theo Nghị quyết 128, việc nới lỏng rõ ràng làm giao tiếp giữa người với người tăng lên trong một tỉnh, thành phố, đặc biệt là giao tiếp người đi từ các tỉnh thành khác về.

Vừa qua những người đi từ vùng dịch về Tây Nguyên, các tỉnh phía Bắc, đặc biệt Hà Nội thì lại tiếp tục lây lan, tạo nên những ổ dịch mới rất khó truy vết, làm dịch càng bùng phát. Nếu không làm tốt các biện pháp 5K, khi đã nới lỏng như vậy sẽ vẫn có sự lây lan. Do vậy, chúng ta vẫn phải thực hiện nghiêm 5K.

PV: Từ câu chuyện tại Nhật Bản và Châu Phi, nhiều nước hiện nay cũng mong đợi là dịch bệnh Covid-19 có thể biến mất sau một thời gian thống trị và tự triệt tiêu chính nó. Theo ông, điều này có khả thi hay không?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Về nghiên cứu lịch sử y tế dự phòng, nhiều bệnh truyền nhiễm giảm đi một cách ngoạn mục khi chúng ta thực hiện các biện pháp tiêm vaccine, thực hiện các biện pháp dự phòng môi trường hoặc có bệnh liên quan đến thuốc điều trị, có bệnh trở thành những đợt đặc hữu khi mà tỷ lệ tiêm vaccine cao hoặc nó biến đổi như bệnh cúm mùa.

Theo tôi, tất cả những cái đó chúng ta phải theo dõi tiếp và không nên lơ là, chủ quan. Về câu hỏi SARS-CoV-2 sẽ trở về bệnh đặc hữu hay mất hẳn, quan điểm của tôi cho rằng nó có thể trở thành bệnh đặc hữu, nhưng tất cả những cái này chúng ta vẫn cần phải có theo dõi tiếp, còn trong thời điểm này Covid-19 vẫn là một đại dịch phải cảnh giác rất cao. Đặc biệt, tổ chức Y tế thế giới cảnh báo rằng Châu Âu chuẩn bị ứng phó với một đợt dịch mới có thể giết chết đến 700.000 người.

PV: Xin cảm ơn ông!

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

30 tỉnh, thành đã tiêm vaccine COVID-19 cho hơn 2 triệu trẻ em
30 tỉnh, thành đã tiêm vaccine COVID-19 cho hơn 2 triệu trẻ em

VOV.VN - Thống kê sơ bộ đến ngày 25/11, đã có hơn 2 triệu trẻ em tại 30 tỉnh, thành trên cả nước được tiêm vaccine COVID-19. Trong đó, TP.HCM đã tiến hành tiêm mũi vaccine thứ 2.

30 tỉnh, thành đã tiêm vaccine COVID-19 cho hơn 2 triệu trẻ em

30 tỉnh, thành đã tiêm vaccine COVID-19 cho hơn 2 triệu trẻ em

VOV.VN - Thống kê sơ bộ đến ngày 25/11, đã có hơn 2 triệu trẻ em tại 30 tỉnh, thành trên cả nước được tiêm vaccine COVID-19. Trong đó, TP.HCM đã tiến hành tiêm mũi vaccine thứ 2.

Thêm nhiều địa phương triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em
Thêm nhiều địa phương triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em

VOV.VN - Ngày 24/11, các địa phương tiếp tục tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em. Trong đó, có địa phương thực hiện mũi tiêm đầu tiên cho trẻ từ 12-17 tuổi.

Thêm nhiều địa phương triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em

Thêm nhiều địa phương triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em

VOV.VN - Ngày 24/11, các địa phương tiếp tục tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em. Trong đó, có địa phương thực hiện mũi tiêm đầu tiên cho trẻ từ 12-17 tuổi.

Bình Dương khuyến cáo người đã tiêm vaccine không được chủ quan, lơ là
Bình Dương khuyến cáo người đã tiêm vaccine không được chủ quan, lơ là

VOV.VN - Theo TS. Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, gần đây, Bình Dương có rất nhiều bệnh nhân COVID-19 đã tiêm vaccine tử vong. Do đó, người dân không nên chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch bệnh.

Bình Dương khuyến cáo người đã tiêm vaccine không được chủ quan, lơ là

Bình Dương khuyến cáo người đã tiêm vaccine không được chủ quan, lơ là

VOV.VN - Theo TS. Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, gần đây, Bình Dương có rất nhiều bệnh nhân COVID-19 đã tiêm vaccine tử vong. Do đó, người dân không nên chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch bệnh.