PGS-TS Trần Thị Thu Hà - Nhà khoa học tâm huyết với cây dược liệu
VOV.VN - PGS, TS Trần Thị Thu Hà là nhà khoa học nữ đầy tâm huyết, say mê trong nghiên cứu và bảo tồn, nhân giống các loại cây gỗ, dược liệu quý ở Việt Nam.
PGS, TS Trần Thị Thu Hà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp, Trường đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên) là nhà khoa học nữ đầy tâm huyết, say mê trong nghiên cứu và bảo tồn, nhân giống các loại cây gỗ, dược liệu quý ở Việt Nam. Thành tựu đáng chú ý là nghiên cứu, lai tạo và nuôi trồng thành công 40 loại cây dược liệu quý của Việt Nam, mang lợi ích kinh tế cao.
Với những cống hiến đó, PGS, TS Trần Thị Thu Hà vinh dự được Hội LHPN Việt Nam trao giải thưởng Kovalevskaia năm 2019 vào ngày 19/5 tới.
Hình ảnh PGS, TS Trần Thị Thu Hà bắt đầu công việc từ 6h sáng để kiểm tra vườn ươm giống, khu khảo nghiệm giống và kết thúc công việc vào lúc đêm muộn ngay tại phòng thí nghiệm đã quen thuộc tại Viện Nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp.
Thời gian đầu khi làm việc ở Trường đại học Nông Lâm, chị Thu Hà tập trung vào công tác bảo tồn và nghiên cứu về những cây gỗ, với mục tiêu tuyển chọn và lai tạo những giống gỗ tốt phục vụ cho công tác trồng rừng, giúp bà con xóa đói, giảm nghèo. Năm 2008, sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ ở Ðại học quốc gia Australia trở về nước, chị đã sáng lập và phát triển Viện Nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp theo cơ chế tự chủ. PGS, TS Trần Thị Thu Hà cho biết chị luôn trăn trở làm thế nào để lai tạo được giống dược liệu quý cho năng suất cao.
"Giao thông ở vùng cao khó khăn thì tại sao chúng ta không phát triển những cây lâm sản ngoài gỗ hay chính những cây dược liệu quý của Việt Nam nằm trong Sách đỏ hàng ngày hàng giờ đang mất dần. Người dân chỉ biết khai thác đến một lúc nào đó không còn nguồn dược liệu quý nữa. Suốt 10 năm qua chúng tôi ấp ủ theo đuổi làm thế nào đó nhân ra được các giống dược liệu quý này", PGS, TS Trần Thị Thu Hà chia sẻ.
Chính điều này đã thôi thúc PGS, TS Thu Hà ngày đêm nghiên cứu, tuyển chọn, lai tạo và nuôi trồng thành công 40 loại cây dược liệu quý của Việt Nam, mang lợi ích kinh tế cao như: Thông đất, lan kim tuyến, gừng gió, thất diệp nhất chi hoa, sa nhân tím, sói rừng, kim ngân hoa, sâm Ngọc Linh…
Bên cạnh đó, PGS-TS Thu Hà còn tập trung nghiên cứu và ứng dụng sinh học phân tử và hóa sinh phân tử vào xác định đúng loài và hoạt tính dược liệu phục vụ cho việc tạo ra giống tốt, trồng với quy mô công nghiệp, giúp phát triển ngành dược liệu của Việt Nam. Sau khi đã tạo ra những cây giống có chất hoạt tính dược liệu cao, chị Thu Hà đã đưa ra quy trình trồng dược liệu ở quy mô lớn để tạo việc làm cho người dân. Chị cũng đã đi đến vùng sâu, vùng xa hướng dẫn cho người dân bản địa cách trồng các loại giống dược liệu, thu mua sản phẩm của họ và liên kết với những công ty, tập đoàn lớn để chế biến dược liệu thành các loại thực phẩm chức năng, thuốc… có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Viện nghiên cứu của PGS, TS Thu Hà đã hỗ trợ thành lập doanh nghiệp khoa học đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên (Công ty cổ phần Nông lâm nghiệp và Môi trường Việt Nam). Đồng thời, mở rộng thêm hai chi nhánh ở Hà Giang và Quảng Nam.
PGS, TS Trần Thị Thu Hà cho biết: "Hiện nay hệ thống của chúng tôi đang thương mại và cung cấp hệ thống đặc biệt về giống, các sản phẩm tại hơn 30 tỉnh trên cả nước. Mơ ước của chúng tôi là những sản phẩm của người dân không chỉ tiêu thụ ở trong nước mà còn tiến tới thị trường nước ngoài. Đây là bài toán để giải quyết phát triển kinh tế xã hội cho đồng bào vùng sâu vùng xa. Đó là mơ ước đồng bào dân tộc có thể sống trên mảnh đất của mình".
Với vai trò là Viện trưởng Viện nghiên cứu, chị Thu Hà luôn sẵn sàng mở ra những cơ hội việc làm cho các bạn trẻ đam mê với công tác nghiên cứu sau khi ra trường và tạo ra môi trường làm việc cho nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên trong nước và quốc tế vừa học vừa làm.
Chia sẻ về những đóng góp và thành tích của PGS, TS Thu Hà, Hiệu trưởng Trường đại học Nông Lâm (Ðại học Thái Nguyên) PGS, TS Trần Văn Ðiền, cho biết: "Chúng tôi rất tự hào về PGS, TS Thu Hà - một nhà khoa học, một nhà giáo và cũng là nhà quản lý có trách nhiệm với tất cả các công trình nghiên cứu, tâm huyết tìm tòi những vấn đề mới, sáng tạo để phát triển ngành lâm nghiệp ở Việt Nam. Các công trình nghiên cứu tạo ra giống cây lâm nghiệp, cây dược liệu, quy trình sản xuất các sản phẩm dược liệu của PGS, TS Thu Hà mang tính ứng dụng cao ở các tỉnh miền núi phía bắc và được địa phương công nhận và áp dụng”.
Ðến nay, PGS, TS Trần Thị Thu Hà cùng tập thể cán bộ ở Viện Nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp đã bảo hộ và được cấp 12 bằng Bảo hộ giống dược liệu quý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đưa vào sản xuất, kinh doanh. Ðồng thời, chị là tác giả chính của 7 bằng độc quyền Giải pháp hữu ích do Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp.
Với những đóng góp của cho ngành lâm nghiệp nước nhà 20 năm qua, PGS, TS Trần Thị Thu Hà xứng đáng được nhận Giải thưởng Kovalevskaia – giải thưởng dành tặng cho những tập thể, cá nhân nữ khoa học gia xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn cuộc sống./.