Phá rừng tự nhiên đến đâu, cây keo mọc lên đến đó
VOV.VN - Trong 2 tháng 8 và 9 vừa qua, khi cả nước tập trung chống dịch Covid-19 thì trên địa bàn tỉnh Phú Yên liên tiếp xảy ra các vụ phá rừng đầu nguồn nghiêm trọng. Rừng bị tàn phá đến đâu cây keo mọc lên đến đó.
LTS: Trong 2 tháng 8 và 9 vừa qua, khi cả nước tập trung chống dịch Covid-19 thì trên địa bàn tỉnh Phú Yên liên tiếp xảy ra các vụ phá rừng đầu nguồn nghiêm trọng. Rừng bị tàn phá đến đâu cây keo mọc lên đến đó.
Nhiều chuyên gia cảnh báo, cây keo mang lại lợi ích kinh tế trước mắt nhưng nếu phát triển ồ ạt tại vùng núi cao thì tình trạng đất chảy, núi lở, sụt trượt vào mùa mưa dễ gây nhiều thảm họa.
Các vụ thảm họa sạt lở đất, vùi lấp nhiều bản làng xảy ra tại các tỉnh miền Trung trong mùa mưa bão năm ngoái một phần do con người tàn phá rừng tự nhiên, đầu nguồn.
Bảo vệ rừng tự nhiên ít ỏi còn lại là vấn đề cấp bách, mang tính sống còn. Thế nhưng, nhiều nơi vẫn ồ ạt phá rừng tự nhiên, rừng phòng hộ để trồng keo, thậm chí rừng nằm trong vùng di tích cần được bảo vệ nghiêm ngặt cũng bị triệt hạ để trồng keo.
Thực trạng đau lòng này được chúng tôi đề cập đến trong loạt bài “Phá rừng trồng keo: Lợi một người, hại triệu người”.
Phải mất hơn 1 giờ đồng hồ lội bộ, băng qua nhiều quả đồi theo lối mòn của các đối tượng phá rừng mở ra, chúng tôi mới đến được rừng phòng hộ đầu nguồn khu vực Hòn Đót, tiểu khu 170, thuộc xã Sơn Định, huyện miền núi Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Đây là một trong những điểm nóng về tình trạng phá rừng phòng hộ để trồng keo, gây bức xúc dư luận trong thời gian qua. Tại hiện trường, rất nhiều cây gỗ lớn bị triệt hạ còn trơ gốc. Các đối tượng phá rừng đã mở một con đường mòn dài hơn nửa cây số đưa xe cơ giới và phương tiện vào cưa xẻ, vận chuyển gỗ ra khỏi rừng. Rừng Phú Yên tiếp tục chảy máu…”
Cuối tháng 8, đầu tháng 9 vừa qua, nhiều vụ phá rừng quy mô lớn xảy ra ở tỉnh Phú Yên. Dư luận bức xúc khi nhiều cánh rừng phòng hộ đầu nguồn thuộc các xã Sơn Hội, Sơn Long, Sơn Định, huyện miền núi Sơn Hòa bị tàn phá. Nơi đây từng là địa bàn nóng về nạn phá rừng tự nhiên để trồng keo. Ông Sô Minh Thông, ở thôn Tân Thành, xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa rất bất ngờ khi một số đối tượng ngang nhiên vào Tiểu khu 162, thuộc lưu vực sông Trà Bương, xã Sơn Hội để phá rừng lấy đất trồng keo, nhưng chủ rừng “làm ngơ”.
“Từ năm 2017 đến nay, một số đối tượng thuê nhân công đến phát dọn, những cây lớn dùng máy cưa ngã để trồng keo. Những chòm rừng cây to nó thưa thì họ dọn cây nhỏ đi trồng cây keo vào. Đến khi khai thác họ đốt cháy rừng thì họ tiếp tục hạ cây lớn và trồng keo tiếp. Phá rừng tới đâu họ trồng keo tới đó”- ông Sô Minh Thông nói.
Không chỉ có rừng phòng hộ bị tàn phá mà ngay cả rừng tự nhiên thuộc Khu di tích lịch sử Quốc gia Hội trường Mùa Xuân - căn cứ cách mạng của tỉnh Phú Yên thời kháng chiến chống Mỹ ở thôn Phong Hậu, xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa cũng bị chặt phá. Nhiều cây to nằm trong vùng lõi thuộc Khu di tích lịch sử quốc gia này bị đốn hạ để lấy đất trồng keo. Thế nhưng, khi trả lời phóng viên VOV, ông Đặng Việt Dũng, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên cứ khăng khăng cho rằng, mấy năm nay chưa phát hiện vụ phá rừng nào?
“5, 6 năm nay chưa phát hiện vụ phá rừng nào, lấn chiếm thì có. Toàn bộ những vụ việc nào lấn chiếm thì chuyển cơ quan xử lý, chủ yếu nó lấn vào diện tích sau khai thác là chính. Còn đối với rừng tự nhiên nó lấn vào thì các lực lượng đến ngăn lại”- ông Đăng Việt Dũng cho biết.
Cách trả lời sai thực tế của người đứng đầu đơn vị được giao quản lý, bảo vệ rừng khiến dư luận thêm bất bình. Vừa qua, nhiều cánh rừng ở miền núi tỉnh Phú Yên bị chặt phá tràn lan. Khi xảy ra phá rừng thì những người có trách nhiệm lại đùn đẩy lẫn nhau. Ông Nay Y Blung, Bí thư Huyện ủy Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên khẳng định, Ban Quản lý rừng phòng hộ Sơn Hòa thời gian qua đã thiếu trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng.
“Phá rừng trên địa bàn diễn ra khá tinh vi. Đi thị sát thấy rất rõ, tàn phá rừng bằng cơ giới. Số người vào rừng tàn phá rừng lên đến hàng chục người, sức tàn phá rất nhanh. Cụ thể như khu vực Hòn Đót, xã Sơn Định phát hiện 12 đối tượng chặt phá 10 ha”- ông Nay Y Blung cho biết.
Rừng tự nhiên phá tới đâu, cây keo mọc lên tới đó. Tại đây, cách phá rừng theo một “quy trình” để biến rừng tự nhiên thành rừng trồng keo. Lúc đầu, các đối tượng vào tận rừng già, chặt phá những thân cây nhỏ để trồng cây keo. Sau một thời gian, khi cây keo đã lớn, họ cưa đổ các cây lớn, đốt cháy gốc. Đến mùa mưa, họ đưa cây keo vào trồng, cứ như thế hàng chục héc ta rừng phòng hộ đổ xuống là rừng trồng keo lại mọc lên. Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, tình trạng phá rừng xảy ra từ nhiều năm nay nhưng Ban Quản lý rừng phòng hộ Sơn Hòa chưa làm tròn trách nhiệm.
“Việc xử lý không đứt điểm làm cho phá rừng ngày càng trở nên nhiều hơn. Có những chỗ đã bị phá từ lâu rồi cho nên phải có hình thức xử lý. Chúng tôi giao trách nhiệm cho Công an, Sở Nông nghiệp, Kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương điều tra làm rõ vụ việc. Trên cơ sở đó, cũng điều tra tổng số hộ dân tại đây, diện tích đất canh tác, từ đó đánh giá tình hình về việc người dân lấn chiếm. Ở đây, họ lấn chiếm vì mục đích kinh tế hay có lý do khác, liệu có ai đứng sau những vụ phá rừng này?. Từ đó mới có giải pháp liên quan đến đất sản xuất, an sinh cho người dân”- ông Trần Hữu Thế cho biết.
Trên địa bàn các tỉnh miền Trung, đi khắp các vùng trung du đến miền núi cao, đâu đâu cũng thấy người người trồng keo, nhà nhà trồng keo. Cây keo phủ kín sườn đồi. Nhiều diện tích vườn nhà cũng được trồng keo. Nhiều nơi, rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn bị tàn phá để trồng cây keo. Rừng phá đến đâu, cây keo mọc lên đến đó. Ông Hồ Văn Thao, ở xã Trà Phong, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trồng keo quá nhiều ở miền núi cao không giữ được nước, đến mùa hè các dòng suối khô cạn, thiếu nước; mùa mưa xuất hiện lũ quét, gây sạt lở đất.
“Rừng hiện nay bà con trồng cây keo rất nhiều, việc trồng cây keo giữ nước rất hạn chế. Trước đây, chúng ta dự đoán không dự lường được, việc trồng các loại cây keo không giữ được nguồn nước”- ông Hồ Văn Thao cho biết.
Các chuyên gia đã từng cảnh báo việc trồng cây keo ồ ạt ở miền núi cao sẽ gây ra nhiều hệ lụy khó lường. Chủ trương trồng keo không sai, nhưng nhà nhà trồng keo, người người trồng keo như thời gian vừa qua đã và đang cho thấy, chuyện trồng keo lợi một người hại triệu người. Sau chu kỳ 5 năm, rừng trồng keo lại trở thành đồi núi trọc. Quá trình khai thác, người dân phát rừng làm đường vận chuyển, phá hủy hệ sinh thái, không giữ được đất, khi gặp mưa thì bị bào mòn, xói lở. Vậy trồng rừng như thế nào để tránh các thảm họa thiên tai? Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong bài viết tiếp theo./.