"Phải ràng buộc trách nhiệm cá nhân, tổ chức để đảm bảo vận chuyển an toàn học sinh"
VOV.VN - Theo Bộ trưởng GTVT, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng nên phải ràng buộc trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, đặc biệt phương tiện vận chuyển học sinh phải đảm bảo an toàn.
Sáng 16/11, tiếp thu ý kiến của ĐBQH về dự thảo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu về vấn đề giao thông tĩnh, phát triển giao thông đô thị, các vấn đề còn vướng mắc trong quản lý Nhà nước về giao thông.
Nhấn mạnh việc quản lý đưa đón học sinh hiện nay là đặc biệt quan trọng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, vấn đề này đã được cụ thể hóa trong dự thảo Luật. Nêu ý kiến với nội dung này, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) cho rằng, để hoạt động đưa đón học sinh được thuận lợi, cần làm rõ những quy định ưu tiên đối với phương tiện đưa đón học sinh như ưu tiên lưu thông trên đường, ưu tiên nơi dừng đỗ quanh trường học và tại các điểm đưa đón trong lộ trình xe chạy, đồng thời ưu tiên sản xuất, nhập khẩu các phương tiện phục vụ đưa đón học sinh, lắp đặt các biển báo, cảnh báo các phương tiện tại các điểm học sinh lên xuống xe.
“Cần có quy định, điều kiện khác nhau cho hoạt động đưa đón học sinh của cơ sở giáo dục với các cơ sở kinh doanh được các nhà trường thuê đưa đón”, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, xe đưa đón học sinh không thể mang tính thời vụ vì nó liên quan đến tính mạng của những học sinh - là thế hệ tương lai của đất nước: “Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng nên phải ràng buộc trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, đặc biệt phương tiện vận chuyển học sinh phải đảm bảo an toàn”.
Liên quan đến dịch vụ hỗ trợ vận tải các dịch vụ xe kết nối như Uber, Grab, Go-Viet được nhiều ĐBQH góp ý, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ GTVT ủng hộ và hoan nghênh các đơn vị cung cấp phần mềm tham gia kinh doanh vận tải. Bộ GTVT khẳng định, các đơn vị này đang kinh doanh vận tải tại Việt Nam, do đó, phải ứng xử như đơn vị kinh doanh vận tải.
“Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đã được ban hành để quản lý những loại hình vận tải mới. Do đó, Bộ GTVT cụ thể hóa thành Luật để xử lý vi phạm nghiêm minh, đúng pháp luật”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Người đứng đầu Bộ GTVT khẳng định, ông hết sức lắng nghe các ĐBQH góp ý về Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và có nhiều nội dung cũng liên quan đến Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Ý kiến của đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị) cho rằng, những vấn đề còn bất cập, thiếu quy định để thực hiện Luật GTĐB hiện hành thì Quốc hội cần xem xét, sửa đổi cho phù hợp ngay trong nội hàm luật hiện hành thay vì tách thành 2 luật là Luật Giao thông đường bộ sửa đổi và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đã nhận được nhiều sự đồng tình của các ĐBQH tại nghị trường.
Sau khi lắng nghe các ý kiến này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, nếu kéo dài thêm thời gian thì những vấn đề bất cập hiện nay của lĩnh vực giao thông đường bộ sẽ không được giải quyết: “Vấn đề cuối cùng là thời điểm ban hành. Chúng tôi rất mong Quốc hội xem xét, bởi vì nội dung của 2 dự luật hiện nay tương đối đầy đủ và cũng được bóc tách từ Luật Giao thông đường bộ cũ, hoàn toàn nằm trong phần chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ”./.