Phát hiện và thu giữ hơn 67.000 mũ bảo hiểm giả
(VOV) -"Phải kiên quyết xử lý mũ bảo hiểm kém chất lượng, kiểm tra từ đầu nguồn đối với các cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm".
PV: Ông đánh giá những kết quả đã đạt được sau hơn 1 tháng thực hiện cao điểm về xử lý mũ bảo hiểm kém chất lượng?
Ông Trần Hùng: Theo số liệu báo cáo của các Chi cục Quản lý Thị trường trên cả nước, sau hơn 1 tháng triển khai đã kiểm tra gần 1.800 vụ, xử lý trên 900 vụ, tổng số mũ tịch thu và tạm giữ tính đến ngày 27/3 là gần 67.000 chiếc, nộp ngân sách Nhà nước trên 256 triệu đồng.
Ông Trần Hùng - Cục phó Cục Quản lý thị trường – Bộ Công Thương (Ảnh:moit.gov.vn) |
Trong đó các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh mũ bảo hiểm không có nhãn, không ghi nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa, kinh doanh mũ không có dấu hợp quy, chưa công bố tiêu chuẩn chất lượng, kinh doanh mũ có kiểu dáng giống mũ bảo hiểm, không ghi nhãn hàng hóa, không nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ và kinh doanh sai nội dung ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đây là những lỗi qua kiểm tra xử lý thường gặp.
PV: Hiện nay trên thị trường xuất hiện loại mũ bảo hiểm có đủ 3 bộ phận theo quy định, nhưng chất lượng lại rất thấp. Vậy cơ quan quản lý sẽ làm gì để ngăn chặn tình trạng này thưa ông?
Ông Trần Hùng: Chúng tôi đã lường trước được vấn đề, bởi vì các đối tượng làm hàng giả sẽ lợi dụng sơ hở khi chưa quy định rõ cách kiểm tra chất lượng mũ bảo hiểm, để tung hàng ra thị trường lừa người tiêu dùng. Điển hình như mới đây, Đội Quản lý Thị trường số 11 của thành phố Hà Nội đã bắt giữ được số lượng lớn gần 6000 chiếc mũ bảo hiểm giả về công dụng và chất lượng giống y chang như mũ bảo hiểm thật. Tem để sẵn chỉ việc dán vào, cũng đủ 3 lớp, trong thì dán một miếng xốp nhỏ bóp là bẹp, phần nhựa chỉ là nhựa tái sinh rơi là vỡ, cũng có dây quai đeo, tất cả những phần này đều như mũ bảo hiểm thật. Chúng tôi đã xác định đây là hàng giả.
Theo tôi tới đây sẽ cần phải xử lý những vụ điển hình, thậm chí truy tố trước pháp luật. Tôi cũng rất mong những người tiêu dùng, nếu phát hiện cơ sở kinh doanh, sản xuất mũ bảo hiểm kém chất lượng, hãy đến cơ quan chức năng gần nhất để thông báo để được xử lý kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho người dân.
PV: Để tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi” trong những tháng tới, lực lượng quản lý thị trường sẽ tiếp tục triển khai nhiệm vụ gì thưa ông?
Ông Trần Hùng: Phải kiên quyết trong việc xử lý mũ bảo hiểm kém chất lượng, phải kiểm tra từ đầu nguồn đối với các cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm phải đảm bảo chất lượng, đạt tiêu chuẩn.
Để tránh việc nhập lậu từ biên giới vào, chúng tôi cũng đã ra chỉ thị với tất cả các Chi cục Quản lý Thị trường các tỉnh biên giới tăng cường kiểm tra kiểm soát, xác định đây là nhiệm vụ chính trị, phải giám sát chặt chẽ các đối tượng có thể lợi dụng sự khan hiếm hàng mà nhập lậu các loại mũ không đảm bảo chất lượng mang về lừa dối người tiêu dùng. Các chi cục đã tăng cường chốt chặn để kiểm tra, kiểm soát.
Về góc độ quản lý thị trường, chúng tôi cũng có khuyến cáo người dân, để mua được chiếc mũ bảo hiểm chất lượng tốt hãy đến các đại lý chính thức của các nhà sản xuất mũ bảo hiểm có uy tín, mũ bảo hiểm phải đạt những tiêu chuẩn như phải có giấy hợp quy, có tem, có nhãn, có cửa hàng và giấy bảo hành./.
PV: Vâng xin cảm ơn ông!./.