Phát thanh Việt Nam đồng hành cùng khát vọng hòa bình của dân tộc

VOV.VN - Sinh ra cùng đất nước, đồng hành cùng đất nước, Tiếng nói Việt Nam luôn tự hào trở thành tiếng nói của lương tri đấu tranh cho khát vọng tự do, độc lập, chung tay dựng xây thế giới hòa bình.

Sinh ra cùng đất nước, đồng hành cùng đất nước, Tiếng nói Việt Nam luôn tự hào trở thành tiếng nói của lương tri đấu tranh cho khát vọng tự do, độc lập, chung tay dựng xây thế giới hòa bình. Đó cũng chính là điều mà ngày Phát thanh thế giới năm 2023 với chủ đề “Phát thanh và Hòa bình” muốn nói để mỗi người làm báo phát thanh hôm nay thêm tự hào và nhận thức đầy đủ hơn trách nhiệm của mình trong việc lan tỏa những giá trị nhân văn của loại hình báo chí có bề dày truyền thống này, nhằm thúc đẩy sự gắn kết và sẻ chia, đấu tranh chống lại bất công xã hội, giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, hướng tới một xã hội hòa bình và nhân ái. 

  ….“Hỡi đồng bào cả nước! Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc"…

Đó là âm thanh của lời Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh trang trọng tuyên bố với toàn thể quốc dân đồng bào trong nước và cộng đồng quốc tế về sự ra đời của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ Quảng trường Ba Đình lịch sử được truyền đi qua làn sóng phát thanh trong buổi chiều mùng 2-9-1945, để nói với thế giới rằng: độc lập, tự do và hòa bình luôn là khát vọng cháy bỏng của dân tộc Việt Nam. Người khẳng định: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Thời điểm thực dân Pháp quay trở lại đánh chiếm nước ta một lần nữa, từ Chùa Trầm, ngoại thành Hà Nội, qua làn sóng phát thanh, vang lên Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ai đã trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, mới hiểu hết giá trị của “Tiếng nói Việt Nam” qua làn sóng phát thanh. Đó là những dòng tin nóng hổi từ chiến trường; Là lời thơ chúc Tết dung dị mà sâu xa ý nghĩa của Bác Hồ mỗi dịp đón Giao thừa, động viên quân dân hai miền sản xuất và chiến đấu cho mục tiêu thống nhất đất nước; Là ruộng lúa bờ tre kẽo kẹt võng đưa và ầu ơ tiếng hát của những bà mẹ trẻ cho no tròn hạt thóc trên đồng, cho con thơ say giấc nồng những tháng ngày vắng bố. Với nhiều người, thông tin qua Đài TNVN từ lâu đã trở thành hơi thở, thành sự sống, ghi dấu những thời khắc thiêng liêng. Thiếu tướng Hồ Sĩ Hậu, nguyên Cục trưởng Cục kinh tế, Bộ Quốc phòng vẫn không quên cảm xúc nghe Tiếng nói Việt Nam giữa rừng Trường Sơn, khi thi công đường ống đưa xăng dầu từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam.

 "Lúc đó Đài TNVN là kênh thông tin duy nhất đối với người lính. Cả đơn vị có một cái đài, xúm lại mà nghe. Nghe ca nhạc, đọc truyền đêm khuya, đặc biệt là tin tức mặt trận, nó khích lệ rất là nhiều. Những bài hát trên Đài TNVN mang đến tinh thần, khí thế rất lớn cho bộ đội. Kỷ niệm khi nghe tin Bác mất, anh em muốn đến một đơn vị nào đó để nghe Bác mất thế nào, tình cảm của người dân với Bác ra sao. Mở đài ra nghe tiếng khóc, tiếng đọc điếu văn của Cụ Lê Duẩn, sao cứ nghèn nghẹn. Chỉ có qua Đài TNVN mới thổi được cho người lính tất cả tình cảm thiêng liêng nhất".

Chiến tranh leo thang, làn sóng phát thanh của Đài TNVN là nơi chia sẻ, gửi gắm tinh thần phản đối chiến tranh, lập lại hòa bình cho Việt Nam. Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng của các nước đã tới Hà Nội, trong đó có diễn viên Jane Fonda, Perte Siger và Joan Baez, ca sĩ đồng quê nổi tiếng nước Mỹ. Ca khúc "Con trai giờ này đang ở đâu?" được viết từ câu chuyện của một bà mẹ tìm con giữa đống đổ nát Khâm Thiên vì bom B52 của Mỹ cuối năm 1972, được ca sĩ Joan Baez biểu diễn trực tiếp tại Đài TNVN. Bởi chị hiểu rằng, chỉ có qua làn sóng phát thanh của Đài mới lan tỏa được rộng rãi đến mọi người thông điệp phản đối chiến tranh.

 Bài hát sau đó được phát hành rộng rãi ở Mỹ, trở thành một trong những ca khúc phản chiến đặc biệt. Với câu hỏi: “Con trai, giờ này đang ở đâu?” lặp đi lặp lại nhiều lần, bài hát là sự đồng cảm của giới trẻ Mỹ trước nỗi đau tột cùng mà bất kỳ người mẹ nào trên thế giới cũng cần nhận được câu trả lời. Bài hát đã mang đến cho thế giới một cái nhìn khác, rằng, không phải người Mỹ nào cũng là kẻ gây chiến tranh. Chứng kiến sự kiện này, nhà văn Nguyễn Thị Minh Thái vẫn không thể quên cảm xúc ngày ấy. Nhà văn nói: "Khi tôi nghe cô hát, trong lòng tôi tràn đầy cảm xúc và thậm chí có cả những giọt nước mắt. Cô ấy nói là, “các bạn thân mến, sau khi tôi hát ở đây, tôi sẽ sang Hỏa Lò để hát cho đồng bào của tôi nghe - những người đã ném bom B52 xuống đất nước của các bạn. Tôi hy vọng rằng tiếng hát của tôi sẽ làm cho họ hối hận”.

Đất nước hòa bình, thống nhất, Bắc- Nam sum họp một nhà. Máu và nước mắt phải khô đi cho vết thương lành lại. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi thật tài tình khi chỉ dùng mấy câu thơ lục bát mộc mạc mà đã làm sáng lên giá trị nhân văn cao cả của người Việt Nam:

 “Đất nghèo nuôi những anh hùng.

 Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên.

 Đạp quân thù xuống đất đen.

 Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”!

Sáng tạo và chắt chiu từng dòng tin, mẩu chuyện, ứng dụng lợi thế của khoa học công nghệ, phát thanh- tiếng nói Việt Nam lại tiếp tục đồng hành, lan tỏa thông tin, mang đến cái nhìn sâu hơn về một đất nước Việt Nam năng động, đổi mới cũng như tinh thần chủ động tham gia giải quyết các vấn đề quốc tế, nhất là cử lực lượng tham gia các phái bộ gìn giữ hòa bình, hoạt động cứu hộ cứu nạn, nhân đạo của Liên Hợp Quốc. Bằng những việc làm thiết thực, những người lính “Mũ nồi xanh Việt Nam” không chỉ mang cuộc sống được ăn no, được chăm sóc sức khỏe, được bảo vệ an toàn trước thiên tai dịch bệnh cho người dân ở các điểm nóng chiến tranh trên thế giới, mà chính các chiến sĩ, thầy thuốc của chúng ta đã lan tỏa những hình ảnh, câu chuyện về Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Nhà báo Lê Quốc Minh –Tổng biên tập báo Nhân Dân, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhận xét: "Đài TNVN đã có những bước đi rất mạnh dạn trong quá trình chuyển đổi số. Những chương trình phát thanh của mình ban đầu là từ những cánh sóng, bây giờ là trên nền tảng Internet, lan tỏa đến với người dân ở khắp mọi vùng miền cũng như quốc tế. Cách làm này chắc chắn là đúng hướng, người nghe Đài Tiếng nói Việt Nam không những là không gặp khó khăn do sự biến đổi của quá trình hiện đại hóa công nghệ báo chí, mà thậm chí là còn có thể được lan tỏa rộng rãi hơn. Một khi mà Đài TNVN có mối quan tâm và đã đưa rất nhiều chương trình về lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam thì chắc chắn là sẽ có sự lan tỏa nhất định. Đặc biệt là đối với các thính giả nước ngoài.

Hà Nội vẫn mùa tiếp mùa, thong thả, tự tin viết tiếp khúc tráng ca khát vọng hòa bình. Cũng đều đặn mỗi ngày, từ ngôi nhà lịch sử số 58 phố Quán Sứ, Hà Nội, Tiếng nói Việt Nam vẫn theo làn sóng phát thanh và các nền tảng công nghệ hiện đại kết nối với thính giả trong và ngoài nước, truyền đi thông điệp về sự chung tay giải quyết mâu thuẫn, xung đột thông qua đối thoại. Để phát thanh thực sự là đại diện cho tiếng nói của những cộng đồng, những nhóm người yếu thế trong xã hội, góp phần giảm căng thẳng, ngăn chặn xung đột, xóa bỏ hiểu lầm, xây dựng niềm tin./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ngày Phát thanh thế giới 2023: Phát thanh thúc đẩy hòa bình, giảm thiểu xung đột
Ngày Phát thanh thế giới 2023: Phát thanh thúc đẩy hòa bình, giảm thiểu xung đột

VOV.VN - Phát thanh là một công cụ mạnh mẽ và hiệu quả để thúc đẩy hòa bình và an ninh, nó đóng một vai trò to lớn trong việc tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và thúc đẩy đối thoại để giảm thiểu xung đột.

Ngày Phát thanh thế giới 2023: Phát thanh thúc đẩy hòa bình, giảm thiểu xung đột

Ngày Phát thanh thế giới 2023: Phát thanh thúc đẩy hòa bình, giảm thiểu xung đột

VOV.VN - Phát thanh là một công cụ mạnh mẽ và hiệu quả để thúc đẩy hòa bình và an ninh, nó đóng một vai trò to lớn trong việc tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và thúc đẩy đối thoại để giảm thiểu xung đột.

Thính giả Indonesia: VOV là cầu nối hữu nghị, đoàn kết và thúc đẩy hòa bình
Thính giả Indonesia: VOV là cầu nối hữu nghị, đoàn kết và thúc đẩy hòa bình

VOV.VN - Câu lạc bộ Bạn nghe Đài tại các khu vực của Indonesia với lượng thính giả trung thành và nhiệt huyết là những minh chứng rõ ràng nhất cho thấy phát thanh vẫn tiếp tục là một phương tiện truyền thông được yêu thích tại quốc gia Vạn đảo này. Và trong số đó, Đài TNVN vẫn luôn giành được những tình cảm trân trọng.

Thính giả Indonesia: VOV là cầu nối hữu nghị, đoàn kết và thúc đẩy hòa bình

Thính giả Indonesia: VOV là cầu nối hữu nghị, đoàn kết và thúc đẩy hòa bình

VOV.VN - Câu lạc bộ Bạn nghe Đài tại các khu vực của Indonesia với lượng thính giả trung thành và nhiệt huyết là những minh chứng rõ ràng nhất cho thấy phát thanh vẫn tiếp tục là một phương tiện truyền thông được yêu thích tại quốc gia Vạn đảo này. Và trong số đó, Đài TNVN vẫn luôn giành được những tình cảm trân trọng.

Phát thanh và Hòa bình
Phát thanh và Hòa bình

VOV.VN - Ngày phát thanh thế giới là một diễn đàn để gắn kết và thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa các đài phát thanh trên thế giới cũng như tăng cường khả năng tiếp cận thông tin và khuyến khích sự phát triển của truyền thông trong thời đại ngày nay.

Phát thanh và Hòa bình

Phát thanh và Hòa bình

VOV.VN - Ngày phát thanh thế giới là một diễn đàn để gắn kết và thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa các đài phát thanh trên thế giới cũng như tăng cường khả năng tiếp cận thông tin và khuyến khích sự phát triển của truyền thông trong thời đại ngày nay.