Phát triển nhóm nghiên cứu trong trường ĐH – Xu thế tất yếu

VOV.VN - Các NNC được coi là tế bào sống của hoạt động khoa học và của hoạt động đào tạo trong các trường ĐH

Với định hướng phát triển theo mô hình đại học nghiên cứu tiên tiến, đa ngành, đa lĩnh vực, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã thực hiện đào tạo chất lượng cao, trình độ cao thông qua việc gắn kết chặt chẽ hoạt động đào tạo với nghiên cứu khoa học, quan tâm xây dựng, phát triển các nhóm nghiên cứu (NNC) mạnh và đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ.  

Nhân ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức vào ngày 18/5/2014, phóng viên VOV phỏng vấn GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, một trong những giáo sư đầu ngành trong ngành Cơ học của Việt Nam. Ông đã công bố trên 100 công trình khoa học ở trong và ngoài nước, trong đó có bằng phát minh, sáng chế, sách chuyên khảo xuất bản ở nước ngoài và 40 bài báo trên tạp chí quốc tế ISI.          

PV: Thưa GS, là người đã nhiều năm gắn bó và kinh qua nhiều hoạt động ở một trường đại học lớn hàng đầu đất nước, ông đánh giá thế nào về vai trò của các NNC trong trường đại học?

Nhóm nghiên cứu của GS.TSKH Nguyễn Đình Đức


GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: Hai nhiệm vụ quan trọng nhất của một trường đại học nghiên cứu là truyền thụ kiến thức (giảng dạy) và sáng tạo tri thức (nghiên cứu), trong đó nhiệm vụ sáng tạo tri thức là cốt lõi. Các trường đại học nghiên cứu thường là nơi nảy sinh các tư tưởng, hệ tiên đề, từ đó thiết lập những nền móng căn bản của các ngành khoa học. Chính vì vậy, các trường đại học nghiên cứu tiên tiến có vai trò nòng cột trong hệ thống giáo dục đại học của mỗi quốc gia.

Các trường đại học nghiên cứu, công tác nghiên cứu khoa học luôn được gắn kết chặt chẽ với đào tạo. Đào tạo thông qua nghiên cứu và nghiên cứu khoa học để tiếp cận đỉnh cao của trí thức, từ đó quay trở lại đào tạo với chất lượng cao, trình độ cao. Sự hình thành các NNC trong các trường đại học như một lẽ tự nhiên và tất yếu. Chính vì vậy, danh tiếng của các trường đại học lớn trên thế giới thường được gắn với tầm vóc các công trình khoa học và tên tuổi của các nhà khoa học lớn. Nhà khoa học muốn phát triển được ý tưởng khoa học, xây dựng trường phái học thuật của mình hoặc giải quyết một vấn đề khoa học liên ngành phải thiết lập được nhóm cộng sự và học trò, tức là phải xây dựng được NNC.

NNC là môi trường khoa học thuận lợi nhất để các nhà khoa học trao đổi học thuật, tập hợp lực lượng và cùng nhau tiếp cận, giải quyết các vấn đề mới của khoa học, và thường thông qua các hoạt động của nhóm như xemina khoa học, hướng dẫn nghiên cứu sinh (NCS)... NNC có thể thu hút các nhà khoa học có chuyên môn gần để phát triển môi trường học thuật chuyên sâu, hoặc thu hút các nhà khoa học của nhiều ngành khác nhau để tập trung trí tuệ và sức lực giải quyết một vấn đề có tính liên ngành.

Có thể nói, các NNC chính là các tế bào sống của hoạt động khoa học, và thậm chí của cả hoạt động đào tạo trong các trường đại học. Vì chỉ có xây dựng được các NNC mạnh mới triển khai được các hoạt động nghiên cứu mạnh, đủ sức giải quyết những vấn đề khoa học đỉnh cao của ngành và những nhiệm vụ KHCN quan trọng của đất nước.

Mặt khác, đào tạo và phát triển đội ngũ cũng được thông qua hoạt động của chính các NNC, nhất là đào tạo tiến sỹ. Hơn nữa, khi NNC đã đủ mạnh về nhân lực, cơ sở vật chất và các nguồn lực khác, có thể xây dựng các chương trình đào tạo mới. Thông qua sự phát triển của các NNC cũng sẽ tăng các công bố quốc tế, từ đó nâng được thứ bậc và xếp hạng của trường đại học.

Hơn nữa, một trong những vai trò quan trọng của trường đại học là chuyển giao tri thức, đưa những kết quả nghiên cứu mới về khoa học và công nghệ của nhà trường phục vụ thiết thực sự nghiệp phát triển kinh tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. NNC có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc triển khai từ nghiên cứu đến chế thử, thúc đẩy sự ra đời của các phát minh, sáng chế và sản phẩm mới trong trường đại học.

Vì vậy, một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo và hiệu quả của các hoạt động nghiên cứu, cũng như nâng cao xếp hạng của trường đại học là phải xây dựng và phát triển được các NNC mạnh, đào tạo được đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ và năng lực nghiên cứu khoa học tốt, có tâm huyết và kinh nghiệm trong nghiên cứu và đào tạo.

Có thể nói, việc xây dựng các NNC mạnh trong các trường đại học chính là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thiết thực triển khai đổi mới giáo dục đại học một cách căn bản và toàn diện theo hướng chất lượng, hiệu quả và hội nhập với các chuẩn mực quốc tế.

PV: GS cho biết một số kết quả nổi bật của các NNC và kết quả của việc gắn kết đào tạo với NCKH của ĐHQGHN trong thời gian qua?

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: ĐHQGHN có nhiều NNC mạnh, nhiều NNC quốc tế, nhiều nhà khoa học có tên tuổi được cộng đồng các nhà khoa học trong và ngoài nước biết đến. Đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành đông và mạnh chính là vốn quý nhất, là niềm tự hào của ĐHQGHN. Hiện nay ĐHQGHN có hơn 30 nhóm nghiên cứu về khoa học tự nhiên và công nghệ, như các NNC về: Giải số phương trình và vi phân ứng dụng của GS.TSKH Phạm Kỳ Anh; Giải tích hiện đại và ứng dụng của GS.TSKH Nguyễn Văn Mậu; Tô pô và đại số của GS.TSKH. Nguyễn Hữu Việt Hưng; Cơ học vật rắn biến dạng và composite của GS.TSKH Đào Huy Bích và PGS.TS Đào Văn Dũng; Truyền sóng trong môi trường đàn hồi và dẻo của PGS.TS Phạm Chí Vĩnh.

Các mô hình tính toán song song của GS.TSKH Nguyễn Hữu Công, Tính toán trong khoa học vật liệu của GS.TS Bạch Thành Công, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Long; Khoa học vật liệu tiên tiến và công nghệ nano của GS.TSKH Nguyễn Hoàng Lương; Tổng hợp các hợp chất có hoạt tính sinh học và tổng hợp polyme làm phụ gia giảm nhiệt độ đông đặc cho dầu thô, nghiên cứu chế tạo biodiezen của GS.TSKH Lưu Văn Bôi; Công nghệ môi trường của GS.TS Phạm Hùng Việt; Đa dạng sinh học và bảo tồn của GS.TSKH Trương Quang Học; Phục hồi đất ngập nước của PGS.TS Lê Diên Dực và TS. Hoàng Văn Thắng; Hệ sinh thái rừng ngập mặn của GS.TS Lê Nguyên Hồng; Tổng hợp các hoạt chất hữu cơ có đặc tính sinh học của GS.TS Nguyễn Đình Thành; Protein - Enzyme của GS.TS Phan Tuấn Nghĩa; Ứng dụng viễn thám trong công nghệ vũ trụ phục vụ phát triển bền vững của PGS.TS Phạm Văn Cự; Địa chất biển và dầu khí của GS.TS Trần Nghi; Nghiên cứu về tai biến địa chất, thích ứng với biến đổi khí hậu của GS.TS Mai Trọng Nhuận, Phát triển hệ thống mô hình dự báo và giám sát môi trường biển và cửa sông Việt Nam của GS.TS Đinh Văn Ưu; Khí tượng, Thủy văn và Hải dương học của GS.TS Trần Tân Tiến và GS.TS Phan Văn Tân; Địa lý cảnh quan và tài nguyên thiên nhiên của GS.TS Nguyễn Cao Huần;  Khai phá dữ liệu và công nghệ tri thức của PGS.TS Hà Quang Thụy; Vật liệu và linh kiện Micro - nano đa chức năng cho kỹ thuật điện tử - SPIN của GS.TS Nguyễn Hữu Đức; Vật liệu OLED của GS.TS Nguyễn Năng Định,…

Điển hình có thể thấy vai trò quan trọng của NNC qua những thành công trong khoa học như nhóm về Công nghệ môi trường của GS.TS Phạm Hùng Việt, là nhà khoa học của ĐHQGHN có bài báo đăng trên tạp chí Nature về cơ chế nhiễm Asen trong nước ngầm tại Hà Nội, và được chọn là một trong 10 sự kiện tiêu biểu của KHCN Việt Nam năm 2013, là kết quả của sự lao động quên mình của tập thể các nhà khoa học trong NNC suốt từ năm 1998. Hoặc Giải thưởng Nhà nước về KHCN năm 2005 dành cho GS Trần Nghi, là sự ghi nhận về những đóng góp của ông và tập thể các nhà khoa học, NNC đã nhiều năm say sưa lặn lội nghiên cứu về địa chất địa mạo và đa dạng sinh học của Phong Nha – Kẻ Bàng, góp phần quan trọng trong việc cung cấp cho UNESCO những luận cứ quan trọng để công nhận Phong Nha- Kẻ Bàng là di sản thiên nhiên thế giới.

Bên cạnh các NNC về KHTN-CN, là đại học đa ngành, đa lĩnh vực, ĐHQGHN cũng có rất nhiều NNC trong khoa học xã hội - kinh tế - luật. Ví dụ chỉ riêng ở trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn đã có hơn 10 nhóm nghiên cứu nổi tiếng trong lĩnh vực khoa học xã hội như NNC về Sử học của GS Phan Huy Lê; Việt Nam học của GS.TSKH Vũ Minh Giang, GS.TS Nguyễn Văn Ngọc; Khu vực học của GS.TS Trương Quang Hải; Khoa học quản lý của PGS.TS Vũ Cao Đàm; Văn học của GS.TS Hà Minh Đức; Quan hệ quốc tế của GS.TS Vũ Dương Ninh; Ngôn ngữ học của GS.TS Đinh Văn Đức; Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số của GS.TS Trần Trí Dõi… Trường Đại học Kinh tế có một số NNC như Kinh tế quốc tế và hội nhập của PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn; Các vấn đề kinh tế chính trị Việt Nam và thế giới của PGS.TS Phạm Văn Dũng; Quản trị hài hòa đông tây của TS Nguyễn Tiến Dũng; Xây dựng mô hình lượng giá bất động sản tại Việt Nam của TS Bùi Đại Dũng; Lý thuyết và chính sách kinh tế vĩ mô của TS Nguyễn Đức Thành,…; Khoa Luật có các NNC về Nhà nước và pháp luật của GS.TSKH Lê Văn Cảm; GS.TSKH Đào Trí Úc; Hiến pháp và  tổ chức Nhà nước của GS.TS Nguyễn Đăng Dung; Văn hóa pháp luật và sự phát triển bền vững của GS.TS Hoàng Thị Kim Quế,... Các nhà khoa học trong các nhóm nghiên cứu của ĐHQGHN đã vinh dự được nhận 3 giải thưởng khoa học quốc tế; 15 Giải thưởng Hồ Chí Minh và 10 Giải thưởng Nhà nước về KH&CN.

Những công bố khoa học của các nhà khoa học và các NNC đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc ĐHQGHN được lọt vào danh sách 250 đại học hàng đầu châu Á trong bảng xếp hạng QS từ năm 2012.

Các NNC của ĐHQGHN đã có đóng góp tích cực cho nghiên cứu khoa học và đào tạo sau đại học, cụ thể là từ năm 2008 đến nay, thông qua hoạt động nghiên cứu, ĐHQGHN đã đào tạo sau đại học hiệu quả và có chất lượng tốt: đã cấp bằng cho 12.334 thạc sỹ (và đang đào tạo trên 11.000 học viên cao học), 423 tiến sỹ (và đang đào tạo 1.180 NCS);  xuất bản bổ sung trên 500 sách chuyên khảo, giáo trình; đăng tải hơn 1.000 bài báo trên các tạp chí quốc tế, hơn 3.000 bài báo trên các tạp chí khoa học trong nước; 1.500 báo cáo tại các hội nghị khoa học quốc tế, 2.000 báo cáo tại các hội nghị khoa học trong nước; thực hiện trên 500 đề tài KH&CN các loại.

Cũng cần nhấn mạnh là bên cạnh các kết quả nghiên cứu, các NNC đều có kết quả và chất lượng đào tạo rất tốt. Theo thống kê từ năm 2012 đến nay, khoảng 50% số NCS của các ngành KHTN-CN của ĐHQGHN khi bảo vệ luận án tiến sỹ đều có bài đăng trên các tạp chí quốc tế. Đáng lưu ý là 80% các công bố quốc tế của các thầy, cô hướng dẫn là công bố đồng tác giả với các nghiên cứu sinh.

Có thể thấy rằng, ở đâu có nhà khoa học đầu ngành, ở đó có NNC mạnh và từ những nhóm nghiên cứu mạnh sẽ đào tạo ra nhiều nhà khoa học giỏi, tiềm năng để kế tục và có thể xây dựng, phát triển các NNC mới. Việc hình thành, xây dựng và phát triển các NNC mạnh và hướng tới các chuẩn mực quốc tế là nhu cầu tự thân, là xu thế vận động và phát triển tất yếu của các trường đại học nghiên cứu tiên tiến trên thế giới, và cũng không là ngoại lệ cho các trường đại học nghiên cứu tiên tiến ở Việt Nam, trong đó có 2 Đại học Quốc gia (Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh).

Nhiều NNC tuy mới được hình thành, trưởng nhóm và các thành viên trong nhóm còn trẻ nhưng đã có thành tích đáng kể. Ví dụ như NNC Lý thuyết và chính sách kinh tế vĩ mô, trưởng nhóm là TS Nguyễn Đức Thành (ĐHKT) - thuộc thế hệ 8X. Từ năm 2010, NNC này đã nghiên cứu và xuất bản báo cáo kinh tế thường niên của Việt Nam, được các chuyên gia kinh tế, các nhà hoạch định chính sách quan tâm và đánh giá cao.

Mặt khác, trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa mạnh như hiện nay, sự “cạnh tranh” lành mạnh trong môi trường khoa học của đại học nghiên cứu cũng là sức ép, là “lực đẩy” các nhà khoa học trẻ vươn lên để khẳng định và phát triển. Chính vì vậy, những năm gần đây ở ĐHQGHN đã hình thành và xuất hiện nhiều NNC mới, trẻ, tiềm năng, đã sớm gắn nghiên cứu với đào tạo NCS và có nhiều công bố quốc tế như NNC về giải tích của PGS.TS Vũ Hoàng Linh, về địa chất của PGS.TS Nguyễn Văn Vượng, về hóa dầu của PGS.TS Lê Thanh Sơn (ĐHKHTN), NNC về vật liệu từ giảo và nano của PGS.TS Đỗ Thị Hương Giang, về MEMS và linh kiện nano của PGS.TS Chử Đức Trình, về thiết kế chip và vi mạch của PGS.TS Trần Xuân Tú, về tin sinh của PGS.TS Lê Sỹ Vinh (trường ĐHCN), NNC về toán tin của PGS.TS Lê Anh Vinh (ĐHGD)… Những NNC này, cùng với rất nhiều các tiến sĩ trẻ khác nữa của ĐHQGHN, sẽ tiếp tục là những nhân tố thắp sáng mãi ngọn lửa nhiệt huyết và thổi bùng lên niềm đam mê nghiên cứu trong đội ngũ cán bộ khoa học kế cận của ĐHQGHN – trường đại học có truyền thống nghiên cứu mạnh, hàng đầu về khoa học cơ bản của đất nước. 

PV: Từ những kết quả đạt được, GS có thể nêu ra những bài học kinh nghiệm trong việc hình thành và phát triển một nhóm nghiên cứu trong trường đại học?

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: Một là, muốn xây dựng được những NNC mạnh trong trường đại học, trước hết phải bắt đầu từ tâm huyết của những nhà khoa học có năng lực và trình độ, có uy tín, giữ vai trò trưởng nhóm. Trưởng nhóm phải tập hợp được đội ngũ, xác định được hướng đi và hướng phát triển cho nhóm. Trưởng nhóm chính là con chim đầu đàn dẫn dắt cả nhóm đi theo. Thành hay bại của NNC phụ thuộc rất nhiều vào người trưởng nhóm. Trưởng NNC thường là nhà khoa học tài năng, có năng lực nghiên cứu, có tư duy sáng tạo, nhạy bén trong khoa học và lại càng thuận lợi khi có uy tín cao cả ở trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, trưởng nhóm phải là người tâm huyết và có năng lực tổ chức, biết hy sinh, có khả năng ngoại ngữ và tổ chức làm việc của nhóm một cách phù hợp và khoa học.

Hai là, lãnh đạo trường đại học phải có tầm nhìn và chính sách thỏa đáng đầu tư cho NNC. Nếu có nhà khoa học đầu ngành mà không có đầu tư sẽ không thể có NNC mạnh. Mặt khác, không phải bỗng chốc có nhà khoa học đầu ngành, mà các nhà khoa học phải được quy hoạch, được đào tạo và bồi dưỡng, phải có thời gian để trưởng thành, phải kịp thời phát hiện những nhân tố mới, những nhà khoa học trẻ và NNC tiềm năng để quan tâm bồi dưỡng và đầu tư.

Nếu lãnh đạo nhà trường quan tâm, nhận thức được vai trò quan trọng của các NNC mạnh trong đào tạo và nghiên cứu, quan tâm đầu tư và vun đắp cho các nhà khoa học và các NNC, định hướng phát triển nhà trường theo hướng đại học nghiên cứu, gắn đào tạo với nghiên cứu, thì nhất định công tác đào tạo của  trường đại học sẽ có chất lượng tốt và các NNC trong trường sẽ phát triển nhanh và mạnh, tiến tới các NNC quốc tế (có sự tham gia thường xuyên của các nhà khoa học đầu ngành nước ngoài trong nhóm).

Hiện nay, Câu lạc bộ nhà khoa học ĐHQGHN mới được thành lập cũng là sân chơi tốt để tập hợp các nhà khoa học trẻ, các nhóm nghiên cứu trẻ chia sẻ ý tưởng và kinh nghiệm.

Ba là, phải tập hợp được những cán bộ có năng lực nghiên cứu tốt trong NNC, thu hút được NCS. Ở đây, xin đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của các NCS trong việc phát triển các NNC. Nếu có sự hỗ trợ kinh phí, nhiều NNC của ĐHQGHN hoàn toàn có thể tiếp nhận các nhà khoa học, các NCS và thực tập sinh người nước ngoài đến làm việc, khi đó hiệu quả hoạt động của NNC còn tốt hơn nữa.

Bốn là, đầu tư cho các NNC mạnh là sự đầu tư trúng, đúng và hiệu quả trong các trường đại học. Trong bối cảnh cần đẩy nhanh các công bố quốc tế cũng như tăng nhanh các sáng chế, sản phẩm KHCN trong trường đại học, thì việc quan tâm đầu tư bổ sung nhân lực, cơ sở vật chất, các trang thiết bị hiện đại và điều kiện làm việc cho các NNC mạnh là nhân tố có ý nghĩa cực kỳ quan trọng để thúc đẩy sự thành công của hoạt động KHCN cũng như nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.

Năm là, phải có thiết lập và xây dựng được những mối quan hệ hợp tác mạnh (trong và ngoài nước). Vì chỉ có phát huy tốt các quan hệ hợp tác với các nhà khoa học có uy tín trong và ngoài nước, các NNC mới có thể phát huy được thế mạnh của các nghiên cứu liên ngành, mau chóng  hội nhập và tiếp cận trình độ, chuẩn mực quốc tế.   

Sáu là, phải xác định và hình thành được hướng nghiên cứu hiện đại, có tầm ảnh hưởng trong khoa học sẽ là tiềm năng phát triển tốt cho NNC. Kinh nghiệm cho thấy, chọn hướng đi đúng để tập hợp và xây dựng nhóm nghiên cứu có vai trò quan trọng để phát triển một NNC mạnh. Bên cạnh đó, NNC mạnh phải có định hướng nghiên cứu riêng độc đáo, xuất phát từ những tư tưởng và hệ tiên đề mới, cách tiếp cận mới, đặc sắc của riêng mình. Có như vậy, NNC mới khẳng định được trong cộng động khoa học và phát triển bền vững.

PV: Trân trọng cảm ơn GS./.

Bản thân ông cũng đang dẫn đầu nhóm nghiên cứu Vật liệu và kết cấu composite với 3 định hướng nghiên cứu chính: nano composite; composite có chức năng có cơ lý tính biến đổi và các nghiên cứu cơ học ứng dụng. GS.TSKH Nguyễn Đình Đức đang làm cộng tác viên, phản biện cho nhiều tạp chí khoa học quốc tế có uy tín. Ông cũng là người đã kinh qua nhiều cương vị trọng trách, nhiều năm gắn bó với hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của ĐHQGHN: Trưởng Ban Khoa học Công nghệ ĐHQGHN (2005-2008), Phó Hiệu Trưởng Trường Đại học Công nghệ - ĐHQGHN (2009-2012) và từ tháng 10.2012 đến nay là Trưởng Ban Đào tạo (Đại học và Sau đại học của ĐHQGHN).

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức

Nhóm của ông đã nghiên cứu thành công cả về mặt tính toán, kết quả thực nghiệm cũng như công nghệ chế tạo nhằm tăng cường độ bền, tăng khả năng chống thấm, chống cháy cho nano composite polyme bằng cách bổ sung hợp lý các hạt nano titan oxit và đã được một doanh nghiệp đóng tàu thử nghiệm và áp dụng thành công chế tạo đà máy tàu thủy bằng vật liệu composite vào năm 2012. Công nghệ này đã được đăng ký bằng sáng chế.

Từ năm 2010 đến nay, NNC GS.TSKH Nguyễn Đình Đức đã công bố trên 50 bài báo, báo cáo khoa học trên các tạp chí và hội nghị khoa học chuyên ngành trong nước và quốc tế, thực hiện 5 đề tài nghiên cứu cấp; đăng ký 1 bằng sáng chế; xuất bản 1 giáo trình.


Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công nghệ
Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công nghệ

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và điều tra cơ bản, nâng cao tiềm lực cộng nghệ.

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công nghệ

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công nghệ

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và điều tra cơ bản, nâng cao tiềm lực cộng nghệ.

Cần có cơ chế đặc thù cho nghiên cứu khoa học
Cần có cơ chế đặc thù cho nghiên cứu khoa học

(VOV) - Bộ trưởng Bộ KHCN nói về cơ chế cấp phát tài chính cho nhiệm vụ khoa học trong Chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời.

Cần có cơ chế đặc thù cho nghiên cứu khoa học

Cần có cơ chế đặc thù cho nghiên cứu khoa học

(VOV) - Bộ trưởng Bộ KHCN nói về cơ chế cấp phát tài chính cho nhiệm vụ khoa học trong Chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời.