Phạt xe không chính chủ: CSGT hướng dẫn không đúng tinh thần
(VOV) -Việc xử phạt vi phạm phải là chủ phương tiện chứ không phải người điều khiển.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam trả lời tại họp báo chính phủ thường kỳ chiều 29/3 về xử phạt đi xe không chính chủ.
Thủ tướng chỉ đạo tạm dừng xử phạt. Gần đây Bộ Công an ban hành Thông tư 11 và 12, một là hướng dẫn xử phạt trong vi phạm giao thông trong có có hành vi không sang tên đổi chủ, hai là hướng dẫn đăng ký xe cho thuận tiện hơn, và Bộ Tài chính cũng có Thông tư về giảm lệ phí trước bạ. Vấn đề báo chí nêu lên là một Thông tư thủ tục đăng ký xe tương đối mở, thời hạn đến cuối năm 2014 mới kết thúc trong khi nội dung Thông tư cũng quy định xử phạt ngay trong khi đăng ký lại xe, nếu phát hiện xe không chính chủ.
Về bất cập này, ông Vũ Đức Đam nói: Từ năm 1995, xuất phát từ điều lệ an toàn giao thông đường bộ, chúng ta đã quy định việc xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông nếu phương tiện không phải là chính chủ. Tới năm 2005, có nhận thức lại là vẫn phải quy định nghĩa vụ đăng ký phương tiện giao thông cơ giới đối với những động sản theo quy định Bộ luật dân sự, mà Bộ luật dân sự quy định những động sản phải đăng ký biển số quốc gia. Chúng ta nhận thức lại phải chuyển đối tượng xử phạt sang chủ phương tiện.
Cách đây mấy tháng khi Nghị định 71 ra đời, báo chí góp ý rất nhiều, mới thấy rằng bản thân Nghị định vẫn theo đúng tinh thần đó nhưng lực lượng cảnh sát giao thông hướng dẫn không đúng tinh thần như vậy, xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông về nguồn gốc phương tiện giao thông mà mình đang điều khiển và việc đó đã được chấn chỉnh. Có nghĩa việc quy định các phương tiện giao thông cơ giới, cụ thể là ô tô, xe máy (phương tiện liên quan nhiều đến người dân) được quy định bởi Bộ luật dân sự là cần thiết. Đây là tài sản có giá trị nên người dân muốn bảo vệ quyền sở hữu chính đáng của mình thì phải đăng ký.
Thứ hai, theo Bộ trưởng, phương tiện giao thông có thể liên quan đến tính mạng, tài sản của nhân dân nếu xảy ra tai nạn giao thông hay vụ việc liên quan. Phương tiện giao thông có thể là phương tiện thực hiện các hành vi phạm tội khác nên phải đăng ký, nhưng từng thời kỳ thì khác nhau. Trước đây xe đạp phải đăng ký nhưng sau đó đã bãi bỏ, có thể đến lúc nào đó chúng ta sẽ quy định lại.
Khi cần đăng ký chính chủ thì đương nhiên phải đi kèm với chế tài xử phạt và việc xử phạt vi phạm phải đúng đối tượng là phải xử phạt chủ phương tiện chứ không phải người điều khiển.
“Việc xử phạt đó có thể nằm trong Nghị định này, Thông tư kia, tùy từng lúc, từng nơi nhưng phải được quy định trong hệ thống pháp luật. Chính phủ chỉ đạo điều quan trọng nhất Bộ Công an, Bộ Tài chính phải có biện pháp cụ thể để giải quyết thực trạng nhiều năm nay chúng ta buông lỏng quản lý lĩnh vực này” – Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng trích dẫn: Theo thông tin chưa đầy đủ, chúng ta có trên 10 triệu xe máy không chính chủ do rất nhiều quy định bất cập trước đây và bây giờ chúng ta phải có giải pháp để tạo điều kiện cho người dân khắc phục những lỗi này, mà những lỗi này do hai phía, trong đó, có một phía do quy định của chính chúng ta.
Bộ Tài chính, Bộ Công an đã có những đề xuất từ ý kiến nhân dân, báo chí, như giảm phí, thuế khi đăng ký lại, hay đơn giản hóa thủ tục. Nhưng để thực hiện đối với cả chục triệu phương tiện thì cần có thời gian. Tuy nhiên, cũng phải có chế tài, đặc biệt phải tuyên truyền để những phương tiện mới không tái phạm lỗi cũ.
“Báo chí cần phân tích để người dân đồng thuận, cùng thực hiện chủ trương. Chúng ta phải thực hiện quy định nhưng tuyệt đối không được gây khó khăn cho nhân dân” – Bộ trưởng lưu ý.
"Chúng tôi được biết sau khi báo chí nêu, lãnh đạo Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải đã có trao đổi, hai Bộ đang tiến hành xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi và khi hai Bộ trình lên, Chính phủ sẽ xem xét với tinh thần là quản lý tốt xã hội nhưng phải tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khắc phục tồn tại trong nhiều năm trước đây.
Hiện dự thảo Nghị định này đang được lấy ý kiến nhân dân. Báo chí có rất nhiều bài phân tích. Những ý kiến đó sẽ được trân trọng tiếp thu.
Tôi xin nói rõ có một phần do phía người dân nhưng cũng có một phần do chính sách của Nhà nước”- Bộ trưởng khẳng định.
Theo Bộ trưởng, mọi người dân phải có ý thức chuyển đổi sở hữu phương tiện. Quan điểm của Chính phủ là như vậy và Bộ Công an đã dừng ngay việc dừng phương tiện giao thông để kiểm tra xe chính chủ. Đối với các điểm đăng ký xe, Bộ Công an có trách nhiệm kiểm tra xem xe có chính chủ hay không.
Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, Bộ Công an cần thiết phải có biện pháp nhắc nhở đi kèm với chế tài. Văn phòng Chính phủ đã chuyển thông tin báo chí nêu tới Bộ Công an để nghiên cứu, chỉ đạo các lực lượng chức năng. Lãnh đạo Bộ Công an cũng khẳng định quán triệt tinh thần như Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo là chúng ta vừa ra những chế tài để hướng người dân khắc phục tồn tại, đồng thời không để phát sinh những lỗi mới và tạo điều kiện để người dân đăng ký.
Nhiều ý kiến cho rằng nếu thủ tục thuận lợi, chi phí không đáng kể thì ai cũng muốn đăng ký phương tiện thuộc sở hữu mình, nhưng cái khó là rất nhiều phương tiện qua tay nhiều chủ. Điều này đòi hỏi phải có quá trình xử lý nhưng quan trọng là để làm sao không tái phạm mới./.