Phế thải, rác thải “bủa vây” Hà Nội đến bao giờ?
VOV.VN -Theo thống kê, mỗi ngày đêm tại Hà Nội phát sinh 6200 tấn rác thải sinh hoạt, nhưng chỉ có khoảng 70% trong số đó được thu gom, xử lý.
Rác thải chất đống ở đầu làng, cuối phố là thực trạng đang xảy ra tại không ít xã, phường trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trong đó, có thể kể đến dọc quốc lộ 6 (địa bàn xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ); bãi tập kết rác khổng lồ cuối ngõ 207, phố Bùi Xương Trạch, quận Thanh Xuân; rác ùn ứ tại các ngã 3, ngã 4 tuyến đường liên thôn liên xã thị xã Sơn Tây…
Rác vứt bừa bãi trên phố Bùi Xương Trạch, Khương Đình, Thanh Xuân. |
Tại ngõ 207, phố Bùi Xương Trạch, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, nhiều năm nay đang trở thành điểm “nóng” về ô nhiễm môi trường, tập kết rác thải. Bà Trần Thị Mai, trú tại ngách 77 cho biết, lúc đầu chỉ là bãi rác nhỏ, nhưng không ai quản lý nên chỉ một hai năm sau đã trở thành núi rác vùi lấp nhiều diện tích đất nông nghiệp của phường. Do không chịu được mùi hôi thối, ô nhiễm, nhất là những hôm trời mưa, nhiều gia đình trong ngõ đã bán nhà chuyển đi nơi khác.
Bà Trần Thị Mai nói: "Bây giờ dân cứ đổ tràn lan ra thế làm sao mà nói được. Một người đổ được thì người sau cứ theo, ngày này tháng này, năm này năm khác cứ thế nhiều lên. Trời mưa cũng như trời nắng ô nhiễm môi trường không thể nào chịu được".
Núi rác gần 30.000m2 tại phường Khương Đình-Thanh Xuân. |
Theo ông Vũ Quang Trung, Chủ tịch UBND phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, trong quá trình thi công hồ Đầm Hồng, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội đề xuất tạm thời đổ vật liệu, phế thải tại khu đất trống cuối ngõ 207, thi công xong sẽ dọn đi. Quá trình đó nhiều rác thải sinh hoạt cũng được tuồn trộm ra khu vực này, hình thành khối lượng phế thải gần 30.000m3. Điều gây bức xúc trong nhân dân là khi dự án hồ Đầm Hồng hoàn thành, đơn vị thi công lại không tiến hành thu dọn rác như đã cam kết.
Ông Vũ Quang Trung cho biết: "Chính vì những bãi phế thải này mà người dân xung quanh khi cải tạo, sửa chữa nhà cũng ra đổ thêm vào. Như thế càng ngày bãi phế thải càng cao. Trong thời gian tới phường tiếp tục báo cáo quận, quận báo cáo thành phố để có biện pháp đối với đơn vị có trách nhiệm di dời bãi rác này".
Bãi rác cuối ngõ 207 Bùi Xương Trạch, quận Thanh Xuân chỉ là một trong rất nhiều điểm rác gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân Thủ đô. Thống kê cho thấy, tại Hà Nội mỗi ngày đêm phát sinh hơn 6.200 tấn chất thải sinh hoạt, trong đó ở khu vực nội thành và thị xã Sơn Tây là 3.200 tấn, còn lại là khu vực ngoại thành, nhưng mới có khoảng 70% trong số đó được thu gom, xử lý. Số lượng rác tồn đọng quá lớn đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở nhiều khu dân cư, nhất là tại các huyện, thị khu vực phía tây thành phố.
Quận Thanh Xuân vẫn chưa thể xử lý bãi rác tự phát này. |
Ông Đinh Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, Hà Nội cho biết, mỗi ngày người dân trên địa bàn huyện thải ra 150 tấn rác. Số rác này được đưa về bãi rác Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) xử lý. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, do nhiều lần bãi rác này bị đóng cửa, nên hiện trên địa bàn huyện Chương Mỹ vẫn còn tồn đọng khoảng 16 nghìn tấn rác.
Để hạn chế ô nhiễm, chính quyền địa phương phải khắc phục bằng cách phủ bạt lên đống rác tồn đọng, phun hóa chất diệt côn trùng. Song, do tập kết từ lâu, lượng rác nhiều, nên vẫn bốc mùi hôi thối. Ông Đinh Mạnh Hùng nói: "16 nghìn tấn rác tồn tại huyện không biết chuyển đi đâu được, nên ùn ứ tràn ra đường. Đó là điều tất yếu, vì hiện nay trên địa bàn huyện không có nhà máy xử lý rác nào. Biện pháp là trước mắt chúng tôi giao cho chính quyền địa phương thu gom, thứ hai là giao công ty môi trường đô thị Xuân Mai thu gom, và ép rác xuống các điểm này".
Ðiều đáng chú ý là trong khi tình trạng phế thải, rác thải đang tồn đọng tại nhiều con đường, ngõ phố Thủ đô thì tại một số địa phương các công trình thu gom, xử lý rác thải hoạt động không hết công suất, thiếu hiệu quả. Đơn cử, tại Trạm trung chuyển phân loại và xử lý rác thải Cao Dương, huyện Thanh Oai-công trình có khả năng phân loại xử lý gần 100 tấn rác mỗi ngày, đã tạm ngừng việc phân loại rác sau một thời gian ngắn hoạt động, việc tiếp nhận trung chuyển cũng chỉ hoạt động cầm chừng…
Và câu hỏi, tại Hà Nội, bao giờ rác thải, phế thải không còn “bủa vây” thành phố vẫn chưa thể có câu trả lời./.