Phó Chủ tịch IATA: Vietnam Airlines đủ năng lực đăng cai Hội nghị hàng không thế giới
VOV.VN - Với kinh nghiệm lâu năm và có mạng đường bay đa dạng kết nối tới các điểm đến tại các quốc gia trong khu vực và quốc tế, Vietnam Airlines hoàn toàn phù hợp để đăng cai tổ chức Hội nghị An toàn và Khai thác hàng không thế giới 2023 của Hiệp hội Hàng không Quốc tế (IATA).
Nhân sự kiện Vietnam Airlines là hãng hàng không nước chủ nhà Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị An toàn và Khai thác hàng không thế giới 2023, phóng viên VOV.VN có cuộc trao đổi với ông Nick Careen-Phó Chủ tịch Cấp cao về Điều hành sân bay, An toàn và An ninh của Hiệp hội Hàng không Quốc tế (IATA) trước sự kiện hàng không mang tầm quốc tế này. Phó Chủ tịch cấp cao IATA khẳng định, với kinh nghiệm phát triển hàng không mấy chục năm qua, Vietnam Airlines hoàn toàn phù hợp để đăng cai tổ chức.
PV: Vì sao IATA lựa chọn Việt Nam nói chung và Vietnam Airlines nói riêng là hãng hàng không chủ nhà đăng cai tổ chức Hội nghị An toàn và Khai thác hàng không thế giới 2023, thưa ông?
Ông Nick Careen-Phó Chủ tịch cấp cao IATA: Với vị trí địa lý ở trung tâm châu Á và tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, Việt Nam là địa điểm hoàn hảo để tiếp cận các giám đốc điều hành hãng hàng không và các nhà lãnh đạo ngành từ lục địa đông dân nhất thế giới.
Vị trí này cũng rất phù hợp để hỗ trợ sự phát triển an toàn của ngành hàng không như một động lực quan trọng đối với nền kinh tế của khu vực.
Với việc Vietnam Airlines có mạng đường bay đa dạng kết nối tới các điểm đến tại các quốc gia trong khu vực và quốc tế, Vietnam Airlines hoàn toàn phù hợp để đăng cai tổ chức khai mạc Hội nghị An toàn và Khai thác hàng không thế giới 2023.
PV: Được biết, đây là lần đầu tiên IATA tổ chức một sự kiện tổng thể về công tác an toàn nói chung của ngành hàng không. Được biết, chủ đề của Hội nghị lần này là "Lãnh đạo vào cuộc: Thúc đẩy khai thác an toàn và hiệu quả hơn". Vì sao IATA lại chọn chủ đề này thưa ông?
Ông Nick Careen-Phó Chủ tịch cấp cao IATA: Hàng không đã nổi lên mạnh mẽ hơn dự kiến sau đại dịch Covid-19 nhưng tác động trên phạm vi toàn cầu đối với ngành vẫn còn đó, với việc nhiều chuyên gia dày dặn kinh nghiệm đã rời bỏ ngành.
Để đảm bảo tăng trưởng bền vững ở hiện tại và tương lai, chúng tôi tập trung vào việc tìm hiểu xem vai trò lãnh đạo quan trọng như thế nào trong việc tiếp tục mang lại một môi trường hoạt động an toàn và hiệu quả liên tục, đồng thời giúp ngành hàng không kiên cường hơn trước những thách thức trong tương lai.
Nhìn vào các sự kiện gần đây, các cuộc điều tra về tai nạn hàng không đã xác định rằng "Văn hóa An toàn nâng cao hiệu suất an toàn và giảm khả năng xảy ra tai nạn". Nghiên cứu đã xác định lãnh đạo là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến hành vi an toàn, đặc biệt là trong các lĩnh vực rủi ro cao.
Do đó, "Lãnh đạo An toàn" trong một tổ chức là điều kiện tiên quyết cho "Văn hóa An toàn tích cực". Đây là lý do tại sao chúng ta cần cung cấp tầm nhìn rõ hơn về tầm quan trọng của "Lãnh đạo An toàn và Văn hóa An toàn" trong một ngành quan trọng về an toàn, chẳng hạn như hàng không, là ưu tiên hàng đầu và đó cũng là chủ đề của sự kiện năm nay.
PV: Cung đó, những vấn đề cụ thể nào sẽ được bàn thảo tại Hội nghị An toàn và Khai thác hàng không thế giới 2023?
Ông Nick Careen-Phó Chủ tịch cấp cao IATA: Chúng ta sẽ thảo luận khá nhiều vấn đề xung quanh các chủ đề rộng lớn về cải thiện an toàn, hoạt động hiệu quả và cơ sở hạ tầng. Các phiên họp sẽ giải quyết những vấn đề như tầm quan trọng của lãnh đạo an toàn trong việc thúc đẩy hoạt động an toàn của tổ chức IATA.
Chúng tôi sẽ tập trung vào các lĩnh vực cụ thể như an toàn đường băng - một lĩnh vực tiếp tục được quan tâm như được xác định trong Báo cáo an toàn hàng năm của IATA và nhìn lại những tai nạn và sự cố nghiêm trọng để rút ra kinh nghiệm, giảm nguy cơ rủi ro trong tương lai. Chúng tôi cũng sẽ xem xét các chủ đề về an toàn trong cabin, chẳng hạn như hành khách ngang ngược, quậy phá trên máy bay, cũng như sức khỏe và phúc lợi của phi hành đoàn.
Các phiên tại Hội nghị cũng sẽ xem xét các mối nguy tiềm ẩn chẳng hạn như pin lithium trên các chuyến bay. Chúng tôi sẽ tìm hiểu sâu về quá trình chuyển đổi phương thức đánh giá an toàn khai thác (IOSA) của IATA sang mô hình đánh giá rủi ro dựa trên tiêu chuẩn IOSA và những lợi ích về an toàn mà điều này sẽ mang lại. Chúng tôi cũng sẽ xem xét các chủ đề như tầm quan trọng của các cuộc điều tra tai nạn để cải thiện an toàn cũng như các diễn đàn khôi phục tàu bay và khủng hoảng truyền thông.
PV: Ông đánh giá như thế nào về việc đảm bảo an toàn hàng không tại Việt Nam?
Ông Nick Careen-Phó Chủ tịch cấp cao IATA: IATA không phải là cơ quan quản lý an toàn và không có trách nhiệm giám sát đối với sự an toàn của hãng hàng không.
Điều chúng tôi có thể nói là với tư cách là thành viên của IATA, Vietnam Airlines cũng như các hãng bay khác tại Việt Nam phải đảm bảo tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn đánh giá an toàn khai thác (IOSA) của IATA.
PV: Được biết, Vietnam Airlines là một trong những hãng hàng không tại Việt Nam đạt Chứng nhận An toàn Khai thác IOSA. Để đạt được chứng nhận này cần phải đạt được những tiêu chí cơ bản nào thưa ông? Việc đạt được chứng nhận này có ý nghĩa như thế nào?
Ông Nick Careen-Phó Chủ tịch cấp cao IATA: Chương trình IOSA là chương trình đánh giá mang tính hệ thống được quốc tế công nhận, được thiết kế để đánh giá hệ thống quản lý và kiểm soát hoạt động của một hãng hàng không dựa trên hơn 960 tiêu chuẩn và khuyến nghị thực hành.
IOSA là yêu cầu bắt buộc để trở thành thành viên của IATA. Nhìn chung, các hãng hàng không đạt IOSA năm 2022 có tỉ lệ tai nạn thấp hơn 4 lần so với các hàng không không đạt IOSA.
PV: Trong 5 mức độ về văn hóa an toàn hàng không, Vietnam Airlines đã đạt được mức 4 (Văn hóa an toàn chủ động - Proactive level). Vietnam Airlines cần làm gì để có thể đạt được mức 5 là Mức độ văn hóa an toàn tiên tiến - Generative level?
Ông Nick Careen-Phó Chủ tịch cấp cao IATA: Văn hóa an toàn tiên tiến được xác định bởi mức độ tin cậy cao, trong đó có sự tham gia tích cực vào an toàn của nhân viên ở mọi cấp độ của tổ chức và an toàn là số 1, là giá trị cốt lõi, nền tảng cho mọi hoạt động của công ty.
Lãnh đạo an toàn, tư duy học hỏi và cải tiến liên tục là chìa khóa để tạo điều kiện cho sự trưởng thành văn hóa an toàn ở mức độ cao nhất. Vietnam Airlines đang chuẩn bị khởi động cuộc khảo sát Văn hóa An toàn Hàng không (I-ASC) của IATA trong những tuần tới.
I-ASC là một cuộc khảo sát về văn hóa an toàn trong ngành. Báo cáo này sẽ cung cấp các kết quả chi tiết và phương án khả thi giúp đội ngũ của Vietnam Airlines xác định các lĩnh vực cần cải thiện, để hỗ trợ thêm cho Vietnam Airlines trên con đường xây dựng Văn hóa An toàn tiên tiến.
PV: Xin cảm ơn ông!