Phổ điểm thi tốt nghiệp THPT đợt 2 môn Giáo dục công dân sẽ không cao như đợt 1
VOV.VN - Các giáo viên cho rằng, đề thi giáo dục công dân đợt 2 có sự tăng lên ở câu hỏi vận dụng cao, dự kiến đỉnh của phổ điểm sẽ giảm nhẹ so với phổ đợt 1.
Theo các giáo viên tại Hệ thống giáo dục HOCMAI, đề thi Giáo dục công dân tuân thủ đúng cấu trúc nội dung như Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố và đảm bảo mục tiêu của kì thi. Có thể nói, môn Giáo dục công dân là môn có phổ điểm cao, đẹp nhất trong các môn thi đợt 1, số lượng điểm 10 cũng ở mức cao nhất. Với đề thi đợt 2, đề có sự tăng lên ở câu hỏi Vận dụng cao, dự kiến đỉnh của phổ điểm sẽ giảm nhẹ so với phổ đợt 1.
Nội dung câu hỏi vẫn chủ yếu thuộc lớp 12, trong đó 55% thuộc kiến thức học kì I và 45% câu hỏi thuộc học kì 2. Điều này là hoàn toàn phù hợp với thông tin mà Bộ Giáo dục và đào tạo đã công bố.
75% số câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu với nội dung rõ ràng, không lắt léo, 25% số câu hỏi còn lại ở mức độ Vận dụng và Vận dụng cao dùng để phân hóa cho mục tiêu xét tuyển đại học. Điều này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu của kì thi.
Cô giáo Nguyễn Thị Mai Anh, Trường THPT Yên Viên (Q. Gia Lâm, Hà Nội) nhận định, đề thi môn Giáo dục công dân (GDCD) đợt 2 thuộc tổ hợp bài thi Khoa học Xã hội đảm bảo vừa sức và công bằng đối với học sinh (HS), đồng thời phù hợp với tính chất của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và tình hình hiện nay. Cấu trúc, nội dung và mức độ dễ, khó của đề tương đương với đề thi đợt 1, đảm bảo các mức độ phù hợp với đề tham khảo của Bộ GD-ĐT.
Câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu chiếm trên 70%. Có 4 câu ở mức độ vận dụng cao (thuộc nội dung chương trình học kì I của lớp 12) để phân hóa học sinh.
Cô Phạm Thị Vân Anh, giáo viên Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Q. Hoàng Mai, Hà Nội) cũng cho rằng, ma trận đề rất rõ ràng, với 40 câu hỏi, trong đó 10 câu hỏi nhận biết, 10 câu hỏi vận dụng, còn lại là vận dụng và vận dụng cao.
Nhìn chung, kiến thức chủ yếu nằm trong nội dung chương trình sách giáo khoa và nội dung đã được tinh giản của Bộ GD-ĐT; chủ yếu trong chương trình lớp 12 (tập trung chủ yếu vào bài 2, 4, 6, 7), và 10% kiến thức là của lớp 11 (học kì I). Chương trình lớp 11 chỉ có 4 câu hỏi, tập trung kiến thức từ bài 1 đến bài 5, chủ yếu là câu hỏi nhận biết, không đánh đố học sinh, phù hợp điều kiện ôn tập của học trò.
Theo cô Vân Anh, đề thi môn Giáo dục công dân đợt 2 bám sát đề tham khảo của Bộ và chương trình lớp 12, phù hợp với định hướng đổi mới giáo dục, nâng cao năng lực và hình thành nhân cách của học sinh.
Dự báo, phổ điểm môn Giáo dục công dân đợt 2 sẽ tương đương với đợt 1. Vì vậy, các em học sinh làm bài tốt có thể yên tâm sử dụng điểm thi môn Giáo dục công dân để xét tuyển vào một số trường ĐH-CĐ có môn này trong tổ hợp xét tuyển.
Còn cô Mai Anh nhận định, học sinh đạt điểm 8, 9 sẽ nhiều, kết quả phổ điểm sẽ giống như đợt 1. Nhưng để đạt điểm tối đa, ngoài việc chăm chỉ, các em phải biết phân tích, tổng hợp kiến thức về pháp luật cả trong đời sống.
Phân tích chi tiết, cô Mai Anh đánh giá, nội dung các câu hỏi rõ ràng, mạch lạc, được sắp xếp từ dễ đến khó tạo thuận lợi cho HS trong quá trình làm bài. Nhiều câu hỏi gắn với thực tế đời sống, do đó học sinh chỉ cần nắm được kiến thức cơ bản và biết tư duy, suy luận là có thể làm tốt bài thi.
Câu hỏi tình huống hay, mang tính thời sự nên học sinh có thể giải quyết một cách dễ dàng, không yêu cầu các em phải học thuộc nhiều khái niệm, định nghĩa, phát huy được khả năng tư duy.
Cụ thể, theo cô Vân Anh, các câu hỏi tình huống gần gũi với cuộc sống, ứng với các quyền bình đẳng trong lao động, quyền tự do ngôn luận, quyền bình đẳng trong hôn nhân và gia đình; các loại vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lý./.