Phó Thủ tướng cắt băng thông xe đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn

VOV.VN - Tuyến cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn có tổng chiều dài gần 64km, bề rộng 25m, bao gồm 4 làn xe và 2 làn dừng xe khẩn cấp với vận tốc thiết kế 100 km/giờ.

Ngày 29/9, UBND tỉnh Lạng Sơn và Công ty CP BOT Bắc Giang-Lạng Sơn (thuộc Tập đoàn Đèo Cả) đã tổ chức lễ “Thông xe cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (đoạn tuyến Bắc Giang - Chi Lăng). Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tham dự và phát lệnh thông xe dự án.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và các đại biểu cắt băng thông xe cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.Ảnh: Hoàng Khánh/VOV-Đông Bắc

Tuyến đường có tổng chiều dài gần 64km, rộng 25m, bao gồm 4 làn xe và 2 làn dừng xe khẩn cấp với vận tốc thiết kế 100km/giờ sau hơn 2 năm chính thức bước vào triển khai xây dựng. Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn được Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tại văn bản số 2167/TTg-KTN ngày 30/10/2014 và Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phê duyệt đầu tư tại Quyết định 1249/QĐ-BGTVT ngày 9/4/2015 do Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn (doanh nghiệp dự án) thực hiện, bao gồm 2 hợp phần: Hợp phần tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Km1+800 đến Km106+500 với tổng chiều dài khoảng hơn 100km; Hợp phần tuyến cao tốc Bắc Giang - TP. Lạng Sơn đoạn Km45+100 - Km108+500. Tổng mức đầu tư toàn dự án gần 12.200 tỷ đồng.

Dự án được khởi công từ năm 2015, tuy nhiên do các nhà đầu tư trong giai đoạn đầu yếu kém về nguồn lực và năng lực quản trị nên đã bị chậm tiến độ gần 2 năm. Đến tháng 6/2017, hợp phần Quốc lộ 1 mới chỉ đạt 13% sản lượng và không triển khai được hợp phần đường cao tốc. Dự án có lúc rơi vào đình trệ hoàn toàn, nhiều nhà thầu đứng bên bờ vực vỡ nợ vì đã ứng hàng trăm tỷ đồng để thực hiện dự án. 

Tháng 6/2017, trên cơ sở báo cáo Bộ GTVT, nhà đầu tư mới thuộc Tập đoàn Đèo Cả được mời tham gia dự án. Tập đoàn Đèo Cả đã đề xuất giải pháp thực hiện, tháo gỡ các vướng mắc như: Chỉnh tuyến, bố trí các tuyến công vụ, xử lý tài chính tín dụng, loại bỏ các nhà thầu yếu kém năng lực, giải ngân cho một loạt nhà thầu. Sau hơn 2 năm, trải qua nhiều khó khăn nhưng với kinh nghiệm xử lý các vướng mắc thường gặp ở các dự án trước đây, nhà đầu tư đã chỉ đạo các nhà thầu mạnh tiếp cứu, đến nay, dự án đã hoàn thành, tạo niềm tin cho người dân.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tỉnh các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bộ GTVT và chủ đầu tư kịp thời hoàn thiện các hạng mục công trình để khai thác hiệu quả tuyến đường. Ảnh: Hoàng Khánh/VOV-Đông Bắc

Trước đây hơn 1 năm, vào tháng 3/2018, hợp phần Quốc lộ 1 đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng giúp nâng cao năng lực vận tải, bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn hai tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn. Đến nay, hợp phần cao tốc đã hoàn thành, không chỉ bù đắp lại tiến độ bị chậm hơn 2 năm trước đây mà còn về đích sớm hơn so với kế hoạch được Bộ GTVT phê duyệt tạo nên kỳ tích trong thi công dự án đường cao tốc.

Dự án đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ chính quyền các địa phương, sự ủng hộ của nhân dân hai tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn khi thực hiện giải phóng mặt bằng, mở ra kỳ vọng mới về một cung đường hiện đại phục vụ dân sinh và đóng vai trò động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội không chỉ riêng cho các địa phương trong vùng. Đồng thời, dự án hoàn thành cũng khẳng định năng lực, kinh nghiệm của các nhà thầu, nhà đầu tư trong nước.

Theo ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP BOT Bắc Giang-Lạng Sơn, tuyến cao tốc này vẫn còn cách 30km mới đến TP Lạng Sơn, cách Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị 43km. Đây sẽ là nút thắt giao thông trong thời gian tới và cần sớm được khắc phục để mở cánh cửa thông thương cho vùng Đông Bắc của Tổ quốc, mở ra cơ hội đầu tư tiếp nối đường cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng thuộc tỉnh Lạng Sơn. 

Hiện nay, đoạn tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng đã đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý và tăng hiệu quả do được tối ưu hóa để tiết giảm tổng mức đầu tư bằng giải pháp phân kỳ đầu tư. Mặc dù vậy, dự án này vẫn chưa thể triển khai tiếp do chưa xác định được nguồn vốn tham gia từ các bên liên quan. Việc chậm trễ của dự án này sẽ tiếp tục  ảnh hưởng đến công tác triển khai cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh kết nối tỉnh Lạng Sơn với tỉnh Cao Bằng.

Phát biểu tại lễ thông xe, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn là dự án giao thông quy mô lớn, thuộc tuyến giao thông huyết mạch trọng yếu, kết nối từ Hà Nội lên Lạng Sơn, sau này sẽ tiếp tục nối đến Trà Lĩnh (Cao Bằng). 

Đây là một trong những cửa ngõ giao thương đường bộ lớn nhất về xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và các nước trong khu vực. Tuyến cao tốc có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh không chỉ với Bắc Giang, Lạng Sơn mà còn các địa phương trong vùng, rút ngắn thời gian di chuyển, giảm ùn tắc, thúc đẩy giao thương hàng hóa từ đó phát triển dịch vụ, sản xuất...

Tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn nằm trong Quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam với mục tiêu hình thành hệ thống đường bộ cao tốc quốc gia. Ảnh: Hoàng Khánh/VOV-Đông Bắc

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của UBND các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang trong việc tập trung quản lý dự án, lãnh đạo chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng; biểu dương chủ đầu tư, các ngân hàng thương mại, các đơn vị tư vấn, nhà thầu trong việc khắc phục khó khăn để rút ngắn thời gian thi công, cũng như các chuyên gia, nhà khoa học, kỹ sư, đội ngũ người lao động trên công trường.

Để tiếp tục hoàn thành các công đoạn còn lại, sớm đưa vào vận hành, khai thác đạt kết quả cao nhất, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương, các đơn vi liên quan tiếp tục một số công việc. 

“Đề nghị chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các công việc còn lại trên tuyến theo đúng quy định, hoàn thiện công trình, không chỉ bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn mà phải thực sự là công trình kiến trúc đẹp, đóng góp cho khu vực Đông Bắc. Đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn tiếp tục rà soát, điều chỉnh, cập nhật quy hoạch, trên cơ sở tuyến đường mới, cơ cấu lại kinh tế, bố trí lại dân cư, khu công nghiệp, dịch vụ, phát huy hiệu quả cao nhất của tuyến đường...”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, tỉnh Lạng Sơn sớm đầu tư đoạn cao tốc Hữu Nghị-Chi Lăng, phối hợp với UBND tỉnh Cao Bằng đẩy mạnh công tác chuẩn bị đầu tư cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh để đủ điều kiện khởi công vào giai đoạn 2021-2025. 

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chính thức phát lệnh thông xe dự án./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cao tốc Bắc - Nam được triển khai ra sao sau hủy đấu thầu quốc tế?
Cao tốc Bắc - Nam được triển khai ra sao sau hủy đấu thầu quốc tế?

VOV.VN - Về mặt trình tự, thủ tục, đấu thầu quốc tế hay đấu thầu trong nước để lựa chọn nhà đầu tư đều giống nhau, chỉ khác nhau ở tư cách của nhà đầu tư…

Cao tốc Bắc - Nam được triển khai ra sao sau hủy đấu thầu quốc tế?

Cao tốc Bắc - Nam được triển khai ra sao sau hủy đấu thầu quốc tế?

VOV.VN - Về mặt trình tự, thủ tục, đấu thầu quốc tế hay đấu thầu trong nước để lựa chọn nhà đầu tư đều giống nhau, chỉ khác nhau ở tư cách của nhà đầu tư…

Hủy thầu quốc tế cao tốc Bắc-Nam là cơ hội “vàng” cho doanh nghiệp nội
Hủy thầu quốc tế cao tốc Bắc-Nam là cơ hội “vàng” cho doanh nghiệp nội

VOV.VN -Việc hủy thầu quốc tế tuyến cao tốc Bắc- Nam của Bộ GTVT nhận được nhiều sự đồng tình của dư luận. Đây sẽ là cơ hội “vàng” cho nhà đầu tư trong nước.

Hủy thầu quốc tế cao tốc Bắc-Nam là cơ hội “vàng” cho doanh nghiệp nội

Hủy thầu quốc tế cao tốc Bắc-Nam là cơ hội “vàng” cho doanh nghiệp nội

VOV.VN -Việc hủy thầu quốc tế tuyến cao tốc Bắc- Nam của Bộ GTVT nhận được nhiều sự đồng tình của dư luận. Đây sẽ là cơ hội “vàng” cho nhà đầu tư trong nước.

Không chỉ định thầu nhà đầu tư dự án cao tốc Bắc-Nam
Không chỉ định thầu nhà đầu tư dự án cao tốc Bắc-Nam

VOV.VN - Trong trường hợp giả định không có nhà đầu tư, Bộ GTVT sẽ báo cáo Thường vụ Quốc hội chuyển sang đầu tư công chứ không chỉ định nhà đầu tư.

Không chỉ định thầu nhà đầu tư dự án cao tốc Bắc-Nam

Không chỉ định thầu nhà đầu tư dự án cao tốc Bắc-Nam

VOV.VN - Trong trường hợp giả định không có nhà đầu tư, Bộ GTVT sẽ báo cáo Thường vụ Quốc hội chuyển sang đầu tư công chứ không chỉ định nhà đầu tư.