Phó Thủ tướng: Khởi công 12 dự án cao tốc Bắc - Nam trong năm 2022
VOV.VN - Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ GTVT phải bảo đảm đến cuối năm 2022, tất cả 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông phải được khởi công, để có thể đưa vào khai thác theo đúng tiến độ.
Đây là yêu cầu, đồng thời cũng là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai kế hoạch năm 2022 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức sáng nay (25/12).
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết năm 2021 là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, cũng là năm đầu tiên triển khai kế hoạch kinh tế-xã hội 5 năm (2021 - 2025).
Đây cũng là năm cả nước gặp nhiều khó khăn khi đại dịch Covid-19 bùng phát diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhân dân.
Tuy vậy, theo Phó Thủ tướng, với sự vào cuộc tích cực của toàn hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, khó khăn từng bước được khắc phục, cả nước chuyển từ trạng thái thực hiện phong tỏa sang thích ứng, linh hoạt, an toàn. Trong đó, có sự đóng góp to lớn của ngành GTVT.
"Năm 2021, Bộ GTVT là một trong những bộ, ngành hoàn thành xuất sắc công tác xây dựng quy hoạch. Ngành GTVT không kể đêm hôm, thực hiện một quy trình bài bản hoàn thành 5 quy hoạch chuyên ngành, đồng thời cùng lúc, tạo tiền đề thu hút được đầu tư, góp phần thực hiện hiệu quả các chiến lược dài hơi. Đây là cơ sở quan trọng hiện thực hóa mục tiêu đột phá hạ tầng giao thông", Phó Thủ tướng đánh giá.
Chỉ đạo định hướng trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng kết thúc năm 2021, trải qua gần 20 năm, khoảng 1.200km đường cao tốc đã được hoàn thành. Để đạt được mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam có 3.000 km đường cao tốc là thách thức lớn. Tuy nhiên, Bộ GTVT đã nhận diện và triển khai sớm các phương án đầu tư để chủ động chuẩn bị nguồn lực, đảm bảo tính khả thi.
Vì vậy, Bộ GTVT phải bảo đảm đến cuối năm 2022, 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 phải được khởi công để có thể khánh thành, đưa vào khai thác năm 2024 - 2025. Nếu không có thay đổi lớn, quyết tâm lớn sẽ không hoàn thành được dù có tiền, nên cần có giải pháp cụ thể. Vướng gì trình Chính phủ, trình Quốc hội để thông suốt toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam theo đúng Nghị quyết đã đề ra.
"Bộ GTVT phải coi việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong năm 2022. Dự án đã được đưa vào nghị quyết, tiền cũng đã bố trí thì phải quyết tâm có sản phẩm", Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo.
Bên cạnh hạ tầng đường bộ, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT chú trọng các dự án đầu tư trọng điểm lĩnh vực hàng không như: Sân bay Long Thành, mở rộng sân bay Nội Bài; khởi công theo quy hoạch các cảng hàng không: Điện Biên, Sa Pa, Quảng Trị, Phan Thiết, Côn Đảo,…
Lĩnh vực hàng hải, cần xây dựng cơ chế thu hút nhà đầu tư cùng nhà nước làm tiếp cảng Trần Đề, tiếp tục đầu tư khu bến Nam Đồ Sơn (Hải Phòng) và cảng Lạch Huyện hiện hữu.
Đối với đường sắt cần tập trung vào 3 việc chính: nghiên cứu đề xuất bổ sung các tuyến mới (TP HCM - Cần Thơ - Cà Mau), tuyến sang biên giới Campuchia, Lào; Bảo dưỡng hạ tầng hiện hữu, đảm bảo an toàn và phối hợp cùng các Bộ, ngành sớm trình đề án đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao…
Vượt qua đại dịch COVID-19, hoàn thành nhiều mục tiêu
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết Bộ GTVT đã triển khai nhiều giải pháp vận tải nhằm bảo đảm không để bị đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân và nguyên vật liệu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trước ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Theo đó, Bộ GTVT đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về bảo đảm hoạt động vận tải gắn với phòng, chống dịch COVID-19; thành lập các đoàn kiểm tra tại 22 địa phương về tổ chức hoạt động vận tải, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; ban hành 5 Hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải của 5 lĩnh vực; đề nghị các địa phương rà soát, thu hồi các quy định đã ban hành không phù hợp, trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong hoạt động vận tải gắn với phòng, chống dịch COVID-19.
“Ngành GTVT đã cố gắng, nỗ lực hết sức mình để duy trì, đảm bảo hoạt động vận tải được thông suốt, an toàn, kịp thời trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp nhằm phục vụ mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế ở mức cao nhất có thể theo chỉ đạo của Chính phủ” Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm đánh giá.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, đặc biệt là doanh nghiệp vận tải. Tổ công tác đặc biệt do Bộ trưởng làm Tổ trưởng đễ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Bộ cũng đã đề xuất các cấp thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách giảm phí để hỗ trợ các doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải, đường thuỷ nội địa; chỉ đạo tạm dừng thu phí tại các trạm thu phí đóng trên địa bàn các địa phương thực hiện giãn cách xã hội; miễn phí đối với các phương tiện chở cán bộ, nhân viên y tế, người tăng cường hỗ trợ vùng dịch, các phương tiện chở người từ vùng dịch về các địa phương…
Ngay từ những ngày đầu, tháng của năm 2021, Bộ đã tập trung, chỉ đạo quyết liệt công tác giải ngân các dự án, đặc biệt đối với các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm của ngành (cao tốc Bắc-Nam phía Đông, cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ, cải tạo đường hạ cất cánh, đường lăn sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, các dự án đường sắt, đường bộ cấp bách...).
Kết quả giải ngân hàng tháng trong năm 2021 của Bộ GTVT đều ở trong số các Bộ, ngành đạt tỷ lệ cao so với bình quân chung cả nước; trong đó đến hết tháng 11/2021 đã giải ngân đạt 71,5%, dự kiến hết tháng 1/2022 đạt trên 95% đáp ứng yêu cầu Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 63/NQ-CP.
Mặc dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, tuy nhiên, nhiều công trình, dự án của ngành giao thông quyết tâm khắc phục khó khăn trong điều kiện dịch bệnh để hoàn thành, đưa vào khai thác đúng kế hoạch; nhiều dự án đã kịp thời xử lý, tháo gỡ được vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công, đáp ứng được yêu cầu về tiến độ và chất lượng công trình.
Đưa ra kế hoạch năm 2022, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, ngành giao thông ưu tiên bố trí vốn, chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh tiến độ thi công cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 1; các dự án quan trọng, động lực tạo cơ sở sớm hoàn thành, đưa vào khai thác phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến độ giải ngân, bảo đảm hoàn thành theo đúng kế hoạch yêu cầu, nhất là đối với các dự án trọng điểm.
Bộ GTVT cũng phấn đấu giải ngân 95% kế hoạch năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao (dự kiến được giao khoảng 50.000 tỷ đồng); tiếp tục kéo giảm tai nạn giao thông từ 5-10% cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2021…/.